Chiều 29-5, HĐND TP.HCM tiếp tục giám sát việc thực hiện chương trình cải cách hành chính (CCHC) về tổ chức bộ máy và chế độ công vụ giai đoạn 2022-2025 đối với Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) và Sở Giao thông vận tải (GTVT).
Sở TN&MT muốn có 3 Phó Chánh Thanh tra
Báo cáo tại buổi giám sát, Sở TN&MT TP.HCM cho biết đã thực hiện tốt việc tổ chức bộ máy theo Nghị quyết số 131 của Quốc hội và Nghị định số 33 của Chính phủ về tổ chức chính quyền đô thị.
Về biên chế, năm 2022 Sở được giao 261 biên chế công chức và 232 biên chế sự nghiệp. Năm 2023 là 257 biên chế công chức (giảm bốn biên chế) và 227 biên chế sự nghiệp (giảm năm biên chế).
Tính đến ngày 30-4, tổng số công chức, viên chức, người lao động của Sở TN&MT là 1.822 người. Theo Sở TN&MT , tổng số công chức, viên chức tại Sở hiện nay còn thiếu so với khối lượng công việc, sự vụ cần giải quyết.
Đến nay, Sở đã trình Sở Nội vụ TP.HCM thẩm định Đề án vị trí việc làm và cơ cấu ngạch công chức của Sở TN&MT. Đồng thời, thẩm định, phê duyệt vị trí việc làm và cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp đối với chín đơn vị sự nghiệp trực thuộc.
Cũng theo Sở này, việc bố trí số lượng cấp phó tại đơn vị thuộc và trực thuộc Sở cơ bản phù hợp với quy định tại Nghị định số 107/2020 và Nghị định số 120/2020 của Chính phủ và các văn bản pháp luật chuyên ngành liên quan.
Tuy nhiên số lượng cấp Phó Thanh tra của Sở quy định tại điểm 4, Điều 1 Nghị định số 107/2020 của Chính phủ là chưa phù hợp với khối lượng công việc và số biên chế của Thanh tra ngành TN&MT (là 34 biên chế).
Do vậy, Sở TN&MT kiến nghị Sở Nội vụ trình UBND TP cho phép Thanh tra Sở có 3 Phó Chánh Thanh tra (áp dụng giống quy định số lượng Phó Trưởng Phòng chuyên môn thuộc Sở có từ 15 biên chế trở lên được bố trí 3 Phó Trưởng phòng).
Lập các Trung tâm phát triển quỹ đất thuộc quận, huyện?
Sở TN&MT TP.HCM cho biết trong cơ cấu tổ chức của Sở TN&MT có hai đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc, được quy định trong dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai, gồm: Văn phòng đăng ký đất đai và Trung tâm Phát triển quỹ đất.
Hiện nay, dự thảo Nghị định đang được tổ chức lấy ý kiến góp ý của các cơ quan, ban, ngành theo quy định.
Đối với Trung tâm Phát triển quỹ đất, Sở TN&MT đã phối hợp với Sở Nội vụ nghiên cứu xây dựng Đề án thí điểm tổ chức lại Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng thuộc UBND quận, huyện thành Trung tâm Phát triển quỹ đất trực thuộc UBND quận, huyện và đã tham mưu UBND TP để trình Thủ tướng Chính phủ cho ý kiến về Đề án.
Tuy nhiên, đến nay TP vẫn chưa nhận được chỉ đạo cụ thể của Thủ tướng Chính phủ. Sở này cho biết sẽ tổ chức nghiên cứu, lấy ý kiến góp ý của các cơ quan, đơn vị, ban, ngành để báo cáo, đề xuất hoàn thiện mô hình Trung tâm Phát triển quỹ đất phù hợp với thực tiễn của TP.HCM, đảm bảo thực hiện tốt công tác bồi thường, giải ngân vốn đầu tư công của TP.
Tại hội nghị, ông Huỳnh Thanh Nhân, Phó Chủ tịch HĐND TP.HCM nhìn nhận, hoạt động của hai sở gắn với sự phát triển kinh tế - xã hội của TP, gắn với đời sống của người dân, doanh nghiệp nên cần quan tâm đến công tác CCHC và cải cách bộ máy.
Riêng với Sở TN&MT, về thủ tục hành chính, cấp giấy chứng nhận thì người dân vướng nhiều nhất, chúng ta phải tìm cách đẩy mạnh CNTT, chuyển đổi số, đẩy mạnh việc nâng cao năng lực của đội ngũ trong bộ máy hành chính của sở cũng như tại các đơn vị sự nghiệp công lập.
Theo ông Nhân, việc sắp xếp lại đơn vị sự nghiệp công lập không có nghĩa sáp nhập các đơn vị không hiệu quả hay tương đồng chức năng lại với nhau mà còn là câu chuyện nâng mức tự chủ về tài chính.
Trao đổi về vấn đề tinh giản biên chế, Phó Chủ tịch HĐND TP.HCM nói phải sớm xây dựng đề án vị trí việc làm, bởi liên quan đến việc thực hiện chế độ tiền lương mới.
Riêng về nội dung phân cấp, ủy quyền, ông Nhân nói Nghị quyết 98 đã cho phép Sở TN&MT, Sở GTVT thực hiện nhiều nội dung. Hai Sở cần mạnh dạn xem xét các nội dung để đề xuất phân cấp, ủy quyền cho các cơ quan chuyên môn để giảm bớt các khâu trung gian..
Nhấn mạnh việc TP đã bước sang năm thứ hai thực hiện Nghị quyết 98, ông Huỳnh Thanh Nhân nói các sở, ngành cần mạnh dạn và sớm có đề xuất các nội dung để thực hiện cho hiệu quả.
Vẫn chưa giảm tải được áp lực tại Chi nhánh VPĐKĐĐ TP Thủ Đức
Sở TN&MT TP cho biết, Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai TP Thủ Đức được tổ chức lại trên cơ sở Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức (cũ), hoạt động kể từ đầu năm 2021 đến nay, theo Nghị quyết 1111.
Phía Sở TN&MT nhìn nhận, Chi nhánh này có địa bàn quản lý rộng, khối lượng công việc rất lớn. Để giải quyết được khối lượng hồ sơ công việc, Sở đã chỉ đạo Văn phòng đăng ký đất đai TP và Chi nhánh Thủ Đức thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp.
Tuy nhiên, với khối lượng hồ sơ quá lớn trong khi số lượng lãnh đạo tại Chi nhánh Thủ Đức chỉ có bốn người, việc thực hiện nhiệm vụ thuộc thẩm quyền của lãnh đạo chi nhánh thường xuyên quá tải.
Có những việc có thể được phân công, ủy quyền cho cấp dưới thực hiện nhưng với cơ cấu tổ chức theo mô hình tổ hoặc bộ phận của Chi nhánh Thủ Đức hiện nay không đảm bảo chặt chẽ về mặt pháp lý đã tạo rào cản rất lớn trong việc thực hiện nhiệm vụ của chi nhánh.
Sở đang cố gắng để đề xuất quy định về mô hình tổ chức của Văn phòng đăng ký đất đai trong dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai để phù hợp với thực tiễn của TP, mong sớm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc hiện nay của đơn vị, góp phần thực hiện hiệu quả tổ chức chính quyền đô thị của TP.
Rà soát hoạt động các trung tâm đăng kiểm
Hiện nay, Sở GTVT có 11 phòng chuyên môn và tám đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở (gồm: Trung tâm Quản lý điều hành giao thông đô thị, Trung tâm Quản lý Giao thông công cộng, Trung tâm Quản lý hạ tầng giao thông đường bộ, Trung tâm Quản lý Đường thủy, Cảng vụ Đường thủy nội địa, Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 50.01S, Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 50.02S, Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 50.03S).
Với tám Trung tâm thuộc Sở GTVT, ông Huỳnh Thanh Nhân yêu cầu rà soát, có thể sáp nhập lại với nhau được hay không. Riêng với bốn Trung tâm đăng kiểm, ông yêu cầu đánh giá lại hoạt động của các trung tâm để có sự sắp xếp lại cho phù hợp với thực tiễn, cả về cơ cấu và nhân sự…