Ngày 10-11 có thể được xem là ngày “điểm nóng” trong khuôn khổ Tuần lễ cấp cao APEC 2017 diễn ra tại Đà Nẵng với sự cùng có mặt của lãnh đạo các nền kinh tế lớn trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Gồm có: Tổng thống Nga Putin, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng thống Mỹ Donalp Trump, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long…
Không khí APEC trở nên “nóng” hơn khi nhà lãnh đạo của hai nền kinh tế lớn nhất, nhì thế giới hiện nay là Mỹ và Trung Quốc ngay sau khi đáp xuống sân bay Đà Nẵng vào buổi trưa đều tới thẳng Hội nghị Thượng đỉnh doanh nghiệp APEC 2017 và có bài phát biểu ấn tượng tại đây.
Chủ tịch TQ: Thúc đẩy nền kinh tế mở, có lợi cho tất cả
Trong bài phát biểu của mình, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình kêu gọi bảo vệ toàn cầu hóa như một “xu thế lịch sử không thể đảo ngược”. Ông Tập cho rằng môi trường kinh tế toàn cầu đang thay đổi, đòi hỏi quản trị toàn cầu cũng thay đổi.
“Chúng ta cần phải thượng tôn chủ nghĩa đa phương, cùng theo đuổi phát triển chung. Thông qua việc xây dựng các mối quan hệ đối tác và xây dựng một cộng đồng chung vì tương lai của loài người. Tôi tin rằng đây là điều chúng ta cần phải làm để tiến hành việc quản trị kinh tế toàn cầu trong thời gian tới” - ông Tập Cận Bình nhấn mạnh.
Ông Tập Cận Bình cho rằng các nước châu Á-Thái Bình Dương cần phải có trách nhiệm và đưa đến tương lai tươi sáng hơn với ba mục tiêu:
Thứ nhất, thúc đẩy nền kinh tế mở, có lợi cho tất cả mọi người. Theo đó, cần phải thiết lập một hệ thống khu vực đảm bảo quá trình tham vấn giữa các nước một cách ngang hàng nhau cũng như việc xây dựng một hệ thống kinh tế châu Á-Thái Bình Dương mở cửa, tự do và tạo điều kiện cho thương mại, đầu tư.
“Chúng ta cần phải khiến cho quá trình toàn cầu hóa mở cửa hơn, bao trùm hơn và cân bằng hơn, để mang lại lợi ích cho các quốc gia và các tầng lớp người dân khác nhau”. Ông Tập nói thế và ủng hộ hệ thống thương mại đa biên…
Thứ hai là theo dõi phát triển sáng tạo và động lực mới cho phát triển. Ông Tập cho rằng trên cơ sở này phải đổi mới mô hình tăng trưởng...; loại bỏ những hàng rào cản trở sự tạo ra động lực mới cho thị trường.
Thứ ba là phát triển kết nối là nhằm mang lại lợi ích chung và các bên cùng thắng. Lợi ích của các quan hệ là không rời nhau. Theo đó, ông Tập cho rằng cần tiếp tục phát triển kinh tế bao trùm hơn, mang lại lợi ích cho người dân. “Nếu chúng ta muốn mang lại lợi ích phát triển cho các quốc gia trên khắp thế giới, khắp xã hội, muốn biến tầm nhìn thành hiện thực thì phải nỗ lực hết sức mình” - ông Tập nói.
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh Doanh nghiệp APEC 2017 (CEO Summit 2017). Ảnh: TTXVN
Tổng thống Trump: “Nước Mỹ là trước tiên”
Trước đó, chủ đề trọng điểm mà bài phát biểu của Tổng thống Trump là vấn đề mất cân bằng thương mại. Tổng thống Trump một lần nữa tái khẳng định chính sách “nước Mỹ là trên hết”.
“Tôi sẽ luôn đặt nước Mỹ lên trước tiên. Từ nay chúng tôi sẽ cạnh tranh trên cơ sở công bằng và bình đẳng”. Ông Trump nhấn mạnh như thế và cho hay: “Mỹ sẽ không tiếp tục dung thứ cho hành vi ăn cắp quyền sở hữu trí tuệ một cách trắng trợn”.
Ông Trump cho rằng trong khi Mỹ tuân thủ theo các nguyên tắc của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), nước này lại bị lợi dụng bởi những quốc gia ngó lơ luật lệ, thực hiện những chính sách gây hại như phá giá, chi phối tiền tệ và trợ giá hàng hóa.
Phát biểu trước các lãnh đạo doanh nghiệp tại hội nghị thượng đỉnh, Tổng thống Mỹ khẳng định ông rất sẵn lòng tham gia các thỏa thuận thương mại song phương nhưng chỉ với điều kiện đây là các thỏa thuận công bằng.
Tổng thống Mỹ cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của thúc đẩy một môi trường thương mại mở cửa và tự do cho khu vực: “Chúng ta chia sẻ và hưởng lợi từ một Ấn Độ-Thái Bình Dương mở và tự do”. Tổng thống Mỹ cho rằng an ninh và thịnh vượng của nước Mỹ phụ thuộc vào khu vực này.
“Giấc mơ Ấn Độ-Thái Bình Dương này, chúng ta cần đảm bảo rằng tất cả phải tuân thủ theo những quy định. Những ai tuân thủ chúng tôi sẽ hợp tác, những ai không tuân thủ Mỹ sẽ không nhắm mắt làm ngơ” - ông Trump nói.