Số phận 16 năm của hai khu 'đất vàng' Bình Dương

(PLO)- Trải qua 16 năm thay đổi về pháp lý, hai khu “đất vàng” ở Bình Dương đã có “số phận” khác nhau theo phán quyết của tòa án.

Vụ đại án “đất vàng” Bình Dương đã khép lại giai đoạn sơ thẩm. Bên cạnh mức án dành cho 28 bị cáo, một vấn đề khác được nhiều người quan tâm, đó là “số phận” của hai khu “đất vàng” 43 ha và 145 ha. Đây cũng là trung tâm nảy sinh chuỗi hành vi sai phạm của các bị cáo trong vụ án này.

Các bị cáo trong vụ đại án "đất vàng" Bình Dương. Ảnh: UYÊN TRANG

Năm 2004, sau khi được Thủ tướng chấp thuận, UBND tỉnh Bình Dương phê duyệt quy hoạch xây dựng Khu liên hợp công nghiệp – dịch vụ - đô thị với tổng diện tích gần 4.200 ha.

Quá trình thực hiện, Tổng Công ty Sản xuất - Xuất nhập khẩu Bình Dương TNHH MTV (Tổng Công ty 3/2) được UBND tỉnh đồng ý giao hơn 560 ha để thực hiện dự án sân gofl, trung tâm thương mại, khu nhà ở, trường đua…

Năm 2006, Ban quản lý dự án Khu liên hợp bàn giao các mốc ranh đất Khu dịch vụ cho Tổng Công ty 3/2 để làm cơ sở kiểm tra và lập bản đồ hiện trạng phục vụ đền bù giải phóng mặt bằng. Tiếp đó, UBND tỉnh Bình Dương có quyết định phê duyệt đơn giá đất bình quân cho khu dịch vụ là 51.914 đồng/m2

Đến năm 2012 và năm 2013, ông Trần Văn Nam khi ấy là Phó Chủ tịch UBND tỉnh lần lượt ký các quyết định giao hai khu đất 43 ha và 145 ha cho Tổng Công ty 3/2. Tuy nhiên, khi tính tiền sử dụng đất, các cơ quan chức năng Bình Dương lại tham mưu, đề xuất vẫn áp đơn giá năm 2006, thay vì áp đơn giá tại thời điểm có quyết định giao đất là 2012. Đề xuất này bị cáo buộc là trái quy định, nhưng ông Nam vẫn chấp thuận, dẫn tới Tổng Công ty 3/2 được hưởng lợi, gây thất thoát hơn 760 tỉ đồng.

Bị cáo Trần Văn Nam, cựu bí thư Tỉnh ủy Bình Dương - Ảnh: UYÊN TRANG

Sau khi giao đất với giá rẻ, các lãnh đạo, cán bộ tỉnh Bình Dương tiếp tục có hàng loạt sai phạm, khiến “số phận” hai khu “đất vàng” có những ngã rẽ khác nhau, khiến ngân sách thiệt hại số tiền đặc biệt lớn.

Tại khu đất 43 ha, ông Nguyễn Văn Minh (cựu chủ tịch Tổng Công ty 3/2) thỏa thuận cùng Công ty Âu Lạc (do con rể là Nguyễn Đại Dương đứng sau) thành lập liên doanh Tân Phú. Tiếp đó, ông Minh chỉ đạo cấp dưới chuyển nhượng trái phép khu đất này cho Tân Phú, rồi chuyển nhượng nốt 30% vốn góp tại Tân Phú cho Công ty Âu Lạc. Lúc này, toàn bộ tài sản thuộc sở hữu nhà nước tại Tân Phú đã rơi vào tay tư nhân, gây thiệt hại hơn 984 tỉ đồng.

Ở diễn biến khác, Công ty Âu Lạc ký hợp đồng chuyển nhượng 100% vốn góp tại Công ty Tân Phú cho công ty của nữ đại gia bất động sản Nguyễn Thị Kim Oanh. Thực hiện thỏa thuận, phía bà Oanh đã thanh toán 350 tỉ đồng cho phía Âu Lạc. Kết quả cuối cùng, Công ty Kim Oanh là chủ sở hữu Công ty Tân Phú, bao gồm khu đất 43 ha.

Tại khu đất 145 ha, ông Nguyễn Văn Minh sắp xếp đưa hai công ty “sân sau” của gia đình tham gia liên doanh Tân Thành để thực hiện dự án.

Khi thực hiện cổ phần hóa Tổng Công ty 3/2, ông Minh chỉ đạo cấp dưới loại trừ khu đất ra khỏi giá trị doanh nghiệp, đồng thời cố ý chuyển nhượng thông qua thủ đoạn góp vốn bằng quyền sử dụng đất vào Tân Thành.

Hậu quả, quyền sử dụng khu đất 145 ha được đăng ký dịch chuyển từ Tổng Công ty 3/2 sang Công ty Tân Thành, gây thiệt hại hơn 4.000 tỉ đồng.

Bị cáo Nguyễn Văn Minh, cựu chủ tịch Tổng Công ty 3/2. Ảnh: UYÊN TRANG

Trải qua 16 năm với những thay đổi pháp lý khác nhau, tại phần tuyên án hôm 30-8 vừa qua, TAND TP Hà Nội đã đưa ra phán quyết về “số phận” của hai khu “đất vàng” nêu trên.

Với khu đất 43 ha, cơ quan tố tụng xác định bà Đặng Thị Kim Oanh không biết và không liên quan đến hành vi chuyển nhượng trái phép của Nguyễn Văn Minh cho Công ty Âu Lạc. Việc bà Oanh chuyển tiền thanh toán cho Âu Lạc để sở hữu Công ty Tân Phú, bao gồm khu đất, cũng không liên quan đến hành vi sai phạm của các bị cáo…

Quá trình xét xử, đại diện Công ty Tân Phú và Công ty Kim Oanh cho rằng Công ty Kim Oanh là bên thứ ba ngay tình, mong muốn được nộp khoản tiền sử dụng đất chênh lệch và được tiếp tục thực hiện dự án tại khu đất 43 ha.

Kết quả, tòa án quyết định tạm giao khu đất này cho Công ty Tân Phú tiếp tục quản lý; đồng thời đề nghị UBND tỉnh Bình Dương nghiên cứu, xem xét xác định đầy đủ các nghĩa vụ tài chính mà Công ty Tân Phú phải nộp đối với khu đất, bảo đảm không gây thất thoát tài sản cho Nhà nước và cũng đảm bảo quyền lợi cho các bên liên quan.

Với khu đất 145 ha, tòa án đề nghị UBND tỉnh Bình Dương thu hồi, trả lại cho chủ sở hữu là Tỉnh ủy Bình Dương; đồng thời xem xét giải quyết quyền lợi của các cổ đông tại Công ty Tân Thành và các tổ chức, cá nhân khác có liên quan.

Do 145 ha được trả lại cho chủ sở hữu là Tỉnh ủy Bình Dương, hậu quả đã được khắc phục toàn bộ nên không yêu cầu các bị cáo có hành vi sai phạm tại khu đất này phải bồi thường thiệt hại.

Về trách nhiệm hình sự, HĐXX tuyên 22 bị cáo phạm tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản của Nhà nước gây thất thoát, lãng phí. Trong đó, hai ông Trần Văn Nam (cựu bí thư Tỉnh ủy) và Trần Thanh Liêm (cựu chủ tịch UBND tỉnh) cùng bị tuyên phạt bảy năm tù, Phạm Văn Cành (cựu phó bí thư thường trực Tỉnh ủy) bị tuyên ba năm tù nhưng cho hưởng án treo.

Bị cáo Nguyễn Văn Minh (cựu chủ tịch Tổng công ty 3/2) bị tuyên tổng hợp 27 năm tù về hai tội tham ô tài sản và vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản của Nhà nước gây thất thoát, lãng phí. Các bị cáo còn lại bị tuyên phạt từ ba năm tù nhưng cho hưởng án treo đến 23 năm tù.

Tòa cũng buộc Tổng công ty 3/2 phải nộp tiền chênh lệch tiền sử dụng đất khi được giao đất với giá thấp hơn giá thực tế là hơn 760 tỉ đồng. Tòa ghi nhận tổng công ty đã nộp hơn 200 tỉ đồng nên phải nộp thêm hơn 560 tỉ đồng, đề nghị Cục Thuế tỉnh Bình Dương chịu trách nhiệm truy thu số tiền này.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới