Nhằm hạn chế tình trạng SIM rác và tin nhắn rác gây phiền toái cho người dân, từ ngày 1-6-2020, cả ba nhà mạng lớn tuyên bố chính thức ngừng bán bộ hòa mạng (hay còn gọi là KIT) tại các đại lý ủy quyền. Đặc biệt, các nhà mạng dừng quyền đấu nối số thuê bao (tức kích hoạt SIM của các đại lý) và nhà mạng chỉ tập trung việc bán SIM, đăng ký thông tin thuê bao tại các điểm cung cấp dịch vụ viễn thông của chính nhà mạng.
Dễ dàng mua SIM kích hoạt sẵn
Dù quy định trên đã triển khai được hơn một tháng rưỡi nhưng theo ghi nhận của chúng tôi, trên mạng xã hội, các điểm bán SIM vỉa hè, tiệm tạp hóa…, SIM kích hoạt sẵn vẫn được bán tràn lan. Đơn cử dọc quốc lộ 13 (Bình Thạnh), đường Phạm Văn Đồng (Thủ Đức), cầu Gò Dưa (Thủ Đức)… xuất hiện hàng loạt biển thông báo bán SIM điện thoại kích hoạt sẵn.
Thử ghé vào một điểm bán vỉa hè trên đường Phạm Văn Đồng (Thủ Đức, TP.HCM), SIM 4G của các nhà mạng được bán với giá 60.000-200.000 đồng và tặng kèm điện thoại 1202 đầy đủ pin sạc. Đáng chú ý, người bán không yêu cầu người mua phải cung cấp thông tin cá nhân hay CMND để đăng ký SIM như quy định.
“SIM đã được kích hoạt sẵn, em chỉ việc lắp vào máy và dùng thôi. Nộp tiền hằng tháng để duy trì SIM là được. Nếu muốn làm SIM chính chủ thì em mang chứng minh thư đến nhà mạng để đổi, nhanh lắm” - chị T., một người bán SIM tại đây, nói.
Không chỉ thế, anh Đình Tuấn (ở quận 3, TP.HCM) kể vừa qua anh mua một SIM điện thoại trên mạng xã hội Facebook. Người bán khẳng định đây là loại SIM 4G mới, chưa được kích hoạt với giá 150.000 đồng, mỗi tháng được tặng 60 GB, miễn phí nội mạng và 50 phút gọi ngoại mạng.
“Khi nhận hàng, tôi lắp vào máy và kiểm tra thông tin thuê bao thì phát hiện đây không phải SIM mới mà đã được kích hoạt sẵn. Phản ánh với người bán thì không nhận được hồi âm. Khi sử dụng, SIM cũng không được miễn phí cước gọi hay 60 GB hằng tháng, mà là loại SIM thông thường” - anh Tuấn cho biết.
Cũng theo anh Tuấn, từ khi lắp và sử dụng SIM này, anh luôn bị làm phiền bởi hàng chục cuộc điện thoại gọi đòi nợ, chào mời quảng cáo, dù anh đã đăng ký lại chính chủ sau hơn hai tuần sử dụng. Nhiều người khác cũng cho biết tương tự.
Vẫn còn tình trạng buôn bán SIM kích hoạt sẵn tại các đại lý trên địa bàn TP.HCM. Ảnh: THU HÀ
Quyết liệt thu hồi SIM rác
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, đại diện ba nhà mạng Viettel, MobiFone và VinaPhone đều khẳng định đã dừng cung cấp SIM mới cho các đại lý và các đại lý ủy quyền không thể tự kích hoạt SIM sau ngày 1-6-2020.
Tuy nhiên, khi được hỏi về việc vẫn còn tình trạng SIM kích hoạt sẵn bán tràn lan trên thị trường, nhà mạng VinaPhone giải thích đây có thể là những SIM đã được kích hoạt trước ngày 1-6. “Hiện tại chúng tôi đã dừng cung cấp SIM mới cho các đại lý ủy quyền. Song các đại lý vẫn được bán SIM cũ đến hết ngày 31-12-2020” - đại diện VinaPhone giải thích.
Theo báo cáo của Bộ TT&TT, hiện ước tính chỉ còn khoảng 6,8 triệu SIM nghi vấn có thông tin không chính xác đang lưu hành. Con số này chiếm dưới 5% tổng số thuê bao đang hoạt động và giảm 17 triệu so với thời điểm tháng 10-2018 và đặc biệt, số lượt phản ánh tin nhắn rác giảm trên 90%. |
Đại diện nhà mạng Viettel, MobiFone cũng thừa nhận dù đã dừng cấp SIM mới qua các kênh ủy quyền và đại lý nhưng trên thị trường vẫn còn số lượng không nhỏ SIM đã cung cấp cho điểm đại lý và ủy quyền trước đó. Mặt khác, dù qua quá trình rà soát, những SIM không đáp ứng theo yêu cầu của Nghị định 49/2017 đã bị khóa nhưng để giải quyết triệt để tình trạng SIM rác cần có hướng dẫn cụ thể từ cơ quan chức năng để có căn cứ thu hồi SIM.
Đại diện một nhà mạng lý giải thêm, sở dĩ vẫn còn tình trạng bán SIM kích hoạt sẵn là do các điểm cung cấp dịch vụ viễn thông ủy quyền thực chất trước đây là các hộ kinh doanh bán SIM thẻ cào, điện thoại di động... được một doanh nghiệp khác thiết lập thành địa điểm kinh doanh trực thuộc. Ngoài ra, các điểm cung cấp dịch vụ viễn thông này đã lợi dụng kẽ hở của Nghị định 49/2017 không quy định hạn chế số lượng SIM để đăng ký sử dụng nhiều thuê bao.
“Thêm vào đó, những đơn vị này đã lợi dụng thông tin cá nhân của khách hàng đã đăng ký sử dụng dịch vụ trước đây để tiếp tục giao kết hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung” - đại diện công ty viễn thông trên nhấn mạnh.
Liên quan đến vấn đề này, đại diện Cục Viễn thông thuộc Bộ TT&TT cho hay vừa qua các nhà mạng đã triển khai biện pháp mạnh hơn nhằm hạn chế SIM rác, trong đó có việc không phát hành SIM mới qua các kênh phân phối nhỏ lẻ. Tuy nhiên, trước đó các đại lý đã có sẵn một số lượng SIM tồn nên trên thị trường vẫn còn SIM để bán. Hiện tại các nhà mạng vẫn đang siết chặt vấn đề này.
“Cục đã yêu cầu các nhà mạng phải rà soát kỹ SIM để tiến hành các biện pháp thu hồi nếu vi phạm. Bên cạnh đó, tiến hành các đợt giám sát nội bộ, giám sát chéo cũng như rà soát trên hệ thống nhằm ngăn chặn SIM rác, thực hiện đúng kế hoạch đã triển khai” - đại diện Cục Viễn thông cho hay.
Tạo điều kiện cho người dân mua SIM thuận lợi Đại diện Viettel cho rằng việc ngừng bán bộ hòa mạng (KIT) tại các đại lý ủy quyền từ ngày 1-6 gây ảnh hưởng nhất định đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Nhưng quy định mới này là bước đi cần thiết để đảm bảo thông tin thuê bao di động được kiểm soát tốt hơn nhằm ngăn chặn, xử lý SIM rác.
Để hỗ trợ cho người dân và đại lý ủy nhiệm, Viettel đã đưa ra các giải pháp nhằm hỗ trợ việc mua bán SIM một cách thuận lợi, nhất là vùng sâu, vùng xa. “Các doanh nghiệp viễn thông, trong đó có Viettel sẽ cơ cấu lại hệ thống cửa hàng, nhân viên bán hàng trực tiếp cũng như tối ưu hóa các kênh bán hàng online, kênh số để đảm bảo phục vụ tốt nhất nhu cầu sử dụng dịch vụ viễn thông của khách hàng” - Viettel cho biết. Nhà mạng VinaPhone cũng cho hay đang tăng cường mở rộng hệ thống điểm cung cấp dịch vụ viễn thông, tăng cường nhân sự tại các điểm giao dịch. Đặc biệt, doanh nghiệp này đẩy mạnh phương án bán SIM, đăng ký thông tin thuê bao trực tuyến để khách hàng có nhu cầu không cần đến trực tiếp điểm giao dịch. |