Sự tái xuất ấn tượng của gia đình Marcos trên chính trường Philippines

(PLO)- Với số phiếu áp đảo, ông Marcos mang tên gia đình trở lại chính trường Philippines và thực hiện mục tiêu giúp đất nước “một lần nữa trỗi dậy” theo như khẩu hiệu tranh cử.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Theo thông tin sơ bộ từ Ủy ban Bầu cử Philippines (COMELEC), tính đến 8 giờ sáng 10-5, ông Ferdinand “Bongbong” Marcos Jr chiến thắng cuộc đua tổng thống Philippines 2022 với số phiếu áp đảo. Ông nhận được hơn 30,5 triệu phiếu bầu - hơn gấp đôi so với ứng viên đối thủ - Phó Tổng thống đương nhiệm Leni Robredo.

Sự trở lại của gia đình Marcos

Ông Bongbong Marcos là con trai của cố Tổng thống Ferdinand Marcos - nhà cầm quyền Philippines trong hơn hai thập niên trước khi bị lật đổ vào năm 1986. Trong năm này, ông Marcos đã cùng gia đình rời khỏi Philippines, lưu vong đến Hawaii (Mỹ) - nơi cố Tổng thống Ferdinand Marcos qua đời năm 1989, theo tờ The Guardian.

Ông Marcos bước chân vào chính trường rất sớm. Ở tuổi 23, ông đã là phó tỉnh trưởng tỉnh Ilocos Norte (Philippines) và sau đó đảm nhận vị trí tỉnh trưởng tỉnh này.

Sau khi cha mình qua đời, ông Marcos và gia đình đã được phép trở về nước vào những năm 1990. Khi về quê hương, ông xây dựng lại sự nghiệp chính trị của mình, bắt đầu từ vị trí tỉnh trưởng tỉnh Ilocos Norte, và sau đó trở thành thượng nghị sĩ vào năm 2010. Vào năm 2016, ông tranh cử chức phó tổng thống nhưng đã thất bại trước bà Robredo với số phiếu khá sát sao.

Kết quả sơ bộ cho thấy ông Marcos thắng lớn trong cuộc bầu cử tổng thống Philippines 2022. Ảnh: GETTY IMAGES

Kết quả sơ bộ cho thấy ông Marcos thắng lớn trong cuộc bầu cử tổng thống Philippines 2022. Ảnh: GETTY IMAGES

Theo tờ The New York Times, ông Marcos đã dành nhiều thập niên để bảo vệ tên tuổi của gia đình mình trước những cáo buộc tham nhũng, lên đến 10 tỉ USD.

Giờ đây, với số phiếu áp đảo hiện tại, ông đã mang tên của gia đình mình trở lại chính trường Philipines và thực hiện mục tiêu khiến đất nước “một lần nữa trỗi dậy” theo đúng như khẩu hiệu tranh cử của ông.

Chuyên gia nói gì?

Trả lời phỏng vấn trên đài PTV-4 hôm 9-5, TS Froilan Calilung - chuyên gia khoa học chính trị tại ĐH Santo Tomas (Philippines) - cho biết cuộc bầu cử năm nay đã làm sâu sắc thêm sự chia rẽ quốc gia. TS Calilung nhận định rằng việc ông Marcos duy trì vị trí dẫn đầu trong cuộc bầu cử tổng thống đơn giản là vì cam kết về “sự thống nhất” đất nước.

“Người dân nước tôi đã phát ốm và mệt mỏi vì sự chia rẽ, thứ đã ảnh hưởng đến nền chính trị Philippines trong một thời gian rất dài. Giờ đây, họ đã gia nhập vào thông điệp của sự thống nhất” - ông nói.

Về chiến thắng của ông Marcos, The New York Times đưa tin rằng việc liên danh tranh cử cùng bà Sara Duterte, con gái Tổng thống đương nhiệm Rodrigo Duterte, cũng là một trong những lý do giúp ông giành chiến thắng. Liên danh tranh cử của ông Marcos và bà Sara Duterte đã thật sự hoạt động hiệu quả, theo GS Aries Arugay - GS khoa học chính trị tại ĐH Diliman (Philippines).

Theo ông Peter Mumford - chuyên gia tại công ty tư vấn Eurasia Group (Mỹ), chiến thắng của ông Marcos dù không đảm bảo ông sẽ là một nhà lãnh đạo có sức ảnh hưởng, nhưng sẽ giúp mang lại sự khởi đầu mạnh mẽ cho nhiệm kỳ tổng thống của ông. Theo ông Mumford, thắng lợi này sẽ khiến nhiều chuyên gia khoa học và kinh tế sẵn sàng phục vụ trong nội các của ông Marcos.

Ông Mumford nói thêm rằng một trong những vấn đề quan trọng dưới thời chính quyền của ông Marcos sẽ là liệu tình trạng tham nhũng và chủ nghĩa thân hữu trong nước có trở nên tệ hơn hay không. Vị chuyên gia nói rằng sẽ tiếp tục theo dõi xem liệu ông Marcos có nhận ra những lo ngại này và đưa ra tín hiệu trong những tuần tới để trấn an các nhà đầu tư nước ngoài hay không.

“Nếu ông ấy chủ yếu bổ nhiệm những người thân cận trong gia đình và các mối quan hệ cá nhân khác vào các vị trí chủ chốt thì sẽ khiến các nhà đầu tư bất an" - ông cho biết.

Về ngoại giao, nhiều chuyên gia cho rằng chính phủ mới của ông Marcos có thể sẽ theo hướng thân thiện với Bắc Kinh. Hồi tháng 1, ông Marcos cho biết ông sẽ tạm gác phán quyết về Biển Đông năm 2016 và thay vào đó theo đuổi một thỏa thuận song phương với Bắc Kinh. Theo Time, điều này có thể sẽ làm gia tăng căng thẳng với Washington, vốn luôn bác bỏ các yêu sách của Trung Quốc tại khu vực.

Tuy nhiên, đến tháng 2, ông cho biết muốn Manila “hiện diện quân sự tại Biển Đông”, nhằm mục đích “cho Trung Quốc thấy rằng chúng tôi đang bảo vệ những gì chúng tôi coi là lãnh hải của mình”, tờ South China Morning Post đưa tin.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm