Sở GTVT TP.HCM vừa đề xuất UBND TP phê duyệt đề án Thí điểm ứng dụng khoa học công nghệ để xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ (GTĐB). Theo đó, nếu đề xuất được chấp thuận, TP cần ưu tiên bố trí kế hoạch vốn trung hạn và hằng năm để thực hiện, tổng mức đầu tư đến năm 2025 là hơn 450 tỉ đồng.
Giảm CSGT và thanh tra trên đường
Ông Ngô Hải Đường, Trưởng phòng Quản lý khai thác hạ tầng, Sở GTVT, cho biết phát triển hệ thống giao thông thông minh (ITS) được xem là một trong những giải pháp quan trọng trong việc giải quyết bài toán giao thông tại TP hiện nay.
Theo ông Đường, ở các TP phát triển trên thế giới, ứng dụng khoa học công nghệ trong kiểm soát, điều hành giao thông và đặc biệt xử lý vi phạm về trật tự an toàn giao thông là một trong những giải pháp hữu hiệu góp phần kéo giảm ùn tắc, tai nạn giao thông. Từ đó, sở đã tiến hành rà soát, đánh giá đầy đủ thực trạng, các điều kiện thuận lợi, khó khăn, vướng mắc trong công tác“phạt nguội”.
Ngoài ra, khi xử lý vi phạm hành chính GTĐB thông qua phương tiện kỹ thuật sẽ góp phần hiện đại hóa công tác tuần tra, giảm bớt sự có mặt thường xuyên và các biện pháp thủ công của CSGT và thanh tra giao thông trên đường.
Về công tác quản lý, theo Sở GTVT, dựa vào kinh nghiệm của các nước trên thế giới, việc quản lý điều hành hệ thống xử “phạt nguội” có thể do cơ quan quản lý giao thông hoặc cơ quan CSGT đầu tư, quản lý. Do vậy, Sở GTVT kiến nghị giao cho sở làm chủ đầu tư và tổ chức quản lý bảo trì, vận hành khai thác đề án này, Công an TP bố trí nhân sự tham gia điều hành trực tiếp tại trung tâm. Đồng thời, Trung tâm Quản lý điều hành giao thông chia sẻ dữ liệu phương tiện vi phạm cho PC08 (Công an TP) để xử phạt.
Ưu điểm của phương án này sẽ phù hợp với định hướng phát triển Trung tâm Quản lý điều hành giao thông đô thị tại các TP trực thuộc trung ương.
Việc giao ngành giao thông đầu tư trực tiếp quản lý sẽ thuận lợi trong công tác đầu tư dự án, công tác khai thác, quản lý. Đặc biệt là công tác duy tu, bảo trì, nhân sự thực hiện công tác tuần tra, kiểm tra hoạt động của các thiết bị, hạ tầng công nghệ thông tin bao gồm thiết bị nội vi, ngoại vi, phần mềm công nghệ thông tin. Đồng thời sẽ tận dụng được cơ sở hạ tầng và nhân sự công nghệ thông tin hiện có của Trung tâm Quản lý điều hành giao thông đô thị đã đầu tư trong giai đoạn 1.
Hình ảnh ghi nhận các trường hợp vi phạm tại Trung tâm Quản lý điều hành giao thông đô thị. Ảnh: ĐÀO TRANG
Lộ trình thực hiện
Theo đó, nếu đề án được chấp thuận, năm 2021 sẽ tổ chức khai thác hiệu quả, đồng bộ trang thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ và hạ tầng công nghệ thông tin hiện hữu phục vụ công tác xử phạt. Bao gồm việc mở rộng phạm vi triển khai xử “phạt nguội” ở khu vực trung tâm TP, các tuyến đường quốc lộ, đường vành đai, các điểm đen về tai nạn, các cửa ngõ ra vào TP trên cơ sở tận dụng hệ thống camera giám sát giao thông hiện hữu.
Sở GTVT đề xuất UBND TP nghiên cứu đề xuất Thủ tướng Chính phủ có các cơ chế, chính sách đặc thù cho TP.HCM nhằm ứng dụng hiệu quả khoa học công nghệ hiện đại trong công tác xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực GTĐB. |
Đồng thời kiểm soát các hành vi vi phạm dừng, đỗ xe không đúng nơi quy định; lưu thông vượt đèn đỏ; lưu thông vào đường cấm, giờ cấm; lưu thông không đúng làn đường; tổ chức đón trả khách không đúng quy định; vi phạm về tốc độ …
Giai đoạn 2022-2023, Sở GTVT sẽ đầu tư hệ thống quản lý và xử phạt vi phạm giao thông trên địa bàn TP. Trong đó sẽ đầu tư hệ thống quản lý và xử phạt như đầu tư thiết bị ngoại vi tại 40 vị trí kiểm tra, xử phạt các hành vi vi phạm tập trung tại khu vực trung tâm TP; các điểm đen về tai nạn; khu vực ra vào cảng, bến xe; khu vực sân bay...
Dự kiến kinh phí đầu tư là 167 tỉ đồng, nguồn vốn từ ngân sách TP và các nguồn vốn hợp pháp khác theo quy định. Giai đoạn này, sở cũng sẽ phối hợp với các bộ, ngành nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 theo hướng quy định cụ thể về xử “phạt nguội” hoàn toàn tự động, không thực hiện bước xác minh hành vi vi phạm.
Giai đoạn 2024-2025, tiếp tục đầu tư mở rộng hệ thống quản lý và xử phạt vi phạm giao thông trên địa bàn TP. Đầu tư bổ sung thiết bị ngoại vi tại 140 vị trí kiểm tra, xử phạt các hành vi vi phạm tại khu vực trung tâm TP; khu vực ra vào cảng, bến xe; khu vực sân bay; khu vực các tuyến đường quốc lộ, đường vành đai…
Mức độ ứng dụng công nghệ thông tin sẽ hoàn toàn tự động từ khâu phát hiện vi phạm, tự động tra cứu cơ sở dữ liệu phương tiện vi phạm, tự động phát hành biên bản xử phạt và quyết định xử phạt vi phạm gửi đến chủ phương tiện vi phạm. Chủ phương tiện đóng phạt thông qua các hình thức thanh toán điện tử. Theo đó, kinh phí đầu tư dự kiến giai đoạn này sẽ hơn 286 tỉ đồng bằng nguồn ngân sách TP và các nguồn vốn hợp pháp khác theo quy định.•
Đã thu vào ngân sách hơn 128 tỉ đồng Theo Sở GTVT, thời gian qua, công tác xử phạt qua hình ảnh đã được các đơn vị áp dụng. Cụ thể, kết quả xử phạt qua hình ảnh của PC08 đã có 320.909 hồ sơ, trong đó có 74.270 trường hợp thực hiện quyết định xử phạt (đạt 23%), thu vào ngân sách hơn 62 tỉ đồng. Cũng từ ngày 15-6-2020, PC08 đã tiếp nhận dữ liệu camera từ Trung tâm Quản lý điều hành giao thông đô thị (Sở GTVT) và lập hồ sơ xử phạt 15.291 trường hợp, số tiền xử phạt hơn 3,5 tỉ đồng. Kết quả xử phạt qua hệ thống kiểm tra tải trọng xe của Thanh tra Sở đã kiểm tra 4.974 phương tiện, phát hiện 2.698 phương tiện vi phạm (đạt 54%), thu vào ngân sách hơn 66 tỉ đồng. Sở GTVT đánh giá việc triển khai xử lý vi phạm hành chính GTĐB thông qua camera ghi hình, radar kiểm soát tốc độ, cân kiểm tra tải trọng xe đã được các đơn vị thực hiện hơn 10 năm nay và mang lại những hiệu quả tích cực trong công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông. Trong đó, giai đoạn 2015- 2020, các cơ quan chức năng đã xử phạt và thu vào ngân sách hơn 128 tỉ đồng. |