Vụ đất vàng Bình Dương: Cựu chủ tịch ‘không chỉ thao túng mà còn lạm quyền’

(PLO)- Đại diện VKS cáo buộc cựu chủ tịch Tổng Công ty 3/2 "không chỉ thao túng HĐQT, HĐTV mà còn lạm quyền" để thực hiện hành vi trái pháp luật và chỉ đạo thực hiện tội phạm.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 24-8, TAND TP Hà Nội tiếp tục phiên xử 28 bị cáo trong vụ bán rẻ đất vàng xảy ra tại Tổng công ty Sản xuất - Xuất nhập khẩu tỉnh Bình Dương (Tổng công ty 3/2). Đại diện VKS đối đáp lại quan điểm bào chữa của các luật sư và bị cáo.

Đại diện VKS tranh luận tại phiên tòa. Ảnh: UYÊN TRANG

Đại diện VKS tranh luận tại phiên tòa. Ảnh: UYÊN TRANG

“Thao túng”, “lạm quyền”

Một trong những nội dung tranh luận là quan điểm bào chữa của các luật sư khi cho rằng không có chứng cứ để chứng minh vai trò "chủ mưu, cầm đầu" của bị cáo Nguyễn Văn Minh, cựu chủ tịch Tổng công ty 3/2.

Theo VKS, trong suốt gần 40 năm hình thành, phát triển của Tổng công ty 3/2, ông Minh "luôn là người đứng đầu, chịu trách nhiệm chính" về quản lý hoạt động của doanh nghiệp này.

Tại các công ty khác, ông Minh vừa là người tham gia trực tiếp điều hành, vừa là người có "mối quan hệ, ảnh hưởng chi phối" người thực tế quản lý, điều hành.

Với công ty Hưng Vượng, ông Minh là chủ tịch HĐQT, nắm giữ riêng 23% cổ phần. Với Công ty Phát Triển, ông Minh trên danh nghĩa không tham gia quản lý, nhưng con gái ông này là Nguyễn Thục Anh lại đứng tên chủ tịch HĐQT. Với Công ty Âu Lạc, bị cáo cùng con rể lên ý đồ "thâu tóm" khu đất 43 ha và thỏa thuận thành lập công ty này để có pháp nhân lập ra liên doanh Tân Phú nhằm thực hiện dự án.

Tại cả hai liên doanh là Công ty Tân Thành và Công ty Tân Phú, ông Minh bị quy kết vừa là người chủ trương thành lập, đồng thời cũng giữ chức vụ chủ tịch HĐQT.

VKS cáo buộc bị cáo vừa là lãnh đạo của doanh nghiệp nhà nước, vừa đứng đầu một loạt công ty tư nhân "sân sau", bắt tay thực hiện kế hoạch thâu tóm hai lô đất 43 ha và 145 ha bằng thủ đoạn "tiền trảm hậu tấu".

Khi liên doanh thành lập hai pháp nhân Tân Phú, Tân Thành, các hợp đồng liên doanh đều được ký kết trước khi báo cáo và xin chủ trương của Tỉnh ủy Bình Dương. Hành vi của ông Minh bị cáo buộc "có tính quyết định" trong chuỗi sai phạm góp vốn đầu tư và thỏa thuận giá cả để chuyển nhượng quyền sử dụng đất công trái quy định pháp luật.

Quá trình điều tra và tại phiên tòa, các bị cáo làm việc dưới quyền ông Minh đều khai nhận hoạt động của HĐQT và HĐTV Tổng công ty 3/2 đều theo chủ trương của bị cáo Minh. Với quyền uy, thuyết phục của bị cáo, dù nội dung của các nghị quyết có vi phạm pháp luật thì cấp dưới cũng phải phục tùng.

Đại diện VKS nhận định ông Minh "không chỉ thao túng HĐQT, HĐTV mà còn lạm quyền" để thực hiện hành vi trái pháp luật và chỉ đạo các bị cáo khác thực hiện tội phạm.

Bị cáo Nguyễn Văn Minh, cựu chủ tịch Tổng Công ty 3/2. Ảnh: UYÊN TRANG

Bị cáo Nguyễn Văn Minh, cựu chủ tịch Tổng Công ty 3/2. Ảnh: UYÊN TRANG

”Hơn ai hết, các bị cáo phải là người gương mẫu”

Một nội dung tranh luận khác là quan điểm của các luật sư khi cho rằng Tổng công ty 3/2 là doanh nghiệp của Đảng, không phải của Nhà nước, khu đất 43 không phải là tài sản Nhà nước, do đó các bị cáo không gây thiệt hại cho Nhà nước.

Theo đại diện VKS, quan điểm này thể hiện sự “nhận thức chưa đầy đủ", do đó cần thiết phân tích trên các phương diện: quá trình phát triển doanh nghiệp và nguồn vốn; chủ sở hữu và thực tế hoạt động.

Cụ thể, quá trình hình thành, phát triển về nguồn gốc vốn điều lệ của Tổng Công ty 3/2 là vốn có nguồn gốc ngân sách Đảng và ngân sách nhà nước hỗ trợ. Xét về nguồn gốc ngân sách Đảng nói chung, ngoài nguồn đảng phí của đảng viên và các khoản thu khác thì chủ yếu hình thành từ nguồn ngân sách nhà nước.

Tiền thân của Tổng Công ty 3/2 là Xí nghiệp sản xuất hàng cao su 3/2 Sông Bé, được thành lập năm 1982, bởi Tỉnh ủy Sông Bé (sau này tách thành hai tỉnh Bình Dương và Bình Phước), là đơn vị kinh tế của tỉnh, chịu sự quản lý mọi mặt của Tỉnh ủy, đồng thời chịu sự quản lý Nhà nước của UBND tỉnh.

Tháng 10-2010, qua nhiều lần đổi tên và chuyển đổi mô hình, doanh nghiệp trở thành Tổng Công ty 3/2 hoạt động theo mô hình công ty mẹ, công ty con, do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.

Trong suốt 40 năm hoạt động, phát triển, Tổng công ty 3/2 được xác định "có mọi nghĩa vụ và quyền hạn như các doanh nghiệp nhà nước khác", nguồn vốn chủ yếu hình thành từ ngân sách nhà nước.

Từ những căn cứ này, kiểm sát viên khẳng định lập luận bào chữa của luật sư là "không phù hợp". "Hơn ai hết, các bị cáo thuộc Tỉnh ủy và Tổng công ty càng phải gương mẫu chấp hành" – đại diện VKS nhấn mạnh.

VKS phản đối quan điểm “lọt sàng xuống nia”

Bào chữa cho ông Trần Văn Nam (cựu bí thư Tỉnh ủy) và một số bị cáo thuộc Cục Thuế, Văn phòng UBND tỉnh, các luật sư nêu quan điểm việc giao đất năm 2012 nhưng áp giá năm 2006 thực tế không gây thiệt hại. Lý do, Tổng Công ty 3/2 là doanh nghiệp nhà nước, số tiền thất thu 761 tỉ đồng nếu chăng đơn vị này được hưởng lợi thì “tiền vẫn thuộc về Nhà nước".

Phản đối, đại diện VKS cho rằng ngân sách Nhà nước khác với tài sản Nhà nước tại một doanh nghiệp. Ngân sách Nhà nước được sử dụng cho quốc kế dân sinh, vì lợi ích chung của nhà nước và xã hội; còn tài sản của Nhà nước tại một doanh nghiệp thì doanh nghiệp đó sử dụng sản xuất, kinh doanh vì lợi ích trước hết và trên hết của chính doanh nghiệp ấy. "Tất nhiên, doanh nghiệp có đóng góp cho ngân sách và sự phát triển nói chung", đại VKS nói.

Hơn nữa, thực tế diễn biến vụ án cho thấy việc thu tiền sử dụng đất không đúng vừa gây thất thu ngân sách, vừa tạo điều kiện để bị cáo Minh và các đồng phạm trục lợi, thông đồng với các doanh nghiệp tư nhân để chuyển nhượng, pháp luật, từ đó gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm