Là trường tiên phong mở ngành Quản lý khởi nghiệp (QTKN), ông Nguyễn Hùng Phong, Giám đốc Trung tâm Phát triển khởi nghiệp- Trường Đại học Kinh tế TP.HCM, chia sẻ: “Sinh viên (SV) ngành này muốn thành công phải có sự liên kết với các vườn ươm, các chương trình tìm kiếm sáng tạo khởi nghiệp, gắn kết với cộng đồng doanh nhân. Qua đó, SV sẽ học từ doanh nhân những câu chuyện thành công, thất bại của họ để rút ra bài học”.
Ông Nguyễn Hùng Phong, Giám đốc Trung tâm Phát triển khởi nghiệp - Trường ĐH Kinh tế TP.HCM. Ảnh: P.ĐIỀN
Đòi hỏi tính cách táo bạo, kiên trì
Phóng viên: Vậy ngành này được thiết kế như thế nào? SV ngành QTKN ra trường làm gì?
+ Thứ nhất, có thể khởi sự bằng việc mở công ty. Cách này khá chật vật, vì khởi sự cần có đầu tư từ các quỹ đầu tư mạo hiểm và các quỹ đầu tư tương tự tại Việt Nam, tuy nhiên các quỹ này tại Việt Nam rất ít.
Thứ hai, SV có thể trang bị kiến thức khởi nghiệp bằng hình thức nhượng quyền kinh doanh. Chẳng hạn các công ty lớn họ mở các chuỗi cửa hàng bán hàng theo thương hiệu sẵn có. Cách này SV có thể vận dụng mặt bằng từ người thân hoặc hỗ trợ đi thuê lại mặt bằng để khởi nghiệp. Cách này trên thế giới khá phổ biến.
Thứ ba, tại các tỉnh, thành đều có chương trình thúc đẩy khởi nghiệp, và họ đặt ra các mục tiêu hàng năm có bao nhiêu doanh nghiệp ra đời.
Cùng đó có ba sở cùng xúc tiến để tham gia chương trình thúc đẩy khởi nghiệp, gồm: Sở Khoa học Công nghệ, Sở Kế hoạch - Đầu tư và Sở Công thương. Qua thực tế làm việc cho thấy ba đơn vị này lúng túng trong việc điều phối chung cho hoạt động kinh doanh. Do vậy, kiến thức về QTKN của SV được trang bị có thể giúp họ trở thành chuyên viên trong các cơ quan nhà nước để thực hiện vai trò điều phối viên, xúc tiến khởi nghiệp, đào tạo tư vấn viên. Có thể nói con đường nghề nghiệp SV theo ngành QTKN rất rộng.
Thiết kế chương trình gồm 115 tín chỉ và 10 tín chỉ thực tập. Khác ngành quản trị SV thường thực tập ở các công ty lớn, còn ngành QTKN từ năm ba SV đã tiếp xúc với hệ sinh thái khởi nghiệp, bao gồm vườn ươm, chương trình ươm tạo doanh nghiệp, các sở ngành, đơn vị điều phối chương trình khởi nghiệp.
Vậy SV học ngành này sẽ thực tập ở đâu? Chỉ tiêu tuyển sinh của ngành này là bao nhiêu?
+ Hiện trường, khoa đã ký kết với một số vườn ươm tại tỉnh Sóc Trăng, Cần Thơ và các đơn vị chuyên về kinh doanh để họ trao đổi với SV về thành công thất bại trong khởi nghiệp. Sắp tới sẽ ký kết với Ban Nông nghiệp Công nghệ cao của TP.HCM. Với những đầu mối nêu trên SV có thể đến đó học hỏi kinh nghiệm, thực tiễn, thực tế.
Khóa đầu tiên (khóa 41) thử nghiệm đã có 52 SV theo học, trong khóa 42 tới hiện đang bàn tính. Vì thực tế, sau khi học một năm rưỡi, SV khi chọn ngành mới có chỉ tiêu chính thức. Tuy nhiên, với xu thế khởi nghiệp đang tăng, quy mô đào tạo sẽ lớn hơn, vì ngoài hệ chính quy còn hệ văn bằng hai dành cho những người quản lý nhà nước cần kiến thức về QTKN.
Ngành này đòi hỏi SV có sự táo bạo, kiên trì. Cho nên trong giai đoạn từ năm hai trở trường sẽ trao đổi, tư vấn cho SV biết về triển vọng nghề nghiệp. Trước đó, có báo cáo đại trà cho SV về ngành QTKN, tố chất người khởi nghiệp cần có là gì để SV xem xét lại mình có phù hợp để đăng ký chọn ngành. Như trên đã nói ngành này khá đặc thù nên mỗi học phần sẽ mời một chuyên gia, doanh nhân để họ kể lại câu chuyện thực tế để SV ra trường không bỡ ngỡ.
Như vậy, có thể muốn khởi nghiệp thành công phải chuẩn bị kiến thức đầy đủ, thay vì nghe loáng thoáng vài buổi nói chuyện rồi khởi sự ngay. Ông đánh giá như thế nào về hai cách nói trên?
+ Tùy theo suy nghĩ của SV, có người họ nghĩ những khóa ngắn hạn như vậy là họ có thể khởi nghiệp ngay. Còn chương trình QTKN của Trường ĐH Kinh tế TP.HCM thiết kế dựa trên top 25 trường ĐH trên thế giới về khởi nghiệp kinh doanh. Qua đó, chắt lọc ra những điểm giao thoa với môn học nào, sau đó làm nghiên cứu trên địa bàn của nhiều tỉnh, thành thu thập dữ liệu thành lập trong ba năm đầu để xem họ đang gặp những vướng mắc gì và bản thân họ cần cái gì. Sau đó khái quát lại đối chiếu với chương trình đào tạo các nước, để xem có bổ sung gì, trên nền tảng đó mới xây dựng ngành QTKN.
Ngoài ý tưởng khởi nghiệp, SV cần phải có kiến thức thực tiễn và kinh nghiệm từ những thành công hay thất bại của những người đi trước. Ảnh: P.ĐIỀN
Sinh viên thường đề xuất ý tưởng cao siêu
Xu thế SV khởi nghiệp phát triển khá mạnh mẽ, trong khi kiến thức khảo sát rất bài bản như vậy, nếu không chuẩn bị đầy đủ ảnh hưởng thế nào đến các dự án khởi nghiệp của các bạn trẻ? Ngoài các ý tưởng, đề tài cần thêm những gì để khởi nghiệp thành công?
+Bản thân SV muốn đi vào sâu thì cần phải có kiến thức thực tiễn. Có thể thực tiễn SV chưa cần phải trải nghiệm bằng tự mình khởi nghiệp, vì bản thân thất bại cũng là kinh nghiệm. Tuy nhiên bản thân SV, khi tham gia chương trình sẽ được tiếp xúc với các chuyên gia, doanh nhân để họ kể lại những câu chuyên thành công, thất bại của họ từ khi ra ý tưởng đến khi hình thành sản phẩm.
Đáng ái ngại, SV thường đề xuất ý tưởng cao siêu, bao la nhưng hiện thực về tài chính, công nghệ lại không có, bởi vậy thông qua các cuộc tìm kiếm ý tưởng, sẽ rèn giũa cho SV chuẩn bị hành trang. Họ cần học thêm kinh nghiệm bằng cách đi làm thuê cho các công ty, đơn vị trong một vài năm, sau đó tích lũy kinh nghiệm, mối quan hệ. Nên lưu ý, QTKN rất cần các mối quan hệ với các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, chuyên gia, nhà cung ứng...
Thực tế, xuất phát khởi nghiệp của sinh viên khá đơn giản, còn thiết kế của chương trình QLKN đòi hỏi bài bản, kiến thức chuyên sâu. Vậy phải có định hướng khởi nghiệp như thế nào đối với sinh viên?
+ Muốn khởi nghiệp thành công thì phải có sự độc đáo, sáng tạo. Nếu khởi theo kiểu “me too” - người ta làm sao mình cũng làm vậy, người ta bán hàng trên mạng mình cũng làm theo, người ta mở tiệm bánh mỳ mình cũng mở tiệm bánh mỳ, thì mình sẽ lặp lại cái người khác đã làm. Việc lặp lại như vậy, sẽ dẫn đến thất bại. Minh chứng rõ nhất là ý tưởng cà phê take away, bán cà phê sạch, loại hình này không cần nhiều diện tích nhưng hàng nghìn người làm theo, rộ lên như vậy thành công sẽ không có, thất bại đương nhiên.
Cho nên trong khởi nghiệp cần ý tưởng độc đáo, cần lưu ý muốn khởi nghiệp không nên đơn độc một mình phải có một team (đội, nhóm). Chẳng hạn, có ý tưởng về sản phẩm nông nghiệp thì cần phải có một kỹ sư, đội ngũ bán hàng…. Tóm lại SV muốn khởi nghiệp cần có team, kinh nghiệm, ý tưởng độc đáo mới tính đến thành công.
Nên chọn giống tốt trước khi ươm Thay vì chọn những hạt giống tốt để ươm mầm, thì mô hình khởi nghiệp tại Việt Nam lại tạo ra các vườn ươm. Sau đó mầm nào tốt thì vươn lên còn mần nào kém thì tụt lại. Vậy tại sao không chọn hạt giống tốt mới đưa vào vườn ươm? Việc xây dựng vườn ươm khởi nghiệp phải kết nối với các cựu SV thành đạt để làm nhà đầu tư cho SV khởi nghiệp. Hoạt động này có lợi đôi bên cả doanh nghiệp và SV, tranh thủ quỹ đầu tư... Đào tạo khởi nghiệp cần có bước đi rõ ràng, như triển khai các khóa học khởi nghiệp, hỗ trợ nghiên cứu khoa học ứng dụng, nghiên cứu sản phẩm cho ra thị trường. Bản thân tôi từng khởi nghiệp, thất bại có thành công có và đã từng mất cái nhà vì khởi nghiệp. GS.TS Trương Nguyện Thành, Phó hiệu trưởng Điều hành, Trường ĐH Hoa Sen |