Số phận nghiệt ngã của những chú chim 'được' phóng sinh

Tuy nhiên, tại nhiều đình chùa ở TP.HCM và nhiều vùng khác, nhiều người dân mua chim để phóng sinh nhưng vô tình tiếp tay cho hành động tàn sát loài sinh vật tội nghiệp.

Theo quan niệm dân gian, một người có tâm hướng Phật khi thấy cảnh những sinh linh vướng bẫy, bị cầm tù, sát hại... thì động lòng thương hại, tìm cách cứu giúp. Phóng sinh giản đơn vì thế.

Cảnh chùa thanh tịnh giữa chốn nhân gian xưa thường bao gồm vườn cây ao cá, là nơi an yên cho sinh linh trú ngụ, nhiều người cứu được cá mắc câu, chim sa bẫy thường tìm đến chùa để thả mong cầu cho vạn vật được bình yên.

Nay, nhiều người đón bắt tâm lý, đánh chim bẫy cá mang đến cửa chùa để thu lấy tiền bạc. Theo một người tu hành, đây là tạo nghiệp chứ không phải tạo phúc. 

Một người phụ nữ mang chim sẻ, chim Hoàng Yến đến cổng Việt Nam Quốc Tự bán cho khách.

Người này cho biết chim không phải do mình đánh bẫy, chỉ mua lại của những người đánh bẫy ở Cà Mau để bán cho người đi chùa vào những dịp lễ, Tết như dịp Tết Nguyên Tiêu năm nay.

Giá cho mỗi sinh mạng của chim là 8.000 đồng/con. Người bán đã đánh trực diện vào người đi chùa, trước hết là vì lòng thương, sau nữa phóng sinh để tạo phúc nên lượng chim bán ra rất cao. Hàng chạy liên tục, hết thì có mối cung cấp gần như ngay lập tức.

Chim nhạn, chim yến thường tập trung sinh sản, ghép đôi vào mùa Xuân, ăn sâu bọ, côn trùng nên có lợi cho mùa màng. Theo những người đánh bẫy chuyên nghiệp thì loài chim này sống thành bầy lớn, chỉ cần giăng lưới và dùng một thiết bị phát âm thanh, chim đàn nghe tiếng tưởng là bạn, tập trung bay tới thì dính bẫy, như vậy chẳng khác gì tận diệt.

Người mua chim phóng sinh vì nguyện ước, người bắt chim, bán chim vì mưu sinh. Tuy nhiên người bán không nghĩ rằng làm như thế là tàn hại môi trường, người mua không hiểu rằng phóng sinh vầy chẳng khác gì sát sinh khi tiếp tay cho những hành động săn bắt diễn ra hằng ngày, theo triết lý đó chính là "chấp trước" tưởng cái lợi trước mắt là đủ nhưng không hiểu được cái sâu nơi nguồn cội của hành động.

Theo sư thầy Thích Thị Lực (chùa Việt Nam Quốc Tự, quận 10, TP.HCM) thì trước khi phóng sinh, các sinh linh được "sái tịnh" với ý nghĩa là giúp cho sinh linh được thanh tịnh bằng lời chú. 

Một người đàn ông mua hai lồng chim, sau khi thực hiện cúng bái chư phật, nguyện ước điều tốt lành, anh thả chim bay lên bầu trời và thực hiện lời cầu ước của mình.

Tương tự, một người phụ nữ cũng hành động như vậy ở sân chùa.

Tuy nhiên, những cánh chim phần nhiều không bay lên được trời xanh vì kiệt sức do nhốt trong lồng, bị ngắt bớt lông cánh... bị gãy cánh, gãy chân, một số sa loạn xạ xuống sân và thỉnh thoảng bị bàn chân của một người đi chùa nào đó giẫm trúng; số khác bay vào một góc nào đó và chết dần vì mệt và đói.

Hai cánh chim nương tựa vào nhau trong một góc sân chùa, hai chú chim này đều không thể bay lên cao vì gãy chân và gãy cánh, kết cục của chúng sẽ chết trong một sớm một chiều khi không thể tự kiếm ăn và đối phó với các loài thú ăn thịt.

Trong những chậu cây la liệt xác chim chết.

Một vị sư nhặt một con chim gãy chân và cố gắng"giải phóng" nó đi thật xa.

Xác chim để chung với rác rưởi trong một chậu cây đặt ngay cửa chùa.

Những con chim sống sót cũng không có kết cục khá khẩm hơn, đến tối chúng trở thành mồi của thú hoang như mèo, chuột...

Và thỉnh thoảng người ta bắt gặp những bộ phận vương vãi sau "bữa tối" của một con vật phàm ăn nào đó.

Trong khi đó, chim vẫn tiếp tục được thả. Theo một sư thầy, ngày lễ nào người dân cũng đến chùa phóng sanh, chim là loài động vật được lựa chọn phổ biến nhất.

Phía ngoài chùa, khung cảnh mua bán chim trời vô cùng nhộn nhịp.

Những cánh chim bị chết trong lồng không thể bay lên.

Nhiều người đều biết rằng, càng phóng sinh chim thì chim lại càng bị đánh bắt nhiều hơn, chết nhiều hơn. Nhưng hằng ngày việc săn bắt chim vẫn diễn ra, người dân vẫn đến chùa hằng ngày để phóng sinh.

Khi một chiếc xe dừng lại trước cửa chùa, người ta liên tục được mời chào để mua chim phóng sinh.

Hàng trăm con chim nhỏ được nhốt trong lồng chịu cảnh thiếu ăn uống, bị nóng bức ngột ngạt. Theo một sư thầy tại chùa Việt Nam quốc tự, đa phần chim đều chết, số rất ít nếu sống được cũng là lay lắt vì kiệt sức.

 

Số phận nghiệt ngã của những chú chim 'được' phóng sinh ảnh 22
Thầy Thích Minh Bảo, Quản chúng chùa Việt Nam quốc tự (quận 10, TP.HCM)

Theo thầy Thích Minh Bảo, Quản chúng chùa Việt Nam Quốc Tự thì: "Việc bán chim để phóng sinh và phóng sinh chim là một điều nhức nhối mà chùa chưa giải quyết được. Nhiều phật tử đến chùa rồi mua chim phóng sinh nhưng chưa hiểu rõ về ý nghĩa của việc phóng sinh. Mong rằng phật tử đi chùa phải hiểu sâu sắc về việc phóng sinh, để góp phần làm giảm bớt những vấn đề mua bán vô tình khiến chim chết, cũng như làm mất mỹ quan, lấn chiếm lòng lề đường.

Theo thầy Chúng, việc mua chim phóng sinh vô tình tạo cho người ta cái nghiệp, cái nghề không tốt. Nếu không có người mua thì sẽ không có người bắt chim để bán. Thay vì bỏ tiền mua chim phóng sinh thì phật tử nên để dành số tiền đó mà cho người nghèo, làm việc thiện như vậy sẽ thực tế hơn, ý nghĩa hơn.

Để giảm thiểu tình trạng này, thầy Chúng cho biết sắp tới nhà chùa sẽ làm tấm bảng báo để cho phật tử khi đến chùa hiểu thêm về ý nghĩa của việc phóng sinh. Đồng thời, đại diện nhà chùa sẽ làm việc với chính quyền địa phương để xử lý việc người dân lấn chiếm lòng lề đường bên ngoài cổng chùa làm nơi mua bán chim.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm