Tạm giữ hình sự: Để tránh oan, sai!

Luật cho một số cơ quan tiến hành hoạt động điều tra nhưng không cho họ quyền tạm giữ liệu đã phù hợp?

Mới đây, gửi đơn phản ánh đến các cơ quan báo chí, bà N. trình bày rằng do nghi ngờ bà đã mua một bức tượng đồng của kẻ trộm, nửa đêm công an một huyện của tỉnh H. đã xông vào lục soát nhà rồi dẫn giải cả nhà bà về trụ sở mà không có lệnh khám nhà, bắt người.

Tạm giữ… 10 ngày

Sau khi lấy lời khai ban đầu, những người khác được thả về, còn bà N. bị tạm giữ. 10 ngày sau công an huyện mới thả bà ra kèm theo lời nhắn: “Khi nào chúng tôi có giấy triệu tập thì bà phải trình diện ngay”.

Theo bà N., việc mới chỉ nghi ngờ bà phạm tội nhưng công an huyện tạm giữ bà 10 ngày, lại không hề có một quyết định nào là trái luật. Bởi theo Điều 87 Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS), thời hạn tạm giữ không được quá ba ngày kể từ khi cơ quan điều tra nhận người bị bắt. Trường hợp cần thiết, người ra quyết định tạm giữ có thể gia hạn tạm giữ nhưng không quá ba ngày. Trong trường hợp đặc biệt, người ra quyết định tạm giữ có thể gia hạn tạm giữ lần thứ hai nhưng không quá ba ngày. Mọi trường hợp gia hạn tạm giữ đều phải được VKS phê chuẩn…

Vụ án “Con bị xâm hại, mẹ thành bị can” mà báo chí từng phản ánh là một ví dụ về chuyện nóng vội tạm giữ, tạm giam thiếu căn cứ. Theo hồ sơ, năm 2010, đứa con gái 13 tuổi của bà BTĐ (giáo viên một trường THCS ở TP Sơn La) bị kẻ xấu cưỡng bức. Vì sợ làm to chuyện thì mang tiếng, ảnh hưởng đến tương lai của con, bà Đ. đã đồng ý nhận 130 triệu đồng tiền bồi thường và lời xin lỗi của kẻ gây án trước sự chứng kiến của công an phường. Nhưng sau đó, Công an TP Sơn La lại đến khám nhà và đưa bà về trụ sở, ra quyết định tạm giữ, sau đó tạm giam về hành vi cưỡng đoạt tài sản. Sau 23 ngày tạm giam, Công an TP Sơn La phải thả bà về và tuyên bố bà không phạm tội, quá trình tạm giữ, tạm giam là sai. Sau khi VKSND Tối cao vào cuộc, bà Đ. được Công an TP Sơn La tổ chức xin lỗi công khai và bồi thường oan.

Tạm giữ hình sự: Để tránh oan, sai! ảnh 1

Việc tạm giữ hình sự sai đã xảy ra không ít với các vụ án hình sự nhỏ, không bắt buộc phải có luật sư tham gia. Ảnh: HTD

Còn những điểm chưa rõ

Theo nhiều chuyên gia, việc tạm giữ hình sự sai đã xảy ra không ít, nhất là với các vụ án hình sự nhỏ, ít nghiêm trọng, không bắt buộc phải có luật sư tham gia. Nhiều vụ tạm giữ hình sự nhưng sau đó phải chuyển qua xử lý hành chính gia tăng (gần 7% số người bị tạm giữ hằng năm). Ngoài nguyên nhân chủ quan từ phía người có thẩm quyền thì còn có một nguyên nhân khác là quy định về thủ tục tạm giữ hình sự chưa chi tiết.

Cụ thể, theo khoản 1 Điều 86 BLTTHS, tạm giữ có thể áp dụng đối với những người bị bắt trong trường hợp khẩn cấp hoặc phạm tội quả tang, người phạm tội tự thú, đầu thú hoặc đối với người bị bắt theo quyết định truy nã. Luật dùng từ có tính tùy nghi là “có thể”, vậy khi nào người có thẩm quyền ra quyết định tạm giữ, khi nào không? Những người này được giao quyền tự đánh giá và quyết định, làm sao tránh khỏi chuyện lạm quyền như tạm giữ người chưa thành niên, người phạm tội ít nghiêm trọng, không thuộc trường hợp bắt quả tang, bị truy nã…

Một vấn đề khác, theo luật, thời hạn tạm giữ người sẽ hết vào lúc 24 giờ của ngày hết hạn, không cần biết trước đó nghi can bị bắt giữ vào lúc mấy giờ. Thời điểm ra lệnh tạm giữ chỉ có ý nghĩa để tính theo ngày chứ không tính theo giờ. Theo nhiều chuyên gia, nên sửa cụm từ “ba ngày” trong luật thành “72 giờ” thì sẽ hợp lý hơn.

Ngoài ra, BLTTHS còn bỏ ngỏ, chưa quy định thời hạn tạm giữ trong trường hợp người ra quyết định là chỉ huy đơn vị quân đội độc lập cấp trung đoàn, người chỉ huy đồn biên phòng ở hải đảo và biên giới, người chỉ huy máy bay, tàu trên biển khi máy bay, tàu biển đã rời khỏi sân bay, bến cảng… Cạnh đó, trường hợp cơ quan, tổ chức bình thường bắt được người trốn truy nã, phải giữ nghi can trong khi chờ cơ quan có thẩm quyền đến nhận người thì sao? Chuyện này cũng cần phải được luật hóa bởi không ai bị tạm giữ mà không có quyết định của cơ quan có thẩm quyền.

Cho điều tra, không cho tạm giữ

Điều 111 BLTTHS cho phép bộ đội biên phòng, hải quan, kiểm lâm, lực lượng cảnh sát biển có quyền tiến hành hoạt động điều tra khi phát hiện tội phạm trong lĩnh vực quản lý. Nếu là tội phạm ít nghiêm trọng trong trường hợp phạm tội quả tang, chứng cứ, lai lịch người phạm tội rõ ràng, họ có quyền khởi tố vụ án, khởi tố bị can, tiến hành điều tra và chuyển hồ sơ cho VKS có thẩm quyền trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày ra quyết định khởi tố vụ án. Nếu là tội phạm nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng hoặc tội phạm ít nghiêm trọng nhưng phức tạp thì họ ra quyết định khởi tố vụ án, tiến hành những hoạt động điều tra ban đầu và chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra có thẩm quyền trong thời hạn bảy ngày kể từ ngày ra quyết định khởi tố vụ án.

Trong các hội thảo, hội nghị về tố tụng hình sự, rất nhiều lần đại diện các cơ quan này đã phàn nàn rằng quy định chưa hợp lý ở chỗ không cho họ quyền được tạm giữ hình sự nghi can. Trong một số trường hợp cần thiết phải tạm giữ để phục vụ hoạt động điều tra, các cơ quan này phải liên lạc để xin lệnh tạm giữ của các cơ quan khác có thẩm quyền, rất nhiêu khê và phiền hà.

Có quyền cũng như không

Việc luật không cho hải quan quyền tạm giữ hình sự làm chúng tôi gặp nhiều khó khăn trong hoạt động điều tra. Bởi trong lĩnh vực của hải quan có nhiều loại tội phạm nguy hiểm, xuyên quốc gia…, địa bàn quản lý lại thường gần biên giới, chỉ cần một thời gian ngắn là người phạm tội có thể bỏ trốn. Nhưng ngoài việc bắt quả tang, còn lại chúng tôi chỉ được áp dụng các biện pháp ngăn chặn hành chính là không ổn. Thực tế nhiều vụ chúng tôi phát hiện tội phạm nhưng không có quyền tạm giữ nên khi ra quyết định khởi tố xong thì đối tượng đã trốn thoát.

ThS NGUYỄN VĂN LỊCH, Cục Điều tra chống buôn lậu
(Tổng cục Hải quan)

Thêm người có quyền tạm giữ

Luật quy định bốn nhóm người có quyền ra lệnh bắt khẩn cấp, tạm giữ: thủ trưởng, phó thủ trưởng cơ quan điều tra các cấp (công an, quân đội, VKSND Tối cao…); người chỉ huy đơn vị quân đội độc lập cấp trung đoàn và tương đương; người chỉ huy đồn biên phòng ở hải đảo và biên giới; người chỉ huy tàu bay, sân bay, tàu biển khi tàu bay, tàu biển đã rời sân bay, bến cảng; chỉ huy trưởng vùng cảnh sát biển. Tôi nghĩ cần bổ sung thêm nhóm người có thẩm quyền ra lệnh tạm giữ là trưởng công an, phó trưởng công an cấp huyện; thủ trưởng, phó thủ trưởng cơ quan điều tra cấp tỉnh nơi bắt người bị truy nã.

Luật sư NGUYỄN HẢI VÂN, Giám đốc Công ty Luật hợp danh Đông Á (TP.HCM)

THANH TÙNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm