Phóng sự ảnh:

Sự thật về những chuyến tàu đổi mới

(PLO) - “Nhà tàu chúng em đang đổi mới từng ngày đó bác!” – Nghe anh bạn làm ở ga Sài Gòn “khoe” như thế tôi liền “đi dọc Việt nam theo bánh con tàu quay” để xem thực hư thế nào.

Cảm giác đầu tiên khi đến hoặc đi từ các ga là bây giờ cả hành khách và người thân không còn bị kiểm soát vé tàu, vé đón tiễn như trước đây nữa. Nếu là người thân đi đón hoặc tiễn, bạn sẽ được phát một thẻ đón tiễn (như hình 1). Ở ga cụt như ga Quy Nhơn có cái hay là thẻ này chỉ phát ra cho khách đi đón người thân về để cầm khi ra cửa cho nhân viên kiểm soát dễ phân biệt được người đi tàu (có vé trên tay) và người thân. Còn khi đi tiễn thì khỏi phát thẻ nữa vì tàu đi rồi thì chỉ có người thân ra ga trở về nhà chứ có ông nào đi “tàu lụi” lại quay ngược về nhà mà cần phải có thẻ.

Khách đi tàu bây giờ không chỉ được phát những chai nước do “nhà tàu” (Công ty vận tải hành khách đường sắt Sài Gòn – “nhà tàu Sài Gòn”) sản xuất mà còn có thể dùng nước nóng – lạnh từ các thùng đặt ở đầu một số toa xe.

Nếu sẵn đem theo các gói mì, cháo hộp ăn liền thì bạn có thể dùng nước nóng từ các thùng ấy để chế vào, ăn cho qua cơn “đói lòng chiến sỹ đường xa” 

 Bước lên toa cung ứng tôi nhận ra đây là toa của đoàn tàu Sài Gòn – Nha Trang, Sài Gòn – Quy Nhơn đã từng được “nhà tàu Sài Gòn” bán dịch vụ khai thác cho một công ty tư nhân hồi năm 2006-2009. Dấu tích còn ghi trên vách thành tàu là tấm bảng “Golden Trains” mà người đi tàu quen gọi là “tàu vàng”

 Anh nhân viên phục vụ cho biết toa số 7 và toa cung ứng của hai đoàn “tàu vàng” nay đã được Công ty CP TM vận tải liên vận quốc tế có trụ sở chính ở ngoài Hà Nội “mua đứt” dịch vụ bán vé (cho riêng toa số 7) và dịch vụ ăn uống trên tàu rồi .

Một cán bộ ở “nhà tàu Sài Gòn” cho biết: Thực hiện đổi mới, tới đây có ông tư nhân nào muốn mua toa nào thì bán toa đó. Kêu món ăn sáng để xem “ông tư nhân” phục vụ ra sao! Ồ! Một dĩa bánh mì ốp la hai trứng và thêm một trái ớt khuyến mãi mà giá chỉ có 20.000 đồng thì cũng được đấy chứ! Giá trên tàu mà không đắt hơn ở Sài Gòn! 

Ở hai đầu nhiều toa xe thấy ở đầu này là “Xí xổm”, đầu kia là “Xí bệt” và được ghi bằng cả tiếng Anh nữa nha! Ông Phạm Văn Sơn, Tổng giám đốc Công ty vận tải hành khách đường sắt Sài Gòn bức xúc: “Tại sao không gọi chung là phòng vệ sinh mà phải phân biệt “xổm” với “bệt”? Tôi sẽ đi kiểm tra!  Xóa ngay! Phải đổi mới ngay!”

 Còn anh bạn nhân viên toa xe thì diễn giải: “Cái buồng có lắp cái chỗ ngồi “bệt” ấy vì nó có cổ cò, con thỏ bên dưới. Bây giờ cả cái “xổm” và “bệt” đều xả thẳng xuống đường ray nên ngành đường sắt chúng em mang tiếng là làm ô nhiễm dọc dài đất nước. Mai này sẽ lắp bồn tự hoại theo toa xe thì cái chỗ “bệt” ấy nó vệ sinh từ trên buồng tới đường ray bác ạ!”

 Những đoàn tàu đi Huế, Quy Nhơn, Nha Trang, Phan Thiết… được “nhà tàu” gọi là tàu “địa phương” để phân biệt với các đoàn tàu SE, TN (tàu “trung ương”!?) đi suốt Bắc – Nam. Bà cụ đi cùng khoang với tôi bảo: “Đoàn tàu địa phương của mình là “đoàn tàu lễ phép”. Vì lẽ đến ga nào cũng phải dừng lại 30 phút đến một giờ để “chào” đón, tiễn các bác “trung ương” ngược xuôi!” . Đoàn tàu của chúng tôi từ Quy Nhơn về Sài Gòn, vì cái sự “lễ phép” ấy mà trễ hơn ba tiếng. Bà cụ lại bảo: “Sao không gọi là tàu nhanh, tàu chậm cho nó hay, nó “chuẩn” mà phải là trung ương với địa phương, cậu nhỉ?”


 

Sự đổi mới chưa đồng bộ của ngành đường sắt còn thể hiện ở sân ga đầu, cuối, ga lẻ, ga xép… Ở ga Sài Gòn, các ki ốt bán hàng trước đây được gom lại, chỉnh trang thành những gian hàng như siêu thị mini. Còn ở ga Diêu Trì, vẫn còn đó hàng chục ki ốt nhỏ bé rải suốt chiều dài đoàn tàu và tất nhiên người bán còn nhiều hơn người mua. 



Khi có tàu về, người bán hàng rong lại nhao lên tàu, đến các cửa sổ để mời chào


 

… và cả cảnh người bán hàng rong đẩy cửa lưới để leo lên, chui vào trong  toa . Những hình ảnh đặc trưng của đường sắt Việt Nam có từ gần 40 năm trước và vẫn tồn tại trong lúc ngành đang đổi mới.

Lưu Đức – Hoàng Tuyên

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới