Sự trở lại của cựu Thủ tướng lưu vong ​​Nawaz Sharif và tác động tới chính trường Pakistan

(PLO)- Giới quan sát nhận định sự trở về của cựu Thủ tướng Pakistan - ông Nawaz Sharif sau bốn năm sống lưu vong ở Anh có tác động tới cuộc bầu cử quan trọng của quốc gia Nam Á này vào năm sau.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 21-10, cựu Thủ tướng Pakistan - ông Nawaz Sharif trở về nước sau gần bốn năm sống lưu vong ở Anh trong bối cảnh quốc gia Nam Á này đang chuẩn bị cuộc bầu cử quan trọng vào đầu năm tới, theo đài CNN.

image.jpg
Cựu Thủ tướng Pakistan Nawaz Sharif (ngồi giữa) ký vào một tài liệu khi ông vừa trở về nước hôm 21-10. Ảnh:

Ông Nawaz Sharif là ai?

Ông Sharif, 73 tuổi, từng ba lần giữ chức thủ tướng Pakistan. Lần đầu tiên từ năm 1990-1993, lần thứ hai từ năm 1997-1999 và lần thứ ba từ năm 2013-2017.

Ông Sharif cũng là cựu lãnh đạo đảng Liên đoàn Hồi giáo Pakistan - một trong hai đảng thống trị nền chính trị Pakistan.

Mặc dù ba lần giữ chức thủ tướng Pakistan nhưng chưa lần nào ông Sharif hoàn thành trọn vẹn một nhiệm kỳ thủ tướng. Năm 1993 ông Sharif bị buộc thôi chức vì cáo buộc tham nhũng. Năm 1999 ông này bị quân đội lật đổ, và năm 2017 bị Tòa án tối cao Pakistan phế truất liên quan cáo buộc tham nhũng.

Năm 2018, ông Sharif bị kết án 14 năm tù vì tội tham nhũng. Cựu Thủ tướng phủ nhận mọi tội danh trên. Vào năm 2019 ông này được toà án cho phép ra nước ngoài để trị bệnh với điều kiện phải trở về nước trong vòng bốn tuần.

Năm 2020, một toà án ở Pakistan phát lệnh bắt giữ ông Sharif vì ông không về nước trình diện.

Tác động tới chính trường Pakistan

Ông Sharif trở về nước chỉ vài ngày sau khi tòa án ở thủ đô Islamabad cho phép bảo lãnh tại ngoại đối với cựu Thủ tướng. Nghĩa là ông này sẽ không bị bắt khi về lại Pakistan cho đến ngày 22-4 khi ra hầu tòa.

Theo đài CNN, sự trở về của ông Sharif được cho là có tác động lớn tới cuộc bầu cử đầy căng thẳng được tổ chức vào năm tới. Quốc gia Nam Á này rơi vào tình trạng bất ổn chính trị kể từ khi ông Imran Khan bị bãi nhiệm khỏi chức thủ tướng trong cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm tại quốc hội Pakistan vào năm ngoái.

Bên cạnh đó, Pakistan đang đối mặt với các cuộc khủng hoảng an ninh, kinh tế và chính trị trước thềm cuộc bầu cử năm 2024, theo hãng tin Al Jazeera.

image (1).jpg
Cựu Thủ tướng Pakistan Nawaz Sharif (giữa) giơ tay chào người ủng hộ tập trung tại TP Lahore (Pakistan) hôm 21-10. Ảnh: AP

“Chúng tôi hoàn toàn sẵn sàng cho cuộc bầu cử” - ông Sharif với phóng viên trước khi lên máy bay trở về nước.

“Đất nước của chúng ta đáng lẽ phải ở đỉnh cao thịnh vượng thì thực sự đã đi ngược lại” - ông Sharif nói thêm.

Theo Al Jazeera, ông Sharif không thể tranh cử hoặc tham gia giữ chức vụ công vì bản án của ông vẫn còn hiệu lực. Tuy nhiên nhóm pháp lý của ông Sharif có kế hoạch kháng cáo và đảng Liên đoàn Hồi giáo Pakistan cũng cho biết cựu Thủ tướng đặt mục tiêu trở lại làm thủ tướng lần thứ tư.

Dù vậy, giới quan sát cho biết cựu Thủ tướng Sharif sẽ phải đối mặt nhiều thách thức. Thử thách lớn nhất của ông Sharif là giành lấy sự ủng hộ từ những cử tri mến mộ ông Khan - người đang ngồi tù vì tội tham nhũng nhưng vẫn được công chúng yêu mến.

Bên cạnh đó, nhà phân tích chính trị Ayesha Siddiqa nói với hãng tin AFP rằng thách thức của ông Sharif là cần phải biến hình ảnh bản thân ông và đảng Liên đoàn Hồi giáo Pakistan thành một lựa chọn khả thi có thể thay thế cựu Thủ tướng Khan.

Ông Sharif cũng cần đưa ra các chính sách rõ ràng để xoay chuyển nền kinh tế Pakistan, theo ông Siddiqa.

Ngày 21-10, ngay sau khi về nước, ông Sharif bắt đầu chiến dịch tranh cử của đảng tại TP Lahore (quê hương của ông). Cựu Thủ tướng cam kết sẽ giải quyết tình trạng lạm phát cao kỷ lục, theo hãng tin Reuters.

“Tôi muốn phục vụ đất nước này. Mong muốn duy nhất của tôi là được nhìn thấy đất nước này thịnh vượng” - ông Sharif nói với người hâm mộ.

Cựu Thủ tướng Sharif cũng cho biết đảng của ông cam kết sẽ chấm dứt tình trạng thất nghiệp, đảm bảo giảm lạm phát, giảm phụ thuộc vào khoản vay nước ngoài.

Ngoài ra, giới quan sát cũng nhận định sự trở về của ông Sharif dấy lên hy vọng rằng các cuộc bỏ phiếu bị trì hoãn sẽ sớm được tổ chức, theo tờ Nikkei Asia. Tuy nhiên một số chuyên gia cảnh báo rằng mặc dù Ủy ban bầu cử Pakistan thông báo cuộc bỏ phiếu sẽ được tiến hành vào tuần cuối cùng của tháng 1-2024 nhưng điều đó vẫn có thể thay đổi.

Ông Husain Haqqani - cựu đại sứ Pakistan và hiện là chuyên gia tại Viện Hudson (Mỹ - tổ chức nghiên cứu thúc đẩy vai trò lãnh đạo của Mỹ vì một tương lai an toàn, tự do và thịnh vượng) - nhận định lịch trình bầu cử sẽ phụ thuộc vào sự thành công của ông Sharif trong việc huy động sự ủng hộ từ công chúng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm