Chiều 24-5, hội nghị giao ban phòng khám đa khoa do Sở Y tế TP.HCM chủ trì đã diễn ra với sự tham dự của 186/215 cơ sở trên địa bàn TP.HCM.
Hàng loạt sai phạm nhưng khó xử phạt
Tại hội nghị, ThS-bác sĩ (BS) Nguyễn Mạnh Cường chỉ ra nhiều sai phạm liên quan hồ sơ bệnh án, khám bệnh, chữa bệnh tại các cơ sở...
Về việc khám bệnh, chữa bệnh đặc biệt có BS nước ngoài, cơ sở sử dụng các hình ảnh bệnh lý (hình ảnh không trung thực) để hù dọa, vẽ bệnh. Người phiên dịch thực hiện tư vấn cho bệnh nhân vượt quá khả năng, chưa đảm bảo.
BS người nước ngoài tham gia khám, chữa bệnh ghi nhận hướng xử trí sai lệch so với chẩn đoán nhằm đối phó cơ quan kiểm tra (có dấu hiệu sửa chữa hồ sơ bệnh án).
Về việc thu phí người bệnh, phòng khám không thực hiện đầy đủ các xét nghiệm đã được BS chỉ định cho người bệnh nhưng vẫn thu phí với người bệnh. BS người nước ngoài khám bệnh nhưng giả hồ sơ, giả chữ ký, làm sai lệch thông tin người bệnh.
Ngoài ra, nhiều sai phạm khác cũng được ông Cường chỉ ra như các cơ sở không thông báo việc thay đổi, bổ sung nhân sự và chưa được Sở Y tế thẩm định năng lực điều kiện, quảng cáo vượt quá phạm vi chuyên môn và chưa được phê duyệt. BS thực hiện vượt quá phạm vi chuyên môn so với chứng chỉ hành nghề, cung cấp dịch vụ vượt quá phạm vi chuyên môn. Bảng hiệu và hồ sơ bệnh án còn ghi dòng chữ “Sở Y tế” nhằm gây nhầm lẫn là cơ cơ sở y tế công lập trực thuộc Sở Y tế. Nhân viên không đeo bảng tên (phân biệt nhân viên hành chính, BS, phiên dịch)...
Tuy nhiên, theo ông Cường, để xử phạt và buộc các cơ sở vi phạm khắc phục còn gặp nhiều khó khăn, như các chưa có quy trình chẩn đoán, áp dụng phác đồ điều trị. Việc trao đổi nắm bắt các thông tin, các quy định của pháp luật với chủ đầu tư, BS nước ngoài và BS phụ trách chuyên môn còn hạn chế do chủ đầu tư, người đại diện pháp luật không có chuyên môn. Một số hành vi vi phạm chưa đủ sức răn đe hoặc một số tồn tại chưa có điều khoản xử phạt. Một số phòng khám còn mang tính đối phó với cơ quan quản lý, cảnh báo từ xa, kéo dài thời gian phối hợp trong công tác kiểm tra và xử lý, ghi chép hồ sơ mang tính đối phó, sử dụng hình ảnh tư vấn bệnh nặng, trầm trọng gây hoang mang tâm lý người bệnh.
Từ đó, ông Cường đề xuất BS phụ trách chuyên môn và chủ đầu tư cần phối hợp tăng cường quản lý, giám sát hoạt động điều trị tại cơ sở, rà soát các quy trình tiếp nhận bệnh, các phác đồ điều trị thu phí, giám sát công khai niêm yết giá, thu viện phí tại cơ sở, giám sát và chấp hành các quy định về pháp luật trước khi đưa các nội dung lên trang thông tin quảng cáo.
Phòng khám Khang Thái vừa bị UBND TP.HCM xử phạt 270 triệu đồng kèm đình chỉ hoạt động sáu tháng. Ảnh: TRẦN NGỌC
Xưng danh phóng viên moi tiền phòng khám
“Ngoài chức năng khám, chữa bệnh, phòng khám đa khoa đôi khi lại là “nạn nhân” của một số đối tượng lừa gạt khiến phòng khám bị thiệt hại về kinh tế” - Trung tá Vũ Thị Thu Hà, Phòng An ninh chính trị nội bộ (PA03) Công an TP.HCM, đưa ra thông tin.
Năm 2018, Thanh tra Sở Y tế đã tiến hành kiểm tra 43 lượt phòng khám đa khoa, xử lý 52 cơ sở với tổng số tiền hơn 2,2 tỉ đồng, đình chỉ hoạt động một cơ sở. |
Theo bà Hà, không ít đối tượng xưng là nhân viên cơ quan nhà nước như Sở Tài chính, Thanh tra Bộ Y tế… đến phòng khám mời mua tài liệu với giá cao. “Những đối tượng này còn dọa nếu không mua sẽ ảnh hưởng đến hoạt động khám, chữa bệnh” - bà Hà cho biết.
“Do bị hù dọa nên không ít phòng khám bỏ tiền ra mua. Tuy nhiên, không một cơ quan nhà nước nào lại cử nhân viên đến tận phòng khám mời bán tài liệu. Trong trường hợp này, các phòng khám nên thẳng thừng từ chối” - bà Hà nhấn mạnh.
Cũng theo bà Hà, nhiều phòng khám có những vi phạm trong quá trình hoạt động khám, chữa bệnh. “Nắm được sai phạm của phòng khám, đối tượng tìm đến xưng danh phóng viên rồi đe dọa viết bài để moi tiền. Nhiều phòng khám không muốn sai phạm bị bêu trên mặt báo nên chấp nhận đưa tiền. Chưa hết, đối tượng còn liên tục đề nghị phòng khám ký hợp đồng truyền thông và bỏ túi thêm khoản tiền nữa” - bà Hà nói.
“Không dừng tại đây, người xưng danh là phóng viên cung cấp sai phạm của phòng khám cho “đồng nghiệp” khác để tiếp tục moi tiền bằng phương thức tương tự” - bà Hà cho biết thêm.
Bà Hà khuyến cáo bất kỳ ai đến làm việc thì phòng khám yêu cầu cho xem giấy giới thiệu hoặc thẻ ngành. Trong trường hợp nghi ngờ thì báo đường dây nóng Sở Y tế TP.HCM hoặc công an địa phương.
Phạt phòng khám Khang Thái 270 triệu đồng “UBND TP.HCM đã ký quyết định phạt Phòng khám đa khoa Khang Thái (87-89 Thành Thái, phường 14, quận 10, TP.HCM) 270 triệu đồng” - ông Nguyễn Mạnh Cường, Quyền Chánh Thanh tra Sở Y tế TP.HCM, cho biết. Bên cạnh đó, Phòng khám đa khoa Khang Thái còn bị tước quyền sử dụng giấy phép hoạt động trong thời hạn sáu tháng, kể từ ngày 3-4. Đồng thời buộc tháo gỡ, xóa quảng cáo quá phạm vi chuyên môn được ghi trong giấy phép hoạt động. Trước đó, Pháp Luật TP.HCM đăng bài “Phòng khám Trung Quốc cho phiên dịch khám bệnh, moi tiền”. Bài báo nêu rõ Phòng khám đa khoa Khang Thái hiện có BS người Trung Quốc hành nghề. Phòng khám này đã để phiên dịch trực tiếp khám và điều trị cho bệnh nhân. Trong quá trình khám bệnh và điều trị, bà này đã “vẽ” ra những căn bệnh hiểm nghèo khiến bệnh nhân hoang mang. Chưa hết, bà này còn đưa ra giá tiền điều trị ngay thời điểm người bệnh nằm trên bàn khám và có lời lẽ hù bệnh nhân. TRẦN NGỌC |