Tại sao di chuyển bằng đường hàng không ở Nepal lại tiềm ẩn nhiều rủi ro?

(PLO)- Dù ban tặng cho Nepal những cảnh quang hùng vĩ, địa lý đã đặt ra những thách thức vô cùng lớn với ngành hàng không, khiến việc di chuyển bằng đường bay ở Nepal được đánh giá là một trong những hoạt động nguy hiểm nhất.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 15-1, máy bay mang số hiệu ATR 72-500 thuộc hãng hàng không Yeti Airlines của Nepal đã rơi gần sân bay quốc tế Pokhara ở nước này, khiến ít nhất 68 hành khách thiệt mạng. Đây là vụ tai nạn hàng không tồi tệ nhất ở Nepal kể từ năm 1992, theo hãng tin AP.

Theo thông tin từ Yeti Airlines, máy bay này đang trên đường từ thủ đô Kathmandu của Nepal đến Pokhara - TP lớn thứ hai của đất nước, nằm dọc theo dãy núi Annapurna được mô tả “đẹp như tranh vẽ”.

Một máy bay dân dụng của hãng hàng không Nepal Airlines. Ảnh: NAYA KHOJ/NEPALI TIMES

Một máy bay dân dụng của hãng hàng không Nepal Airlines. Ảnh: NAYA KHOJ/NEPALI TIMES

Dù độ cao của Nepal tạo ra những quang cảnh hùng vĩ và thu hút khách du lịch, nó cũng đặt ra những thách thức đáng kể cho ngành hàng không nước này, theo kênh Channel News Asia.

Địa lý - con dao hai lưỡi đối với phát triển du lịch ở Nepal

Nằm giữa Ấn Độ và Trung Quốc, Nepal là nằm dọc theo 8 trong số 14 ngọn núi cao nhất thế giới, bao gồm đỉnh Everest (hay Sagarmatha trong tiếng Nepal). Đối với các chuyến bay, địa hình núi cao tạo ra một môi trường cực kỳ khắc nghiệt. Thời tiết thay đổi đột ngột cũng góp phần khiến các hoạt động bay gặp nhiều trở ngại.

Các sân bay được xây dựng ở vùng núi thường có đường băng ngắn hơn. Các đường băng này chỉ phù hợp với máy bay sử dụng động cơ cánh quạt chứ không thể đáp ứng nhu cầu an toàn đối với các máy bay phản lực lớn.

Ngoài ra, các hãng hàng không Nepal đang có nhiều loại máy bay ở các tình trạng khác nhau, tiềm ẩn những mối nguy hiểm về an toàn. Dòng máy bay ATR 72 là một trong những dòng được sử dụng phổ biến ở Nepal. Các máy bay này sử dụng động cơ cánh quạt có sức chứa từ 44 đến 78 hành khách. Chiếc máy bay xấu số gặp nạn hôm 15-1 đã hoạt động được 15 năm - một độ tuổi tương đối lớn đối với một máy bay dân dụng.

Cơ sở hạ tầng tỉ lệ nghịch với sự phát triển của ngành hàng không

Nepal khuyến khích đầu tư tư nhân vào lĩnh vực hàng không từ năm 1992. Yeti Airlines là một trong 20 hãng hàng không nội địa và có thể bay tới 10 sân bay trong nước. Ngoài ra, 29 hàng hàng không quốc tế cũng đang hoạt động ở thủ đô của Nepal.

Hiện trường vụ rơi máy bay hôm 15-1. Ảnh: REUTERS

Hiện trường vụ rơi máy bay hôm 15-1. Ảnh: REUTERS

Tuy nhiên, sự phát triển cơ sở hạ tầng sân bay vẫn còn kém xa so với sự phát triển của giao thông hàng không. Điều này đã dẫn đến tình trạng tắc nghẽn ngày càng tăng tại các sân bay, cạnh tranh giá vé giữa các hãng hàng không và tiềm ẩn nhiều nguy cơ về an toàn bay.

Trên thực tế, nước này đã ghi nhận ít nhất 350 trường hợp thương vong có liên quan máy bay hoặc trực thăng kể từ năm 2000, điều này đặt ra câu hỏi về tính hiệu quả của các quy định an toàn hàng không.

Nỗ lực cải thiện an toàn bay

Nepal trở thành thành viên của Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO) trực thuộc Liên Hợp Quốc vào năm 1960. Tư cách thành viên này bắt buộc quốc gia phải tuân thủ các công ước quốc tế, quy định, tiêu chuẩn và khuyến nghị của ICAO về an toàn hàng không.

Dù ngành hàng không của Nepal đã có những nỗ lực đáng kể để cải thiện mức độ an toàn, các quy định về an toàn bay vẫn không phù hợp với yêu cầu của các cơ quan hàng không dân dụng khác.

Liên minh châu Âu đã cấm tất cả các hãng hàng không của Nepal hoạt động trong không phận của khối vào năm 2013. Lệnh cấm đó đến nay vẫn chưa được dỡ bỏ.

Trước tình hình đó, Nepal đã tăng cường nỗ lực cải thiện an toàn hàng không. Cơ quan Hàng không Dân dụng Nepal đã tập trung cải thiện an toàn trong ngành hàng không Nepal, bao gồm như cải tiến các sân bay, nâng cấp thiết bị an toàn và khuyến khích các bên lập tức báo cáo nguy cơ.

Sự cải thiện đáng kể của Nepal đối với các biện pháp an toàn và việc tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế đã được ICAO công nhận vào năm 2018. Tuy nhiên, quốc gia này phải tiếp tục cải cách ngành hàng không để đảm bảo an toàn cho các chuyến bay.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm