Theo báo cáo mới nhất của Sở GD&ĐT TP.HCM, năm học 2017-2018, TP tiếp tục tăng hơn 59.000 học sinh (HS). Tuy nhiên, do số trường lớp hiện có còn hạn chế khiến những phụ huynh có con chuẩn bị vào các lớp đầu cấp không khỏi lo lắng, nhất là với lớp 1 và mầm non.
Vắt chân tìm chỗ học
Mặc dù đến đầu tháng 7 các trường tiểu học và mầm non ở các quận, huyện mới bắt đầu phát hành đơn và nhận hồ sơ nhập học, thế nhưng nhiều phụ huynh từ bây giờ đã sốt sắng lo chỗ học cho con.
Chị Nguyễn Thị Duyên, ngụ phường Linh Xuân, quận Thủ Đức, những ngày này cứ tới lui Trường Mầm non Hoàng Yến để xem thông báo và hỏi han nhà trường về việc nộp hồ sơ nhập học cho con.
Chị Duyên cho hay con chị gần ba tuổi nhưng cả hai vợ chồng chị đều đi làm thất thường nên không trông giữ con được. Chị ở trọ tại đây hơn hai năm rồi nhưng mới đi làm lại được hai tháng nay. Vì trước đó không có ai trông giữ con nên chị ở nhà giữ và nhận việc làm thú bông tại nhà.
“Cứ làm ở nhà thì thu nhập thấp quá nên mình muốn gửi con ở trường để đi làm. Trường tư thì xa, lại học phí cao. Năm trước mình đã đến trường này xin cho con học nhưng hết chỗ nên năm nay phải đến sớm để canh, chứ hết nữa thì không biết thế nào” - chị Duyên lo lắng.
Dù chưa đến thời gian tuyển sinh nhưng nhiều phụ huynh sốt sắng lo chỗ học cho con. (Ảnh chụp tại một trường mầm non ở quận Thủ Đức, TP.HCM). Ảnh: PHẠM ANH
Anh Lê Văn Thanh, ngụ quận 3, cũng bày tỏ lo lắng con anh chuẩn bị vào lớp 1. Anh Thanh cho hay anh tạm trú tại phường 14 từ năm năm nay. Theo phân tuyến, con anh vào học tại Trường Tiểu học Trần Quang Diệu nhưng anh chỉ diện tạm trú nên việc chờ được nhập học không biết thế nào. “Vì đứa con trước của tôi cũng từng vì tạm trú mà không có giấy gọi ra lớp nên phải chật vật chạy khắp nơi mới giải quyết được, giờ đứa thứ hai nữa nên lo lắm. Tôi phải báo lên nhiều lần với tổ dân phố và cả UBND phường mà không biết có bị sót tên không” - anh Thanh nói.
Cùng hoàn cảnh như anh, chị Lê Bình, có con chuẩn bị vào lớp 1 ở quận Gò Vấp, cũng lo lắng không yên vì chưa biết con sẽ học ở đâu. Theo chị Bình, gia đình chị có KT3 tại Gò Vấp gần một năm nay. Trường con chị nếu được vào học gần nhà là Trường Tiểu học Lê Đức Thọ. Thế nhưng chị Bình cho hay: Nghe nói trường này chỉ nhận HS khá giả vì theo mô hình tiên tiến quốc tế nên học phí rất cao.
“Hai vợ chồng tôi đều dân buôn bán thất thường, sao có tiền cho con học tiên tiến được, học phí, tiền ăn cũng vài triệu một tháng. Không học thì phải đi xa mới có trường mà chưa chắc họ đã nhận vì vừa xa vừa diện tạm trú, đưa đón cũng khó khăn. Chưa kể cũng chẳng được ưu tiên cho con học hai buổi thì lại vất vả đưa đón nữa” - chị Bình bày tỏ.
Siết trái tuyến để đủ chỗ
Việc mỗi năm TP tăng trên dưới 60.000 HS trong khi trường lớp còn hạn chế khiến không chỉ phụ huynh mà các quận cũng không khỏi áp lực để làm sao đảm bảo đủ chỗ học cho con em.
Cụ thể, Thủ Đức được xem là một trong những quận “nóng” nhất của TP về tốc độ tăng dân số nhập cư, khiến số lượng HS hằng năm tăng cao. Số liệu thống kê dự kiến do UBND quận đưa ra, năm học 2017-2018 quận sẽ tiếp nhận khoảng 22.450 HS các lớp đầu cấp là lớp lá (năm tuổi), lớp 1 và lớp 6. So với năm trước, số này tăng hơn 4.200 HS. Trong đó, tăng mạnh nhất là ở khối lớp năm tuổi khi số trẻ có thể phải tiếp nhận lên đến 8.120 trẻ (tăng hơn 2.000 trẻ).
Do đó, với kế hoạch tuyển sinh năm nay, chủ trương của quận vẫn là ưu tiên tuyển sinh trẻ đang sinh sống trên địa bàn, không nhận trẻ trái tuyến ngoài quận. Như với lớp 1 và lớp 6, quận phải chia thành ba giai đoạn tuyển sinh để đảm bảo việc nhận trẻ đúng tuyến, đúng đối tượng nhất, ưu tiên từ diện thường trú đến tạm trú, rồi nhập nhờ hộ khẩu...
Tân Phú cũng tương tự khi năm học này tăng hơn 1.500 trẻ đầu cấp. Do đó, quận cũng chủ trương không cho chuyển trường trong quận, không nhận trái tuyến ngoài quận và chỉ đạo các phường phải rà soát kỹ lưỡng những trường hợp chưa có hộ khẩu để làm sao tuyển sinh đúng đối tượng nhất.
Không chỉ với các quận, huyện đông dân nhập cư mà ngay cả trung tâm TP như quận 1 hầu như năm nào cũng đối diện với tình trạng hồ sơ trái tuyến. Hiện đến thời điểm này, quận 1 chưa ban hành kế hoạch tuyển sinh đầu cấp cho năm học 2017-2018 nhưng hầu như trường nào cũng “nóng” việc phụ huynh lo chỗ học cho con.
Vì vậy, nhằm hạn chế tình trạng trái tuyến, hằng năm quận vẫn có những quy định cụ thể về thủ tục, phân tuyến để làm sao đáp ứng chỗ học cho đúng đối tượng. Như vào lớp 1, quận quy định HS diện hộ khẩu tập thể hoặc mới nhập hộ khẩu (KT3) thường phải cách thời điểm tuyển sinh một năm, tính từ tháng 5 của năm trước để làm căn cứ và còn phải kèm theo hộ khẩu gốc đối chiếu để hạn chế tình trạng “chạy trường” xảy ra. Còn với lớp 6, mặc dù là có cả phân tuyến theo địa bàn và xét tuyển điểm nhưng quận cũng phân bổ rõ ràng những HS ở phường nào, có hộ khẩu quận nào sẽ được ưu tiên xét tuyển hoặc phân tuyến vào trường THCS nào. Từ đó tránh tình trạng phụ huynh đổ dồn vào các trường điểm, gây mất cân đối đầu vào cho các trường.
Các quận, huyện phải thực hiện tuyển sinh đầu cấp nghiêm túc, công khai, minh bạch và chu đáo với phụ huynh. Các quận, huyện phải nhận toàn bộ trẻ năm tuổi đang cư trú trên địa bàn vào mẫu giáo, không phân biệt có hay không có hộ khẩu, tạm trú hay không. Trong đó, phải đặc biệt quan tâm và ưu tiên đến con em của công nhân ở các khu nhà trọ, tạm trú. Khi tuyển sinh lớp 1, các trường không được bắt buộc phụ huynh HS phải nộp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục mầm non năm tuổi. Trường hợp nào không có giấy gọi trẻ ra lớp thì phải nhẹ nhàng giải thích và báo cáo với lãnh đạo trường để giải quyết kịp thời, không gây trở ngại cho phụ huynh. Các phòng GD&ĐT cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm khắc các hiện tượng tiêu cực nhằm chạy trường, chạy lớp. (Theo văn bản chỉ đạo của Sở GD&ĐT TP.HCM) Đầu năm học mới 2017-2018, TP dự kiến sẽ đưa vào sử dụng thêm 1.497 phòng học, trong đó mầm non là 370 phòng, tiểu học 349 phòng, THCS 422 phòng, THPT 314 phòng và các hệ thống khác như trung tâm giáo dục thường xuyên, giáo dục chuyên biệt là 29 phòng. |