Chuyện xúc động về điều trị COVID-19 cho Việt kiều Mỹ

Ngày 17-2, tin từ Bệnh viện (BV) Bệnh nhiệt đới TP.HCM cho hay bệnh nhân Việt kiều Mỹ THK (73 tuổi) đã đủ điều kiện xuất viện sau nhiều lần được kiểm tra âm tính với virus COVID-19.

Dành một khoa cách ly và điều trị COVID-19

Từ bên ngoài, BS Nguyễn Thanh Phong, Trưởng khoa Nhiễm D, nối máy điện thoại gọi vào phòng cách ly cho ông K. “Kết quả kiểm tra sức khỏe của ông giờ đã ổn định hết rồi. Nay mai ông sẽ được xuất viện thôi, ráng lên” - BS Phong thông báo. Qua điện đàm với BS Phong, giọng ông K. cũng lạc quan, hồ hởi không kém.

Bình thường Khoa nhiễm D đông bệnh nhân, thậm chí quá tải nhưng hơn nửa tháng nay không khí ở đây rất yên tĩnh và im ắng. Lý do là toàn bộ khoa đã được BV bố trí làm khu cách ly điều trị cho bệnh nhân nhiễm và nghi nhiễm virus COVID-19.

BS Phong kể lại: Ngay từ những ngày TP.HCM có ca bệnh đầu tiên nhiễm virus COVID-19, BV đã chuẩn bị sẵn sàng nhân lực, trang thiết bị chống dịch để đón bệnh nhân.

“Các thông tin về dịch bệnh được cập nhật liên tục. Ngay lúc đầu, chúng tôi chưa nghe bệnh lây từ người sang người nhưng sau đó thì có xác nhận bằng chứng cho thấy lây nên cũng có hoang mang, lo sợ. Lo thì có lo nhưng tất cả đều đặt ra nhiệm vụ hàng đầu là bằng mọi cách cứu sống bệnh nhân, làm sao tránh lây lan virus ra cho cộng đồng” - BS Phong nhớ lại.

Không nằm ngoài dự đoán, vào ngày 31-1, bệnh nhân Việt kiều Mỹ về Việt Nam sau khi quá cảnh ở Vũ Hán đã được kiểm tra dương tính với virus COVID-19.

Ông K. buộc phải điều trị cách ly tại BV cho đến khi được khỏi bệnh hoàn toàn. Về quê ăn tết một mình, không có người thân khi ở độ tuổi 73, ông K. hẳn có nhiều dự định thực hiện khi ở Việt Nam. Tuy nhiên, tất cả đành phải gác lại. Ông K. đặt nhiều câu hỏi về bệnh tình của mình và lo lắng khi phải điều trị cách ly tại đây. Hiểu được tâm lý của bệnh nhân, hằng ngày ngoài mang thức ăn vào cho ông K., các điều dưỡng trong bộ đồ bảo hộ bức bí đều nán lại để trò chuyện cùng ông, có khi kéo dài 1-2 giờ đồng hồ trò chuyện là bình thường.

“Bệnh nhân dương tính với virus nên dù ở một mình nhưng bắt buộc phải mang khẩu trang cả ngày lẫn đêm để tránh virus lây lan ra ngoài, rất khổ nhưng ông hợp tác rất tốt. Phòng điều trị chỉ có một mình bệnh nhân, hoàn toàn tách biệt với bên ngoài, thậm chí không biết ngày hay đêm vì chỉ toàn ánh đèn. Hai tuần ở một mình tại nơi như vậy, tâm lý không vững vàng là căng lắm” - BS Phong chia sẻ.

Nhờ tuân thủ điều trị tốt, không có bệnh nền, từ chỗ được cho thở ôxy khi mới vào viện, hiện tại ông K. đã hoàn toàn ổn định. “Không chỉ thuốc, chế độ dinh dưỡng, mà yếu tố tâm lý cũng góp phần quan trọng giúp bệnh nhân đẩy lùi bệnh tật” - BS Phong nhìn nhận.

Bệnh nhân Việt kiều Mỹ đang sinh hoạt trong phòng bệnh. Ảnh chụp qua camera

BS Nguyễn Thanh Phong đang trò chuyện với bệnh nhân Việt kiều Mỹ. Ảnh: HL

Bệnh nhân đặt niềm tin vào ngành y tế

Ngoài tập trung chữa trị cho bệnh nhân xác định nhiễm bệnh, các bác sĩ cũng vừa phải giải thích, trấn an những người có biểu hiện nghi nhiễm bệnh được đưa đến BV kiểm tra. Ở cùng khách sạn với ông K. có ba mẹ con. Trong thời gian chưa đủ 14 ngày được cách ly, có một em bé có triệu chứng sốt, ho, không loại trừ nhiễm loại virus này. Tuy nhiên, khi được đưa đến BV kiểm tra, người mẹ ban đầu không muốn hợp tác và thắc mắc vì dù ở chung khách sạn nhưng không biết mặt người Việt kiều, không nói chuyện sao mà lây.

“Sau một hồi được giải thích các cơ chế của bệnh thì người mẹ yên tâm và không thắc mắc nữa, đồng ý lấy mẫu đi xét nghiệm. Xét nghiệm lại có kết quả rất nhanh chỉ sau bốn tiếng đồng hồ, ba mẹ con đều âm tính nên cả chúng tôi và người mẹ đều cảm thấy nhẹ nhõm và bớt đi phần lo lắng” - BS Phong kể.

Gọi điện thoại thông báo với ông K. sắp đến giờ cơm, điều dưỡng Hà Mai Thanh Hiền cho biết: “Hôm nay ngoài bữa ăn chính, thực đơn có trái cây gồm chuối, nước cam, thanh long. Mấy ngày trước chú ăn táo rồi nên hôm nay không thích ăn táo nữa”. Ngoài ra, khi cần bệnh nhân chỉ nhấn chuông trong phòng sẽ được đáp ứng các yêu cầu.

Chị Hiền chia sẻ từ trước tết đến giờ, tập trung chống dịch, chị chỉ quẩn quanh ở nhà, cố gắng không nghĩ đến việc đi chơi tết và đến BV làm việc theo khuyến cáo không đến nơi tập trung đông người của Bộ Y tế.

Khi biết chị phải thường xuyên tiếp xúc với người nhiễm virus COVID-19 và những thông tin thất thiệt về đợt dịch này, người thân của chị cũng mất ăn mất ngủ cùng chị. Tuy nhiên, thấy bệnh nhân mình góp phần chăm sóc hồi phục, đặt niềm tin vào ngành y tế, chị cảm thấy được an ủi rất lớn.

“Những ngày mới vào đây, bệnh nhân rất sợ khi biết bệnh. Ngoài chăm sóc, chúng tôi phải thường xuyên vào trấn an, giải thích bệnh để tiếp thêm động lực cho ông. Ông chia sẻ về quê ăn tết nhưng không có người thân nên rất thích nhân viên y tế và cởi mở chia sẻ về gia đình, đặt niềm tin vào ngành y tế sẽ giúp ông chữa khỏi bệnh” - chị Hiền kể.

Từng gây lo sợ cho 18 người khác

Vào ngày 15-1, bệnh nhân THK (73 tuổi) nhập cảnh vào Việt Nam sau khi quá cảnh tại sân bay ở Vũ Hán (Trung Quốc) và lưu trú tại một khách sạn ở phường 5, quận 3, TP.HCM.

Đến 31-1, bệnh nhân được nhập BV Bệnh nhiệt đới, lấy mẫu xét nghiệm và được xác định mắc COVID-19. Tất cả 18 người bao gồm nhân viên và khách lưu trú cùng khách sạn với bệnh nhân K. đều được cách ly tại chỗ. Sau 14 ngày, tất cả đều được xét nghiệm âm tính với COVID-19 và được ngưng theo dõi, cách ly.

Trở thành bệnh nhân đặc biệt

Là bệnh nhân thứ ba nhiễm virus COVID-19 ở TP.HCM và là bệnh nhân nhiễm loại virus này duy nhất của Khoa nhiễm D BV Bệnh nhiệt đới, ông THK không muốn đặc biệt cũng trở thành bệnh nhân đặc biệt của khoa. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm