Síp: Nhân viên ngân hàng biểu tình vì lương hưu

Síp: Nhân viên ngân hàng biểu tình vì lương hưu ảnh 1
Người dân biểu tình phản đối trước văn phòng Liên minh châu Âu ở Nicosia ngày 24/3. (Nguồn: THX/TTXVN)
Hai ngân hàng thương mại lớn nhất của quốc đảo Địa Trung Hải này không được đảm bảo sau khi Laiki phải sáp nhập vào BoC theo cam kết của chính phủ Síp với "bộ ba" chủ nợ (gồm Ngân hàng Trung ương châu Âu - ECB, Liên minh châu Âu - EU và Quỹ Tiền tệ Quốc tế - IMF). Cuộc biểu tình và đình công diễn ra bất chấp những đảm bảo của Tổng thống Nicos Anastasiades đưa ra tuần trước rằng Chính phủ sẽ nỗ lực hết sức để bảo toàn quỹ lương lưu tại các ngân hàng trên. Mặc dù cho đến nay chưa xảy ra tình trạng hỗn loạn tại Síp, song những điều khoản nhận gói cứu trợ sẽ buộc quốc đảo này phải tiến hành những cải cách một cách đau đớn như tăng thuế, giảm lực lượng lao động tại khu vực nhà nước, cổ phần hóa các doanh nghiệp và giảm quy mô khu vực ngân hàng vốn bị coi là kồng kềnh. Trước đó, ngày 3/4, tân Bộ trưởng Tài chính Síp Haris Georgiades tuyên bố Síp sẽ thực thi tất cả các điều kiện cứu trợ nghiêm ngặt cả về khung thời gian lẫn mục tiêu theo đúng cam kết với EU, ECB và IMF để đổi lấy gói cứu trợ 10 tỷ euro. Trong khi đó, theo một số nguồn tin nước ngoài, người Nga và Ukraine đã rút hàng triệu euro khỏi các ngân hàng của Síp. Báo Haravghi của Síp cho biết ông Andrei Akimov, người đứng đầu ngân hàng Gazprombank của Nga, đã rút 2 triệu euro khỏi tài khoản của ông tại ngân hàng Laiki từ ngày 6/3, trong khi các công ty do tỷ phú Ukraine Rinat Akhmetov quản lý cũng đã rút 23 triệu euro khỏi các tài khoản ngân hàng tại Síp trước khi các điều kiện cho khoản cứu trợ của EU được áp dụng. Hiện Tổng thống Síp Nicos Anastasiades cũng đang phải đối mặt với sự chỉ trích mạnh mẽ sau khi có thông tin một công ty luật do con rể ông quản lý đã chuyển 21 triệu ơrô khỏi ngân hàng Laiki trước khi thể chế tài chính này sụp đổ. Mặc dù vậy, ông Anastasiades khẳng định không làm điều gì sai và yêu cầu các thẩm phán coi việc điều tra thảm họa ngành ngân hàng của nước này là “một ưu tiên.” Các nhà phân tích lo ngại rằng việc áp đặt các biện pháp kiểm soát tạm thời đối với nguồn vốn và tiền mặt trong thời gian gần đây có thể làm trầm trọng thêm tình trạng suy thoái ở đảo quốc Síp.
Theo TTXVN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm