Chị Bùi Thị Thanh Trúc, cư ngụ phường 11, quận 11, TP.HCM, cho biết ngày 27-4 SIM điện thoại di động của chị bất ngờ bị khóa hai chiều. SIM số này chị sử dụng sáu năm nay và đã hoàn thiện mọi bước đăng ký thuê bao, bổ sung thông tin, hình ảnh chính chủ theo Nghị định 49 và yêu cầu của nhà mạng.
Xuất hiện “người thứ ba”
Theo chị Trúc, cách đây sáu năm chị nhờ cha của mình là ông Bùi Thanh Lâm đến một cửa hàng VinaPhone đăng ký mua SIM điện thoại theo ngày tháng năm sinh của chị. Sau khi hoàn thành các thủ tục, ông Lâm đã mua được số điện thoại 0948942xxx theo ý muốn của chị Trúc.
Chị dùng SIM này suốt sáu năm nay cho công việc làm ăn, hoàn toàn không xảy ra sự cố gì. Đến ngày 14-4, chị Trúc nhờ cha đến điểm giao dịch VinaPhone Nguyễn Sơn (quận Tân Phú) để bổ sung ảnh chân dung theo yêu cầu của nhà mạng. Đăng ký xong xuôi, chị an tâm vì SIM đã được đảm bảo chính chủ.
Nào ngờ trưa 27-4, chị Trúc nhận được một cuộc gọi đến tìm người tên Vũ. Cho rằng người này nhầm số nhưng đến chiều lại có tin nhắn tới máy chị tìm người tên Vũ. Sau đó thì SIM của chị bị khóa, chị không gọi đi được mà tự gọi đến số của mình thì chị được một người tên Vũ tiếp chuyện. Người này cho biết đã mua lại SIM số trên từ một người bạn bán SIM với giá 450.000 đồng.
Nghi ngờ có vấn đề, chị nhờ cha đến điểm giao dịch một lần nữa để đưa giấy tờ chứng minh SIM số này là của mình. Nhà mạng ghi nhận thông tin nhưng hẹn qua kỳ nghỉ lễ 30-4 và 1-5 sẽ giải quyết. “Khi tôi phản ứng quyết liệt thì ngày 28-4 thuê bao của tôi được mở khóa chiều gọi đi nhưng tôi phát hiện số tiền trong tài khoản bị mất hơn 100.000 đồng” - chị Trúc cho biết. Ngoài ra, chị phát hiện người đã sử dụng SIM của chị còn xâm phạm vào các tài khoản Facebook, Zalo đã đăng ký số điện thoại này và thay đổi thông tin hình ảnh trên trang cá nhân, làm ảnh hưởng đến các mối quan hệ của chị.
Vì mất số điện thoại liên lạc đột ngột, công việc kinh doanh của chị Trúc bị ảnh hưởng nặng nề khiến chị vô cùng bức xúc. “Vì sao nhà mạng không xử lý ngay mà phải đợi sau lễ? Tôi yêu cầu nhà mạng phải giải thích rõ ràng và mở lại SIM hai chiều cho tôi” - chị Trúc nói.
Khách hàng đăng ký bổ sung thông tin thuê bao tại một điểm giao dịch của VinaPhone. Ảnh: T.THỊNH
Khách hàng có thể kiện nhà mạng
Theo luật sư Lê Văn Hoan, Đoàn Luật sư TP.HCM, hợp đồng dịch vụ viễn thông là sự giao kết giữa bên cung cấp dịch vụ và bên sử dụng dịch vụ. Việc giao kết này là hoàn toàn tự nguyện và bình đẳng với nhau. Quyền của bên này là nghĩa vụ của bên kia và ngược lại. Một khi các bên đã giao kết thì đương nhiên phải thực hiện nghĩa vụ của mình.
Với thông tin từ vụ việc trên, chủ thuê bao điện thoại không vi phạm nghĩa vụ của mình mà nhà mạng lại ngưng cung cấp dịch vụ là vi phạm nội dung các bên đã thỏa thuận. Mặc dù chủ thuê bao đã cung cấp đầy đủ thông tin nhân thân kể cả hình ảnh nhưng nhà mạng vẫn ngưng cung cấp thì đây là điều khó chấp nhận.
Nguyên tắc một số điện thoại chỉ sử dụng cho một SIM. Việc không bình thường này có thể do cố ý can thiệp trong hệ thống của nhà cung cấp dịch vụ hoặc do lỗi kỹ thuật.
Trong tất cả trường hợp bị mất số thuê bao mà không phải do lỗi của chủ thuê bao thì nhà mạng phải có trách nhiệm bồi thường nếu có thiệt hại xảy ra. Đồng thời, nhà mạng có nghĩa vụ khắc phục cho khách hàng.
Việc cần làm của chủ thuê bao bị cắt liên lạc một chiều lúc này là cần thu thập các bằng chứng (càng nhiều càng tốt) để làm căn cứ khởi kiện bên cung cấp dịch vụ và cả các bằng chứng về thiệt hại (nếu có).
Chúng tôi đã liên hệ với nhà mạng VinaPhone để hỏi về trường hợp hy hữu trên. Phía nhà mạng cho biết đang thực hiện xác minh thông tin và sẽ có câu trả lời chính thức sau.
Trao đổi với chúng tôi trưa 1-5, chị Trúc cho biết thuê bao của chị đã được mở khóa hai chiều nghe và gọi, đồng thời số tiền bị mất hơn 100.000 đồng trong tài khoản cũng đã được hoàn trả. Đối với vấn đề bồi thường thiệt hại khi bị khóa SIM và bị người khác sử dụng thông tin cá nhân, chị Trúc cho biết đang cân nhắc vì trên thực tế thiệt hại là có thật nhưng cần có thêm chứng cứ. |