Uống thuốc cam, bé 7 tháng nguy kịch vì nhiễm độc chì

Sau 7 ngày dùng thuốc cam, ngày 18-6, bé H. có biểu hiện nôn ói nhiều, co giật, li bì… nên đã được gia đình đưa vào bệnh viện (BV) Sản Nhi tỉnh Ninh Bình. Sau khi siêu âm thóp, các BS chẩn đoán bệnh nhi bị giãn não thất và chuyển bệnh nhi lên BV Nhi Trung ương (Hà Nội) để tiếp tục điều trị vào ngày 19-6. Tại đây, bé H. được các BS xác nhận bị nhiễm độc chì rất nặng, hiện đang được điều trị tích cực bằng thở máy, dùng thuốc thải chì.

Một trường hợp khác  cũng đang điều trị tại BV Nhi Trung ương là bệnh nhi NDL (4 tháng tuổi, Hà Nội). Bệnh nhi nhập viện ngày 16-6 với tình trạng bị nôn, đau bụng, ho… Người nhà cho hay khoảng một tuần trước đó, bé L. bị nấm miệng nên họ đã tự mua thuốc cam ở chợ về đánh tưa lưỡi cho con. Sau bốn ngày dùng thuốc, bé L. bị ho, đau bụng, nôn ói liên tục… nên gia đình mới đưa con đến BV Nhi Trung ương cấp cứu. Kết quả xét nghiệm máu cũng cho thấy bé L bị ngộ độc chì nặng.

Theo số liệu của BV Nhi Trung ương, chỉ trong tháng 6-2017 BV đã tiếp nhận 8 trường hợp ngộ độc chì do thuốc cam. Thuốc cam là loại thuốc đông y được bào chế từ nhiều cây thuốc nam và dược liệu kết hợp, được cho là có tác dụng bồi bổ, giúp trẻ ăn ngon, hết sài đẹn, tăng cân… Thậm chí với nhiều người, đây được coi là thuốc chữa “bách bệnh” như tưa lưỡi, lở loét, mụn nhọt, tiêu chảy...

Ngộ độc chì do thuốc cam hầu hết sẽ không biểu hiện ngay, nhưng chì ngấm dần vào cơ thể và gây ra hậu quả khôn lường tới nhiều năm sau. Khi nhiễm độc chì, trẻ sẽ có các biểu hiện cấp tính như co giật, ngủ lịm… Các biểu hiện không điển hình như chậm phát triển, thiếu nhận thức, giảm khả năng nghe nói, học kém, mệt mỏi. Về lâu dài sẽ có biểu hiện da xanh, cơ thể gầy yếu do thiếu máu. Tuy nhiên, do phần lớn trẻ nhiễm độc chì không có biểu hiện điển hình nên người lớn thường chủ quan, không nghĩ thuốc cam lại có thể gây hậu quả nặng nề như vậy.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm