Bình Dương có nhiều ổ dịch COVID-19 âm ỉ, nguy cơ bùng phát mạnh

Sáng 12-7, thông tin từ Bộ Y tế, Bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ này vừa có những trao đổi với ngành y tế tỉnh Bình Dương trong công tác tổ chức lấy mẫu xét nghiệm, truy vết ca bệnh COVID-19.

Lực lượng y tế lấy mẫu xét nghiệm cho người dân. Ảnh: HOÀNG GIANG

Ông Nguyễn Hồng Chương, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Dương, cho biết tính từ đợt dịch thứ tư, tỉnh ghi nhận hơn 1.300 ca nhiễm, trong đó đã có hai trường hợp tử vong. Dịch xuất hiện ở 45 công ty/xí nghiệp và hàng chục khu nhà trọ công nhân.

Về công tác phòng chống, Bình Dương đang có gần 600 đội lấy mẫu xét nghiệm, trong đó có 150 đội là cán bộ, sinh viên Đại học Y Hà Nội chi viện cho tỉnh. Với lượng nhân lực trên, năng lực lấy mẫu của tỉnh có thể đạt trên 100.000 dân/ ngày.

Cũng theo ông Chương, Bình Dương đang có 12 máy RT-PCR, trong đó trung tâm kiểm soát bệnh tật có năm máy, còn lại ở các trung tâm y tế huyện. Ngoài ra, tỉnh đang ký kết hợp tác với một đơn vị tư nhân, đơn vị này cam kết trả kết quả xét nghiệm trong vòng 20 giờ. Mỗi ngày, các đơn vị có thể chạy được 5.000 mẫu đơn, tương đương 50.000 mẫu gộp.

Đáng chú ý, hiện nay vật tư y tế cho việc lấy mẫu xét nghiệm đã sắp hết, Sở Y tế tỉnh Bình Dương đang huy động hơn 200 tỉ để tích cực mua sắm vật tư thiết bị y tế để bảo cho chiến dịch lấy mẫu xét nghiệm trên diện rộng sắp tới.

Ông Chương nhận định khó khăn lớn nhất hiện nay là công tác tổ chức lấy mẫu. Những ngày vừa qua, tỉnh gặp một số trục trặc do việc bố trí phương tiện, phân công chưa hợp lý, lập danh sách lấy mẫu còn một số lúng túng. Tuy nhiên, đến nay các khó khăn cơ bản đã khắc phục được…

Ông Dương Chí Nam, Phó Cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế, phân tích số ca bệnh tại Bình Dương được phát hiện thông qua quá trình điều tra dịch tễ, đặc biệt nhiều ca bệnh là người lao động trong các khu công nghiệp được phát hiện nhiễm COVID-19 khi đến khám tại các cơ sở y tế.

“Có thể nhận định trong cộng đồng nhiều ổ dịch đang âm ỉ, nguy cơ bùng phát trên diện rộng” – ông Nam đặt giả thiết và lo ngại về năng lực xét nghiệm RT-PCR của Bình Dương chưa đến 5.000 mẫu đơn, tương đương 50.000 mẫu gộp và 45.000 test nhanh. Điều này là rất hạn chế.

“Tỉnh cần nhanh chóng nâng cao năng lực PCR, đặc biệt là test nhanh. Mua sắm tối thiểu 500.000 test nhanh và thậm chí nhiều hơn để gối đầu cho những đợt lấy mẫu xét nghiệm sau” – ông Nam khuyến cáo.

GS.TS Lê Thị Quỳnh Mai, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương thì cho rằng Bình Dương cần nhanh chóng tầm soát được trong toàn cộng đồng để đánh giá rõ ràng về tình hình và nguy cơ lây nhiễm của toàn tỉnh và truy vết khoanh vùng sớm.

Theo bà Mai, đối với phương pháp khẳng định RT-PCR, khả năng trả lời kết quả trong 24 giờ cộng với số lượng mẫu quá lớn sẽ khó có thể đảm bảo được. Do đó, tỉnh cần cân đối số lượng mẫu, mẫu lấy cần có tập trung, trọng điểm ở những khu vực nguy cơ cao.

Trong giai đoạn hiện nay, chiến lược phối hợp giữa test nhanh và PCR sẽ mang lại nhiều hiệu quả trong công tác truy vết. Tỉnh cần ưu tiên thực hiện test nhanh, cho kết quả sớm, từ đó kịp thời nhận diện những mẫu có nguy cơ và khẳng định bằng PCR.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm