Chiều 24-10, Quốc hội (QH) thảo luận tại tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT. Ý kiến của các đại biểu (ĐB) QH đã đề cập đến nhiều khía cạnh của BHYT hiện nay và đề nghị nhiều giải pháp để BHYT có thể giúp cho người bệnh đến khám chữa bệnh (KCB) được nhanh nhất, đầy đủ nhất và tốt nhất.
BHYT là “bà nội trợ” vô cùng khéo léo
ĐB Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội) nói 15 năm qua, BHYT làm được rất nhiều việc, tạo được sự an tâm cho người dân. Ngay cả tình trạng trốn đóng BHYT giờ cũng không còn nhiều. Tuy nhiên, theo ông Trí, sau 15 năm thì có những bất cập cần sửa đổi. Chẳng hạn như nguy cơ vỡ quỹ thường trực vì khi đóng BHYT thì có hạn mà KCB được thanh toán thì vô hạn, “không vỡ quỹ mới lạ”…
ĐB Phạm Khánh Phong Lan (đoàn TP.HCM) cũng đồng tình với nhận định trên. Phân tích cụ thể, bà cho hay đầu vào của BHYT luôn khó khăn với mức đóng thấp nhất thế giới, cơ chế lại phức tạp hóa khi 1,5% là người lao động (NLĐ) đóng, 3% do người sử dụng lao động đóng.
“Thực tế còn có chuyện NLĐ thì bền bỉ đóng BHYT còn doanh nghiệp thì không đóng nên NLĐ không được quyền lợi” - bà Phong Lan nói thêm và cho hay với đầu ra “chúng ta lại mơ ước rất nhiều”, muốn bao toàn bộ chi phí từ viện phí đến thuốc, trừ thuốc trong danh mục bệnh nặng, bệnh nan y mới giảm xuống 50%. Vậy cách duy nhất để tránh vỡ quỹ là “siết được đầu ra”.
“BHYT thực sự như một “bà nội trợ” vô cùng khéo léo. Với số lương ít, trong hoàn cảnh như vậy nhưng không vỡ quỹ, thậm chí vẫn có kết dư” - ĐB Phong Lan nói và cho rằng Việt Nam có hơn 93% dân số đã tham gia BHYT nhưng thực tế có bao nhiêu người đến BV, bao nhiêu người sử dụng và hài lòng với BHYT? Do vậy, nữ ĐBQH đoàn TP.HCM đề nghị có nghiên cứu tổng thể về vấn đề này, từ đó đưa ra chính sách cho phù hợp.
ĐB Trần Thị Nhị Hà (đoàn Hà Nội) cho rằng Luật BHYT mới chỉ sửa đổi một số điều chứ chưa sửa đổi toàn diện. “Đây là luật rất quan trọng với đời sống của người dân. Đây cũng là thời điểm thuận lợi để tích hợp với Luật KCB. Đặc biệt, từ ngày 1-1-2025, chúng ta phải thực hiện quy định mới về giá dịch vụ y tế, người dân lại chủ yếu KCB bằng BHYT” - ĐB Hà nói.
Nói thêm về vấn đề này, bà Hà cho rằng trong dự thảo Luật BHYT sửa đổi mới đề cập đến chi trả trong phạm vi KCB, trong khi đó lĩnh vực dự phòng, khám sàng lọc phát hiện bệnh, như với ung thư, bệnh về máu… cũng rất cần thiết.
“Nếu các bệnh này được sàng lọc sẽ giảm đáng kể chi phí điều trị, giảm chi phí chi trả của Nhà nước” - bà Hà nhìn nhận và thông tin nhiều nước trên thế giới đã chi trả cho lĩnh vực này, thậm chí nhiều nước còn quy định phải khám sàng lọc mới được chi trả khi mắc bệnh.
Bỏ giấy chuyển tuyến: Đại biểu lo “vỡ trận”
Trong phiên thảo luận tổ, nhiều ĐBQH thuộc ngành y tế cũng bày tỏ lo ngại về đề nghị bỏ giấy chuyển tuyến trong BHYT.
ĐB Nguyễn Tri Thức (đoàn TP.HCM), Thứ trưởng Bộ Y tế, cho rằng chỉ nên bỏ giấy chuyển tuyến trong trường hợp khám ở tuyến ban đầu, tuyến cơ bản. Còn từ tuyến ban đầu lên tuyến chuyên sâu thì nên có giấy chuyển tuyến. “Chúng ta cứ nghĩ giấy chuyển tuyến phiền phức nhưng nó rất cần thiết trong ngành y. Nếu bỏ giấy chuyển tuyến thì bệnh nhân không khám ở trạm y tế và BV huyện nữa mà lên thẳng BV tuyến chuyên sâu như các BV Chợ Rẫy, Bạch Mai, Việt Đức…” - ĐB Thức nói.
Theo ông Thức, nếu làm như vậy thì hệ thống y tế cơ sở chỉ 1-2 năm là bị triệt tiêu và chủ trương phát triển, củng cố hệ thống y tế cơ sở không thực hiện được. Trong khi đó, dịch COVID-19 đã cho thấy vai trò quan trọng của hệ thống y tế cơ sở ra sao. “Bỏ giấy chuyển tuyến này đi thì rất nguy hiểm” - Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Tri Thức nhấn mạnh và khẳng định giấy chuyển tuyến có vai trò rất quan trọng, là tóm tắt bệnh án, rất có giá trị cho chẩn đoán ở cấp chuyên sâu.
Bỏ giấy chuyển tuyến, theo ĐB Thức, cũng ảnh hưởng đến các bác sĩ ở tuyến trung ương. Vì mỗi ngày các bác sĩ chỉ có thể mổ một ca đặc biệt, kéo dài 6-8 tiếng. Các BV thường khống chế, không cho mổ ca thứ hai vì nguy cơ tai biến cao. Khi bỏ giấy chuyển tuyến, bệnh nhân ùn ùn đổ về tuyến chuyên sâu, với áp lực bệnh nhân như vậy thì một bác sĩ không thể mổ một ca/ngày được. Các ca phẫu thuật loại 1, 2, 3 cũng vậy.
Trước đây, một bác sĩ mỗi ngày khám khoảng 20 bệnh nhân, giờ khoảng 200 bệnh nhân ngồi chờ thì không bác sĩ nào khám nổi. Lúc đó sẽ vỡ trận. “Hai hậu quả trước mắt là triệt tiêu y tế cơ sở và vỡ trận ở y tế tuyến chuyên sâu. Đó là điều chắc chắn ai cũng thấy hết” - ĐB Thức khẳng định.
Hỗ trợ người cao tuổi, người nghèo đóng BHYT
Trong khi đó, ĐB Trần Quốc Tuấn (đoàn Trà Vinh) lại đề nghị xem xét, tăng mức hỗ trợ từ ngân sách nhà nước cho học sinh, sinh viên và hộ gia đình làm nông, lâm, ngư nghiệp. Cụ thể, ông Tuấn đề xuất mức hỗ trợ từ 30% lên tối thiểu 50% mức đóng để giảm bớt khó khăn cho các đối tượng này.
Nêu lý do, ông nói đối tượng này dù đang được Nhà nước hỗ trợ tối thiểu 30% mức đóng, còn lại 70% người tham gia BHYT phải tự đóng và tùy thuộc vào ngân sách của từng địa phương có thể hỗ trợ thêm. Tuy nhiên, đa phần nhóm đối tượng này đều phải tự đóng 70%, mức đóng bằng 4,5% mức lương cơ sở.
Vừa qua khi mức lương cơ sở tăng thêm 30% thì giá trị thẻ BHYT cũng tăng thêm 30%. “Việc tăng lương cơ sở là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước nhưng hai nhóm đối tượng nêu trên không trực tiếp được hưởng lợi từ chính sách này mà vẫn phải chi thêm tiền để mua BHYT. Việc này khiến họ gặp khó khăn khi tham gia BHYT” - ông Tuấn cho hay.
ĐBQH đoàn Trà Vinh cũng nhìn nhận việc tăng mức hỗ trợ lên tối thiểu 50% như đề xuất vừa đạt mục tiêu bao phủ tỉ lệ người dân tham gia BHYT, vừa giảm bớt khó khăn cho đối tượng này. “Tôi đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung quy định thanh toán chi phí thuốc, thiết bị y tế trực tiếp cho người có thẻ BHYT đi KCB, đồng thời giao cho Chính phủ quy định chi tiết” - ông Tuấn nói.
ĐB Trương Xuân Cừ (đoàn Hà Nội) thì bày tỏ băn khoăn đối với chính sách cho người cao tuổi (NCT). Ông Cừ cho hay các báo cáo của các năm 2021, 2022 cho thấy hiện có 5% NCT chưa có BHYT, tức là khoảng 500.000 người nhưng đến ngày 21-8-2024 thì con số này đã tăng lên 2,6 triệu người.
“Con số này khiến các cơ quan quản lý, Hội NCT hết sức giật mình” - ông Cừ nói và đề xuất người từ đủ 70 tuổi trở lên được hưởng BHYT, NCT trong hộ cận nghèo nên từ 65 tuổi được hưởng BHYT.
Giải thích cho đề xuất, ĐB Cừ cho hay qua các số liệu thống kê, NCT Việt Nam từ 60 tuổi trở lên thì 95% có bệnh. NCT từ 60 đến 80 tuổi có ba bệnh nền, 80 tuổi trở lên có sáu bệnh nền. Nếu không có BHYT sẽ rất khó khăn. Mặt khác, hiện Việt Nam có 17 triệu NCT thì 5,7 triệu người có lương hưu trợ cấp, số còn lại vẫn phải lao động kiếm sống…
Mục tiêu cao nhất khi sửa Luật BHYT
Mục tiêu sửa một số điều của Luật BHYT lần này là phải đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống luật đã được ban hành, trong đó có rất nhiều quy định liên quan đến các đối tượng đã được quy định trong Luật BHXH, các luật của lực lượng vũ trang.
Mục tiêu thứ hai là đảm bảo việc phân cấp chuyên môn kỹ thuật đã được quy định tại Luật KCB sửa đổi. Đây là yêu cầu rất cấp thiết, bởi từ ngày 1-1-2025 không còn tuyến huyện/tỉnh/xã như tên gọi trước đây mà theo cấp chuyên môn kỹ thuật. Đây cũng là cách tiếp cận theo hướng của quốc tế và đã được đưa vào Nghị quyết 20 của Trung ương Đảng từ năm 2017. Năm 2023, chúng ta đã thể chế hóa trong Luật KCB sửa đổi.
Vì vậy, Luật BHYT phải có điều chỉnh để có cơ chế thanh toán cũng như hỗ trợ người dân khi đi KCB theo cấp chuyên môn kỹ thuật. Dự thảo luật cũng sẽ rà soát những vướng mắc, tồn tại trong việc triển khai thực hiện các chính sách BHYT với mục tiêu cao nhất là làm thế nào tiện nhất cho người tham gia BHYT và tạo điều kiện tốt nhất cho công tác KCB.