Nhiều khách hàng của cả ba nhà mạng lớn nhất nước đều cho biết họ gặp những câu chuyện dở khóc dở cười khi đi đăng ký lại thuê bao di động tại các điểm giao dịch. Có thể thấy cho đến lúc này, nhà mạng cũng đang rối bời vì thời gian gấp gáp và thái độ không hợp tác của một số người dùng.
Khi các doanh nghiệp viễn thông còn chưa tìm ra được cách làm thực sự hợp lý, đơn giản, không gây phiền hà và không làm phát sinh chi phí cho các chủ thuê bao thì chắc chắn phản ứng từ khách hàng sẽ chưa chấm dứt.
Khó tiếp cận, khó cả cách làm
Thuê bao của tôi là trả sau, sử dụng gần 20 năm nay. Tôi không nhận được tin nhắn thông báo gì, không rõ quy định ra sao nên để phòng xa, tôi vẫn đến cửa hàng để bổ sung ảnh trước khi bị khóa “đường dây nói”.
Đã cố ý đi giờ thấp điểm nhưng số người xếp hàng vẫn rất đông. Không ai hướng dẫn gì, tôi tự lấy phiếu đăng ký, ngồi điền xong lại xếp hàng để nộp. Nhân viên nhà mạng lướt qua bản khai của tôi rồi nhẹ nhàng nói: “Thuê bao của anh không cần đăng ký vì là thuê bao trả sau, anh ạ!”.
Nghe xong thật muốn nổi giận. Nhà mạng tiếc chi một tin nhắn cho các thuê bao không cần đi đăng ký để tôi đỡ phải mất công. Thêm một điều nữa, nhân viên ít mà khách hàng lại quá đông, tất cả hầu như đều tự điền phiếu. Điền sai lại phải lấy tờ mẫu khác điền lại, có người tốn cả chục tờ.
Chưa hết, từ vụ ảnh chân dung này mà tôi sực nhớ ra số điện thoại mẹ tôi đang sử dụng là do… bạn gái cũ của tôi đăng ký rồi tặng bà. Chúng tôi chia tay đã 15 năm, ai cũng có vợ có chồng, giờ làm cách nào để tôi đi “chính chủ hóa” số điện thoại cho mẹ đây? Sao nhà mạng ra đề khó quá vậy?
Anh NGUYỄN VĂN HÙNG (Bến Cát, Bình Dương)
Khách hàng đăng ký thông tin cá nhân tại một điểm của nhà mạng MobiFone tại quận 5, TP.HCM. Ảnh: HTD
Thông tin sai, sửa rồi vẫn sai
Mỗi lần nhà mạng nhắn tin yêu cầu điều chỉnh thông tin là tôi lại lên “tăng xông”. Số điện thoại hiện tại tôi dùng từ năm 2002, mua SIM tại một cửa hàng, điền đầy đủ thông tin họ tên, số CMND vào một tờ giấy được nhân viên cửa hàng phát cho.
Tám năm sau, nhà mạng nhắn tin yêu cầu đăng ký lại thông tin thuê bao vì người đứng tên số của tôi lại là một quý cô nào ở mãi… Hà Nội. Nhân viên nhà mạng giải thích này nọ, rằng có thể là lỗi sai khi nhập liệu. Tôi cũng tặc lưỡi làm theo hướng dẫn, lại cung cấp thông tin cá nhân lần nữa rồi nhận tin xác nhận của nhà mạng là đã hoàn thành các thủ tục.
Tưởng yên rồi, đến năm 2016 một lần đi ra cửa hàng cắt SIM thành SIM nano cho vừa với điện thoại mới, tôi kiểm tra thông tin thì một lần nữa cô nhân viên cho biết số thuê bao không mang tên tôi. Quá tam ba bận, lần này tôi đưa hẳn CMND của mình cho nhân viên điều chỉnh trên hệ thống.
Nào ngờ, trong “cơn sốt 24-4”, tôi lại tiếp tục nhận được tin nhắn nhà mạng yêu cầu đi bổ sung thông tin để không bị khóa thuê bao. Tôi lại tra cứu lần nữa và… hết kiên nhẫn nổi khi tên chủ thuê bao số điện thoại của mình vẫn là một người khác. Đòi hỏi khách đăng ký thông tin nhưng khả năng cập nhật, lưu giữ, bảo mật của nhà mạng tới đâu? Tôi quyết định sẽ chẳng làm gì nữa, nếu khóa SIM thì tôi đi mua SIM mới, mạng mới.
Chị THU THANH (Quận 2, TP.HCM)
Tên mình nhưng SIM người ta
Mấy ngày nay thông tin về việc phải đi bổ sung hình ảnh với nhà mạng cứ xôn xao. Tôi cũng tự kiểm tra tình trạng của mình bằng cách nhắn tin theo cú pháp “TTTB” gửi 1414. Thật bất ngờ, ngoài việc xác định mình đã có đầy đủ thông tin theo quy định, tôi còn phát hiện số CMND của mình đang đứng tên cho một số điện thoại lạ hoắc.
Tôi liền gọi điện thoại đến số thuê bao đó để báo cho họ biết, đồng thời thông báo cho nhà mạng việc số điện thoại thứ hai không phải là của tôi. Một tuần sau kiểm tra, tôi rất bực mình vì số SIM lạ kia vẫn còn mang nguyên thông tin cá nhân của tôi, chưa hề được nhà mạng cập nhật, sửa chữa.
Chị HỒNG LOAN (Quận Bình Thạnh, TP.HCM)
Sau khi bài viết “Chụp ảnh chủ thuê bao: 3 sự vô lý!” được đăng trên Pháp Luật TP.HCM ngày 26-4, chúng tôi nhận được rất nhiều ý kiến bình luận từ độc giả. “Chi phí xăng xe đi lại để xác nhận của mỗi thuê bao, chưa tính thời gian lao động, hãy tính xem lãng phí bao nhiêu tỉ? Cái này Chính phủ cần vào cuộc, xử lý trách nhiệm những người liên quan” - Hailua “Tôi nghĩ điều kiện người thuê bao cung cấp CMND mạnh hơn điều kiện chụp ảnh thuê bao, vì vậy đưa ra điều kiện bổ sung ảnh thuê bao chứng tỏ người soạn thảo quy định nắm không vững về logic học và các quy định pháp luật có liên quan” - Vũ Bộc “Việc bắt chủ thuê bao di động đi chụp ảnh chân dung giống như vụ mũ bảo hiểm không đạt chất lượng vậy. Mũ sản xuất không đạt thì sao cơ quan chức năng không đi bắt người sản xuất, người bán mà lại đi bắt người đội nón?” - Phương Trang “Nói như bà phó cục trưởng Cục Viễn thông là nhân viên nhà mạng làm sai mà bắt khách hàng chịu à? SIM nhà mạng làm ra, nhân viên nhà mạng bán, thông tin khách hàng nhà mạng thu thập, tiền nhà mạng thu. Phát sinh SIM rác là do nhà mạng chứ đâu phải do khách hàng!” - Lê Tính “Một cái sai cứ lặp đi lặp lại mãi mà không chịu sửa đổi, khắc phục là văn bản quy phạm pháp luật viết không rõ ràng. Từ đó, khi ban hành thì mỗi người hiểu theo mỗi ý, thậm chí một số cơ quan thực thi cũng có cách vận dụng khác nhau. Tại sao lại như vậy, ai chịu trách nhiệm hay cha chung không ai khóc?” - Lam Ba |
CMND có giá trị chứng nhận những đặc điểm riêng và nội dung cơ bản của mỗi công dân trong độ tuổi quy định. Trên cơ sở đó, Nghị định 03/2013 cho phép người dân được dùng CMND để thuận tiện thực hiện các giao dịch trên lãnh thổ. Tương tự, Luật Căn cước công dân cũng cho phép chủ thẻ này sử dụng thẻ trong các giao dịch. Với việc buộc bổ sung ảnh, chẳng lẽ CMND hoặc căn cước công dân, hai loại giấy tờ đều có ảnh, không đủ giá trị để các chủ thuê bao giao kết hợp đồng thuê bao di động? Nếu đúng vậy, Nghị định 49/2017 đang phủ nhận một phần Nghị định 03/2013 và Luật Căn cước công dân. |