Bạn cứ thử một lần đồng hành chỉ một ngày với các em học sinh đang ở lứa tuổi mà hễ không vừa lòng điều gì có thể sẵn sàng nổi khùng.
Thử đối mặt với những lỗi vi phạm cực kỳ ngớ ngẩn nhưng cứ lặp đi lặp lại nhiều lần cùng những lời biện minh hết sức ngây ngô đôi khi cực kỳ vô lý (thực ra là ngụy biện) của đám học trò thì bạn sẽ hiểu tại sao tôi lại nói nghề giáo cần chữ "nhẫn" nhiều hơn!
Bạn có thể tưởng tượng một ngày làm việc của những giáo viên kiêm công tác chủ nhiệm nó sẽ như sau: Việc đầu tiên đến trường là qua lớp chủ nhiệm nhắc nhở việc bài vở, quán triệt tinh thần, ý thức học hành... Lâu lâu (thầy cô chủ nhiệm mà vui tính) đổi không khí thì kể cho chúng nghe một vài câu chuyện hài hước, bật một vài bài nhạc sôi động...
Rồi sau 15 phút chào hỏi tạo động lực ấy các thầy cô bắt đầu mang nhiệt huyết nghề nghiệp "chiến đấu" với các tiết dạy. Thỉnh thoảng trống tiết thì lại ghé qua lớp xem tình hình học tập của đám con thơ như thế nào!
Cảm giác may mắn và bình yên nhất là hôm ấy đàn con thơ không có vấn đề gì xảy ra. Nhưng số ngày như thế ít lắm! Thường thì sẽ "Cô ơi cô bạn abc giấu dép của con"; "bạn xyz ngồi trong lớp cứ lấy thước kẻ chọc vào người con"; "con bị mất cái này cái kia"... Ôi thôi đủ thứ trên đời! Nhưng những thứ ấy như cơm bữa nghe riết rồi cũng quen. Hôm nào không thấy thì lại nhớ.
Một nỗi sợ hãi ám ảnh nữa mang tên "giấc mơ trưa". Đàn con thơ sau khi ăn xong sẽ ào vào phòng bán trú và những chú chim ri bắt đầu hoạt động khoảng 5-10 phút rồi nhỏ dần nhỏ dần và chìm vào những "giấc mơ thần tiên". Cái khổ nhất là các con đang chuẩn bị gặp được hoàng tử và công chúa thì... chuông báo thức vang lên. Thế là các thầy cô sẽ lại phải đóng vai mụ phù thủy lôi các con ra khỏi thế giới cổ tích để trở về với hiện thực. Và thế là cuộc chiến đấu lại bắt đầu...
Nhưng những thứ ấy đối với giáo viên chưa thấm vào đâu. Điều sợ, ngại nhất, tốn tâm lực nhất là chuyện "tình yêu" lứa đôi của các bạn trẻ! Ôi những con tim "vắt mũi chưa sạch" đang đập loạn nhịp mới khó làm sao! Và làm thế nào để các thầy cô cho chúng đập được đúng nhịp đây quả là bài toán hóc búa (nhưng nhất định phải giải tốt)!
Và còn một chuyện xảy ra như cơm bữa ấy là "quên" làm bài tập, đi học muộn, sai đồng phục... Nghiệp giáo viên chúng ta cứ xác định sẽ không bao giờ xử lý triệt để được những lỗi ấy đâu. Cho nên hãy thật sự "nhẫn" để xử lý những lỗi vi phạm ấy. Đừng nóng giận cho rằng tại sao có mỗi việc ấy mà không làm được, để rồi đưa đến những hình thức kỷ luật thiếu tính sư phạm như bắt quỳ, súc miệng bằng nước giặt khăn lau, hay im lặng không nói gì khi vào lớp nhé.
Chưa hết đâu... chúng ta còn phải là những nhà tâm lý để kiên nhẫn lắng nghe những tâm sự của tuổi mới lớn, cái tuổi mà đang cười nhưng lại "bỗng dưng muốn khóc". Nhưng điều này thì chưa hẳn giáo viên nào cũng "được" tin tưởng để các con tâm sự đâu ạ! Và đôi khi còn là những thám tử, cảnh sát điều tra là luật sư để tìm để phá án. Và nếu có thể còn là luật sư để bào chữa cho những lầm lỡ của các con trước hội đồng kỷ luật nhà trường để mong được hưởng "khoan hồng".
Như thế đã hết chưa nhỉ? Hình như là chưa. Vẫn còn một việc nữa khá quan trọng của giáo viên trong thời đại công nghệ thông tin đó là vào cuối ngày sẽ cập nhật những tin tức của con ở trường về cho các bố mẹ. Sau đó thì có thể (có thể thôi nhé vì không phải ngày nào cũng thế) tiếp những cuộc điện thoại từ phụ huynh hoặc trả lời tin nhắn, các câu hỏi của các bố mẹ trong nhóm zalo hoặc FB để giải thích hoặc trao đổi thống nhất những phương án "hành động" nhằm thay đổi nhận thức hoặc hành vi của học trò... Cái này đôi khi cũng khá thú vị cảm giác như một hội nói "tốt" con cái í.
Đấy các bạn ạ, công việc sơ qua của một giáo viên trong thời đại mới là như thế!
Cho nên những bạn nào có ý định chọn nghề sư phạm hãy cân nhắc thật kỹ xem mình có đủ "nhẫn" để hằng ngày đối mặt, xử lý linh hoạt, mềm dẻo những công việc ấy mà không gây ra cho mình những căng thẳng hoặc áp lực quá lớn hay không.
Với những thầy cô đủ "tâm" và "nhẫn" thì nghề giáo thực sự là một nghề vinh quang vì niềm vui mà những thế hệ học trò mang lại là những thứ quý giá mà tôi tin chẳng có bất kỳ nghề nào có được. Và tôi cũng tin những người thầy ấy không bao giờ để xảy ra những điều đáng tiếc như báo chí đã phản ánh những dạo gần đây.
Đành rằng ai cũng biết làm nghề gì cũng cần chữ "tâm" và chữ "nhẫn" nhưng nghề sư phạm thì cần hai chữ ấy nhiều hơn gấp bội lần! Bởi nếu không, chúng ta chẳng những làm méo mó hình ảnh của nghề giáo mà quan trọng hơn còn có thể làm hỏng cả một thế hệ!