Cách phòng chống ngạt khí?

Bác sĩ Trương Thế Hiệp (phó trưởng khoa cấp cứu Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM) trả lời: Ngộ độc khí thường là do khí CO, sản phẩm cháy không hoàn toàn của các chất có chứa cacbon. Nguồn nhiễm phổ biến nhất là sử dụng các nhiên liệu có cacbon (than, củi, xăng, dầu...) để đốt (bếp, lò sưởi, chạy động cơ...) ở nơi có thông khí kém (phòng kín, khu vực ít lưu thông khí). CO là khí không màu, không mùi, không vị, khuếch tán mạnh, không gây kích thích, có tỉ trọng xấp xỉ tỉ trọng không khí. CO gây ngạt hệ thống, giảm khả năng vận chuyển oxy đến tế bào, giảm sức co bóp cơ tim, rối loạn chức năng tế bào, ức chế co bóp cơ tim.

Bệnh viện Chợ Rẫy từng tiếp nhận những trường hợp bị ngạt khí, tuy số lượng không nhiều nhưng việc cấp cứu và điều trị bệnh nhân gặp không ít khó khăn. Ngộ độc khí có thể gây tử vong nhanh chóng. Di chứng thần kinh - tâm thần nặng nề khi xuất viện chiếm tới 4-40%. Thai nhi, người cao tuổi, người có bệnh lý mạch vành, mạch máu não nguy cơ bị ngộ độc cao hơn. Xử trí ban đầu vẫn là hướng đến đường thở, ổn định hô hấp và tuần hoàn. Nhanh chóng mở rộng cửa, làm thông thoáng khí, đưa bệnh nhân ra khỏi nơi nhiễm độc (lưu ý đảm bảo an toàn cho người cấp cứu). Nếu bệnh nhân thở yếu, ngừng thở cần hô hấp nhân tạo bằng phương tiện hiện có tại chỗ, cung cấp oxy 100% càng sớm càng tốt nếu có điều kiện.

Để phòng ngạt khí cần tuyên truyền mọi người không dùng than, củi để đốt, sưởi trong phòng kín không có không khí. Không chạy động cơ sử dụng xăng, dầu trong các khu vực khép kín.

Theo THÙY DƯƠNG (TTO) ghi

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm