Sớm đồng bộ hệ thống giao thông Đông Nam Bộ

(PLO)- TP.HCM và các tỉnh ở Đông Nam Bộ cần phối hợp nghiên cứu, thống nhất hướng tuyến đường ven biển trong các đồ án quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh làm cơ sở triển khai đầu tư.

Ngày 15-3, tại tỉnh Đồng Nai, UBND tỉnh Đồng Nai đã phối hợp với UBND TP.HCM tổ chức Hội nghị trao đổi, hợp tác giữa các địa phương vùng Đông Nam Bộ lần thứ 4 năm 2024.

Hội nghị trao đổi, hợp tác giữa các địa phương vùng Đông Nam Bộ lần thứ tư năm 2024. Ảnh: VŨ HỘI

Ưu tiên xây dựng cầu Cát Lái

Tại hội nghị, ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở GTVT TP.HCM, cho biết TP.HCM đã thực hiện 10 nội dung phối hợp cấp vùng và đã hoàn thành năm nội dung; bốn nội dung đang tiếp tục thực hiện.

Cụ thể, TP.HCM đã chủ động phối hợp với các sở, ngành liên quan của các tỉnh vùng Đông Nam Bộ để thực hiện thỏa thuận hợp tác như phối hợp với các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai và Long An triển khai các dự án thành phần thuộc dự án đường vành đai 3 TP.HCM, triển khai đồng bộ về giải phóng mặt bằng, đảm bảo yêu cầu đồng bộ về kỹ thuật, tiến độ.

Ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở GTVT TP.HCM, phát biểu tại hội nghị. Ảnh: VŨ HỘI

Riêng đường vành đai 4 TP.HCM, UBND TP.HCM và các tỉnh đã họp với Bộ GTVT cùng thống nhất triển khai thực hiện. Hiện cơ quan chức năng đang đẩy nhanh tiến độ báo cáo tiền khả thi để trình cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư trong năm 2024 và đưa dự án vào khai thác vào năm 2028.

Đồng thời, sẽ đề xuất trình cấp có thẩm quyền ban hành các cơ chế, chính sách đặc thù cho các dự án xây dựng đường vành đai 4.

Ngoài ra, để tạo sự phát triển giao thông đồng bộ vùng Đông Nam Bộ, Thủ tướng đã có công điện nghiên cứu rà soát đầu tư cao tốc như cao tốc TP.HCM - Mộc Bài, cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành, mở rộng cao tốc Long Thành - Dầu Giây, cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu và thông qua kế hoạch đề án kéo dài tuyến đường sắt đô thị số 1 TP.HCM đến Biên Hòa - Trảng Bom (Đồng Nai) và TP Thủ Dầu Một (Bình Dương).

Đặc biệt, về việc xây dựng cầu Cát Lái thay thế phà Cát Lái bắc qua sông Đồng Nai nối TP.HCM và Đồng Nai thì TP.HCM đã thống nhất với UBND tỉnh Đồng Nai thì ngoài cầu Cát Lái, bổ sung thêm 2 cầu để kết nối giao thông hai địa phương. Tuy nhiên, hiện phải ưu tiên xây dựng cầu Cát Lái.

Đối với tuyến đường sắt đô thị số 1 (Bến Thành - Suối Tiên), TP.HCM, Đồng Nai và Bình Dương sẽ thông qua phương án đầu tư kéo dài tuyến đường sắt đô thị số 1 trong quý II-2024.

Đối với tuyến đường sắt đô thị số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) kết nối với Bình Dương và Đồng Nai, TP.HCM và hai tỉnh này sẽ thông qua phương án đầu tư kéo dài tuyến đường sắt đô thị số 1 trong quý II-2024.

Về quy hoạch vùng, UBND TP.HCM đánh giá hệ thống đường ven biển đã được định hướng trong Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 nhưng hướng tuyến chưa được thể hiện cụ thể trong quy hoạch tỉnh. Do đó, TP.HCM và các tỉnh trong vùng phối hợp nghiên cứu, thống nhất hướng tuyến đường ven biển trong các đồ án quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh làm cơ sở triển khai đầu tư trong thời gian tới.

Giám đốc Sở GTVT tỉnh Đồng Nai Lê Quang Bình thông tin tại hội nghị. Ảnh: VŨ HỘI

Giám đốc Sở GTVT tỉnh Đồng Nai Lê Quang Bình thông tin: “Hiện tỉnh đang triển khai nhưng vướng mắc lớn nhất là công tác giải phóng mặt bằng. Tuy nhiên, tỉnh quyết tâm đến tháng 6 năm nay sẽ giải phóng xong mặt bằng đường vành đai 3. Còn đường vành đai 4 hiện UBND tỉnh đang cân đối nguồn vốn địa phương và nguồn vốn phê duyệt”.

Về cầu Cát Lái, Đồng Nai và TP.HCM đã thống nhất về vị trí xây dựng cầu và đang nghiên cứu tiền khả thi.

Hiện tỉnh Đồng Nai đang xây dựng cầu Bạch Đằng 2 kết nối với tỉnh Bình Dương và quy hoạch 4 vị trí xây dựng các cầu. Đối với tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, tỉnh đang xây dựng cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu và cố gắng tháng 6 bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư.

Kết nối đồng bộ hệ thống giao thông

Tại hội nghị, Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Tấn Đức cho biết tỉnh rất cần sự quan tâm của TP.HCM và các tỉnh Đông Nam Bộ để hoàn thiện hệ thống kết nối giao thông như đường vành đai 3, cảng Cái Mép, đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành - Đồng Nai, xây dựng cầu Cát Lái vào năm 2025 vì tính cấp bách khi sân bay Long Thành đưa vào sử dụng năm 2026.

Ông Võ Tấn Đức, Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, cho biết tỉnh rất cần sự quan tâm của TP.HCM và các tỉnh Đông Nam Bộ để hoàn thiện hệ thống kết nối giao thông. Ảnh: VŨ HỘI

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh, tỉnh đang thực hiện đường vành đai 3 TP.HCM. Còn đường vành đai 4 TP.HCM dự kiến thực hiện báo cáo tiền khả thi và sẽ trình Chính phủ về chủ trương đầu tư đề xuất chính sách, cơ chế, chính sách đặc thù để đẩy nhanh tiến độ xây dựng.

Về các dự án liên vùng, hiện Bình Dương đang triển khai cao tốc TP.HCM - Chơn Thành, còn đường sắt Dĩ An - Sóng Thần - Cái Mép đang lập dự án trình Bộ GTVT để phục vụ cho sân bay Long Thành.

Sau khi nghe các ý kiến trong hội nghị, ông Bùi Xuân Cường, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, cho biết thời gian tới thống nhất cơ bản với các nội dung đại diện của các lãnh đạo các tỉnh ở Đông Nam Bộ.

Ông Bùi Xuân Cường, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, phát biểu tại hội nghị. Ảnh: VŨ HỘI

Đối với lĩnh vực giao thông, tiếp tục cùng tháo gỡ vướng mắc dự án thành phần đường vành đai 3 TP.HCM, cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, cao tốc Bến Lức - Long Thành và dự án sân bay Long Thành, nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất và các tuyến cao tốc kết nối trong vùng đang đồng bộ triển khai.

“Với các công trình đang nghiên cứu tiền khả thi như đường vành đai 4 TP.HCM, các tỉnh trình cấp có thẩm quyền chủ trương đầu tư trong năm 2024. Sau đó, thống nhất trình Quốc hội chủ trương đầu tư và chính sách đặc thù cho dự án đường vành đai 4 TP.HCM” - Phó Chủ tịch UBND TP.HCM nhấn mạnh.

Xây dựng đề án phát triển hệ thống logistics

Thời gian tới, UBND TP.HCM đề nghị các tỉnh tập trung chủ trương đầu tư cao tốc TP.HCM - Mộc Bài, cao tốc TP.HCM - Chơn Thành để trình Thủ tướng phê duyệt, sẽ phối hợp với các tuyến cao tốc khác để đảm bảo đồng bộ giao thông; đồng thời phối hợp với Bộ GTVT về các tuyến đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu, Thủ Thiêm - Long Thành, TP.HCM - Cần Thơ…

Đề cập đến vùng Đông Nam Bộ có cụm cảng biển lớn nhất nước (cảng Tân Cảng - Cát Lái, cụm cảng Cái Mép - Thị Vải) và đa dạng các phương thức vận tải, đại diện UBND TP.HCM cho hay sắp tới sẽ phối hợp với các tỉnh nghiên cứu xây dựng đề án phát triển hệ thống logistics của vùng Đông Nam Bộ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới