Đó là lý do vì sao con em những gia đình người lao động không có tên trong danh sách những thí sinh được nâng điểm, mà đa số là các gia đình có điều kiện hoặc có quan hệ nhất định với giới chức chính quyền.
Điều này cũng đặt ra một câu hỏi: Chẳng biết rằng những nơi như Hà Giang liệu cơ quan điều tra có cho ra một kết quả điều tra tương tự hay không?
Một trong các lý thuyết về kinh tế học có đề cập đến “sự lựa chọn hợp lý”. Điều này có nghĩa là bất cứ ai trong chúng ta ra các quyết định làm hay không làm một việc nào đó thường lựa chọn dựa trên họ sự hài lòng, thỏa mãn và đặc biệt, đa số mọi người không thích lựa chọn những khổ đau.
Học sinh thường không thích sự rèn luyện, học hành gian khổ nhưng ai cũng thích điểm cao. Người lao động ai cũng muốn làm việc nhàn nhã, có thu nhập cao.
Một lý thuyết khác là con người bình thường sẽ đáp lại các kích thích. Họ ra các quyết định lựa chọn dựa trên sự so sánh chi phí và lợi. Nghĩa là con người có thể lựa chọn đi chơi thay vì đi học, đi nhậu thay vì miệt mài làm việc. Nhưng họ có thể học chăm chỉ hơn, làm tích cực hơn nếu lợi ích cao hơn. Từ những lập luận này, rất nhiều chính sách ra đời.
Báo chí đã đăng rất nhiều thí dụ có điểm được điều chỉnh vừa qua là con cái trong các gia đình cán bộ nhà nước hay những gia đình có điều kiện. Đa số các bậc phụ huynh đáng kính đều xác nhận không liên quan đến việc nâng điểm cho con. Tuy nhiên, các cơ quan điều tra đã chứng minh có sự liên quan giữa các phụ huynh và người chạy điểm, cũng như công bố chi tiết về con số cụ thể mà các gia đình phải chi cho một kết quả chắc chắn đậu đại học.
Là phụ huynh, ai cũng biết chắc chắn học lực của con em mình nên họ thường có tư vấn cho con cái lựa chọn ngành nghề. Chắc chắn họ không bao giờ tư vấn cho con cái học những ngành, những trường có điểm quá cao mà họ biết rằng con cái mình không có cơ hội thi đậu, thậm chí thiếu điểm sàn với những trường hợp được nâng đến hơn 20 điểm.
Trong trường hợp nếu con của họ dù học lực yếu nhưng lại muốn cho con đậu vào các trường có điểm đầu vào cao thì phải nghĩ đến việc chung chi. Cũng có nghĩa họ có thể đảm bảo kết quả trúng tuyển mà không cần phải học hành vất vả và thi cử hên xui.
Lẽ dĩ nhiên là cha mẹ, họ phải quan tâm đến con cái mình. Nhưng là cán bộ nhà nước, họ còn một mối quan tâm lớn khác, đó là phải có trách nhiệm với xã hội, đất nước.
Gian lận không những làm suy giảm tính nghiêm minh của các kỳ thi, làm mất đi cơ hội cho những học sinh có năng lực thực sự, làm gia tăng bất công trong xã hội mà đồng thời cũng phá vỡ các chủ chương, chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước.
Những học sinh không phải bằng năng lực thực sự mà vẫn vào được ngành công an, họ sẽ không có động cơ để trui rèn tiếp tục. Không những thế, sau khi tốt nghiệp ra trường, có thể họ phải tìm cách để thu lại những khoản mà gia đình đã chi ra. Điều này dễ làm gia tăng nguy cơ tham nhũng trong lực lượng vũ trang, làm suy giảm sức chiến đấu của lực lượng này, đe dọa đến sự tồn vong của đất nước. Vì vậy, việc điều tra làm rõ các sai phạm không chỉ lấy lại danh dự, uy tín cho những con em cán bộ được nâng điểm mà còn đảm bảo cho một tương lai phồn thịnh của dân tộc.