Tạm dừng chương trình tuyển giáo viên Philippines


Giáo viên Philippines chuẩn bị làm bài thi tuyển để sang TP.HCM dạy tiếng Anh (ảnh chụp tại TP Manila, Philippines, đầu năm 2013) - Ảnh: Hà Bình

Những tháng cuối năm 2012, Sở GD-ĐT TP.HCM ráo riết chuẩn bị chương trình tuyển 100 giáo viên Philippines, từ việc cho các phòng GD-ĐT quận, huyện đăng ký đến việc cử chuyên gia đi tuyển người tại nước bạn...

Chủ trương này nằm trong khuôn khổ đề án “Phổ cập và nâng cao năng lực sử dụng tiếng Anh cho học sinh phổ thông và chuyên nghiệp TP.HCM giai đoạn 2011-2020” nhằm tạo môi trường ngôn ngữ, nâng cao năng lực nghe nói tiếng Anh cho giáo viên và học sinh.

Chỉ được một học kỳ

Đầu năm học 2012-2013 khi nghe tin Sở GD-ĐT TP.HCM có chủ trương tuyển 100 giáo viên Philippines với mục đích thí điểm giảng dạy tại các trường tiểu học, THCS, nhiều trường đã kỳ vọng vào sự thay đổi chất lượng dạy, học tiếng Anh từ chương trình này.

Thế nên khoảng tháng 1-2013, khi sở tuyển được 13 giáo viên Philippines, dù thời điểm đó đã ngấp nghé nửa năm học nhưng nhiều trường vẫn đăng ký đưa giáo viên Philippines vào dạy tiếng Anh.

Học kỳ 2 năm học 2012-2013, việc dạy - học tiếng Anh tăng cường ở một số trường tiểu học, THCS của tám quận, huyện tại TP.HCM (gồm quận 1, 2, 5, 7, 9, Phú Nhuận, Bình Thạnh và Củ Chi) khác trước vì có sự đứng lớp của giáo viên Philippines bên cạnh giáo viên Việt Nam như trước.

Năm học 2012-2013 có khoảng 28 trường tiểu học, THCS muốn có giáo viên Philippines. Để có được một giáo viên Philippines, một số trường phải làm theo phương án “chung sức, chung tiền, chia sẻ giáo viên” vì lương phải trả cho các giáo viên này lên đến 2.000 USD/tháng. Quận 9 và quận 5 đã thực hiện phương án này.

Thầy Cao Văn Đưa, hiệu trưởng Trường THCS Hoa Lư (Q.9), một trong những trường nhận giáo viên Philippines trong năm học 2012-2013, cho biết để có quỹ lương trả đủ cho giáo viên Philippines, trường đã “chung sức” với THCS Tân Phú và THCS Trần Quốc Toản vì ba trường không cách xa nhau.

Tại đây, giáo viên Philippines được phân công dạy 12 tiết/tuần trong các lớp tăng cường tiếng Anh.

Đầu năm học 2013-2014, nhiều trường tiểu học, THCS trong diện đã nhận giáo viên Philippines trước đó muốn có lại đội ngũ này.

Theo đánh giá của ông Ngô Xuân Đông (trưởng Phòng GD-ĐT quận 7) và thầy trò Trường tiểu học Lương Thế Vinh, giáo viên Philippines làm việc một học kỳ tại trường này có chuyên môn tốt và ngay cuối năm học đó nhà trường cũng mong muốn giữ lại nhưng không hiểu sao không được phân về.

Tương tự, những trường đã đăng ký nhận giáo viên Philippines trong năm học 2013-2014 cũng không nhận được và theo một hiệu trưởng thì họ không nhận được thông báo nào về việc ngưng cung cấp đội ngũ giáo viên Philippines.

Đến tháng 8-2014, khi trả lời PV, các trường cho biết họ cũng không rõ lý do vì sao lại ngưng chương trình này.

Giáo viên về Đồng Nai, Bình Dương

Năm học 2013-2014 TP.HCM không tiếp tục thực hiện chương trình giáo viên Philippines, 13 giáo viên từng dạy tại TP.HCM được chuyển đi đâu hay về nước?

Trao đổi với một trong những giáo viên này, chúng tôi được biết phần lớn trong số họ được chuyển đến làm công việc tương tự tại Đồng Nai, Bình Dương.

Theo số liệu Tuổi Trẻ có được, hiện nay có khoảng 70 giáo viên Philippines đang làm việc tại các tỉnh thành Đồng Nai, Bình Dương, Bạc Liêu, Hà Nội, trong đó chủ yếu là ở Đồng Nai, Bình Dương.

Theo một vài giáo viên Philippines đã dạy ở trường tiểu học, THCS của TP.HCM trong năm học 2012-2013, họ thấy gắn bó với môi trường ở đây, các giáo viên Việt Nam và bản xứ đều khá thân thiện.

Tuy nhiên, theo tiết lộ, mức lương mà họ thực nhận tại Việt Nam không phải 2.000 USD/tháng.

“Mức lương mà chúng tôi nhận (bao gồm cả tiền sinh hoạt, nhà ở) theo hợp đồng thậm chí không được 1/2 mức 2.000 USD/tháng, nhiều lắm chỉ 900 USD/tháng. Nên khi một số giáo viên người Việt hỏi tôi về mức lương và cho tôi biết mức lương mà các trường phải trả là 2.000 USD/tháng tôi cũng hơi buồn. Tuy nhiên, tôi đã ký hợp đồng rồi nên cũng không băn khoăn lắm về chuyện này” - một giáo viên Philippines nói.

Những giáo viên Philippines từng dạy ở TP.HCM trong năm học 2012-2013 được ký hợp đồng từ tháng 1-2013 và hợp đồng đó kết thúc vào tháng 1-2015, nên họ đã được chuyển đi các tỉnh, thành khác chứ không về nước.

Khuyến khíchsử dụng giáo viên bản ngữ

Theo ông Nguyễn Văn Hiếu - phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, việc giáo viên tiếng Anh người bản ngữ giảng dạy trong trường phổ thông là rất cần thiết.

Họ không chỉ dạy từng tiết học trên lớp rất tốt mà quan trọng hơn họ tạo ra một môi trường ngôn ngữ cho cả giáo viên tiếng Anh người Việt của trường.

Điều này vừa tác động trực tiếp và gián tiếp đến hiệu quả của dạy và học tiếng Anh trong nhà trường. Thế nên hiện nay Sở GD-ĐT TP.HCM vẫn khuyến khích các trường sử dụng giáo viên bản ngữ theo hướng không chỉ giảng dạy trên lớp theo giờ, theo tiết mà tham gia cả các hoạt động ngoài giờ lên lớp, tham gia sinh hoạt bộ môn để tạo môi trường tương tác ngôn ngữ cao hơn.

Ngoài ra, sở cũng đang bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên tiếng Anh người Việt đạt chuẩn theo quy định (B2 đối với tiểu học, THCS; C1 đối với THPT).

 

Do siêu bão Haiyan

Ông Nguyễn Văn Hiếu, phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, cho biết năm học 2012-2013 là năm học thứ hai Sở GD-ĐT TP.HCM triển khai thực hiện đề án phổ cập và nâng cao năng lực sử dụng tiếng Anh cho học sinh TP. Để nâng cao chất lượng đội ngũ giảng dạy tiếng Anh, ngoài việc cử giáo viên tham gia các lớp bồi dưỡng nâng cao trình độ, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ do sở tổ chức, nhiều trường đã chủ động mời giáo viên bản ngữ người Anh, Úc, Mỹ... giảng dạy mang lại hiệu quả rất tốt trong thời gian qua.

Bên cạnh đó một số trường có nhu cầu tuyển dụng giáo viên bản ngữ với mức chi phí phù hợp điều kiện đóng góp của phụ huynh học sinh, được sự đồng ý của UBND TP, Sở GD-ĐT TP.HCM quyết định chọn giáo viên bản ngữ người Philippines giới thiệu cho các trường sử dụng trong năm học 2012-2013. Mục đích tăng cường khả năng nghe, nói cho học sinh, tạo môi trường giao tiếp ngôn ngữ trong nhà trường. Yêu cầu giáo viên Philippines ngoài giờ dạy trên lớp cùng sinh hoạt chuyên môn với tổ tiếng Anh các trường, tham gia các hoạt động với nhà trường.

Để tuyển được giáo viên Philippines có trình độ chuyên môn, năng lực đáp ứng yêu cầu của các trường, sở đã tổ chức nghiên cứu hồ sơ và phỏng vấn trực tiếp gần 40 ứng viên để chọn được 13 giáo viên. Số giáo viên này được phân công về giảng dạy tiếng Anh tại tám quận, huyện. Sau một học kỳ giảng dạy, tổ trưởng tổ tiếng Anh của các trường đánh giá rất cao khả năng giảng dạy của giáo viên Philippines, khả năng hòa nhập của họ rất tốt, rất gần gũi với học sinh, làm cho môi trường ngôn ngữ trong nhà trường sống động hơn. Chuyên viên sở nhận định chất lượng giáo viên Philippines tốt, phát âm chuẩn, chuyên môn vững vàng, nhiệt tình và tận tụy với học sinh.

Bên cạnh những thuận lợi đó, việc đưa giáo viên Philippines xuống trường cũng có khó khăn. Lúc đầu dự kiến chi phí cho các giáo viên này sẽ do ngân sách TP chi trả, nhưng sau khi các sở ngành có ý kiến đề nghị xã hội hóa thì số lượng các trường đăng ký cũng giảm. Năm học 2013-2014, sở cũng có kế hoạch tiếp tục đưa giáo viên Philippines xuống các trường.

Nhưng theo đơn vị đối tác cung cấp giáo viên, trong quá trình chuẩn bị sang Việt Nam, bản thân và gia đình một số giáo viên Philippines phải hứng chịu siêu bão Haiyan vào tháng 11-2013 làm mất sạch nhà cửa, giấy tờ nên họ không thể hoàn tất hồ sơ xuất cảnh sang Việt Nam.

Vì lý do khách quan đó, Sở GD-ĐT TP.HCM thấy nếu tiếp tục kéo dài đến giữa năm học thì bị động cho phía trường nên quyết định không sử dụng giáo viên Philippines nữa. Lúc này, sở cho phép các trường chủ động mời giáo viên người Anh, Úc, Mỹ... với nguồn là các trung tâm ngoại ngữ có thẩm định chuyên môn của sở, hoặc sử dụng các giáo viên bản ngữ đã hợp đồng lâu năm với trường trước đó. Với những lý do trên, hiện Sở GD-ĐT TP.HCM tạm thời dừng triển khai chương trình tuyển dụng giáo viên bản ngữ người Philippines.

Theo MỸ DUNG (TTO)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới