Ông Tập Cận Bình với 3 mục tiêu đưa ra tại APEC 2017

Theo ông Tập, khu vực châu Á-Thái Bình Dương nắm phần lớn kinh tế toàn cầu và là một động lực quan trọng nhất của tăng trưởng toàn cầu. Cộng đồng doanh nghiệp có những đóng góp quan trọng trong phát triển.

Phát triển không có điểm kết thúc

“Đó cũng là lý do vì sao trong các hội nghị của các nhà lãnh đạo APEC, tôi luôn luôn dành thời gian để gặp gỡ các nhà lãnh đạo doanh nghiệp, để thảo luận với các bạn những biện pháp, cách tiếp cận để đối mặt với các thách thức của chúng ta” - ông Tập nói.

Ông Tập cho hay đã qua 10 năm sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Trong thập niên vừa rồi, cộng đồng quốc tế đã hợp tác chặt chẽ cùng nhau để dẫn đường cho nền kinh tế toàn cầu phục hồi.

Nhờ những nỗ lực của chúng ta nền kinh tế toàn cầu đã được cải thiện, cho dù vẫn còn những nguy cơ và bất trắc. Thương mại và đầu tư toàn cầu đang phát triển trở lại. Mọi người ngày càng lạc quan về triển vọng của thị trường tài chính và tự tin quay trở lại ở tất cả ngành kinh tế.

Ông Tập Cận Bình nhấn mạnh: “Phát triển là một con đường không có điểm kết mà chỉ có những điểm bắt đầu, hết điểm bắt đầu nay lại đến điểm bắt đầu khác”.

Ông Tập Cận Bình cho rằng chúng ta cần theo dõi xu thế của nền kinh tế thế giới. Để nhận định được những chiều hướng mới, duy trì đúng đường hướng và theo đó mà hành động.

Sau khi tới sân bay Đà Nẵng, ông Tập Cận Bình tới thẳng Hội nghị thượng đỉnh CEO SUMMIT và có bài phát biểu tại đây. Ảnh: LÊ PHI

“Chúng ta đang chứng kiến những thay đổi sâu sắc trong động lực phát triển. Các quốc gia đang dựa vào cải cách và đổi mới để đối mặt với thách thức và tạo động lực để tăng trưởng” - ông Tập phân tích.

Theo ông Tập Cận Bình, sự phát triển mới của công nghệ và công nghiệp đang giành được thêm đà mới. Nền kinh tế số và kinh tế chia sẻ đang phát triển nhanh chóng. Những ngành công nghiệp mới, cũng như dạng thức thương mại mới đang phát triển nhanh chóng. Do đó những động lực mới của phát triển đang được tạo ra. Chúng ta đang chứng kiến những thay đổi trong mô thức phát triển.

Chúng ta đang chứng kiến những thay đổi sâu sắc trong quản trị toàn cầu. Môi trường kinh tế toàn cầu đang thay đổi, đòi hỏi quản trị toàn cầu cũng thay đổi.

“Chúng ta cần phải thượng tôn chủ nghĩa đa phương, cùng theo đuổi phát triển chung. Thông qua việc xây dựng các mối quan hệ đối tác và xây dựng một cộng đồng chung vì tương lai của loài người. Tôi tin rằng đây là điều chúng ta cần phải làm để tiến hành việc quản trị kinh tế toàn cầu trong thời gian tới” - ông Tập Cận Bình nhấn mạnh.

Ông Tập cũng đặt câu hỏi, đối mặt với những thay đổi toàn cầu như vậy thì chúng ta những nền kinh tế thành viên có nên cải cách và đổi mới hay không?

“Hay chúng ta chỉ ngờ vực và do dự. Chúng ta có nên dẫn đầu toàn cầu hoá kinh tế không, hay chúng ta dùng dằng và bỏ lỡ cơ hội này. Chúng ta có nên cùng nhau thúc đẩy hợp tác khu vực hay chúng ta mỗi nước đi một nơi. Câu trả lời của chúng ta là chúng ta phải đi cùng thời đại, chúng ta phải hợp tác với nhau để đưa đến một tương lai tươi sáng hơn” - ông Tập lập luận.

Cùng nhau nuôi dưỡng giấc mơ

Ông Tập Cận Bình cho rằng các nước châu Á-Thái Bình Dương cần nắm bắt cơ hội không để tụt hậu lại phía sau. Chúng ta phải có trách nhiệm và đưa đến tương lai tương sáng hơn với ba mục tiêu:

Thứ nhất, thúc đẩy nền kinh tế mở, có lợi cho tất cả mọi người.  Sự mở cửa sẽ mang lại cho ta sự tiến bộ, còn đóng cửa chúng ta sẽ bị bỏ lại phía sau. Các nền kinh tế châu Á-Thái Bình Dương hiểu điều này quá rõ. Chúng ta cần phải thiết lập một hệ thống khu vực đảm bảo quá trình tham vấn giữa các nước một cách ngang hàng nhau. Cũng như việc xây dựng một hệ thống kinh tế châu Á- Thái Bình Dương mở cửa, tự do và tạo điều kiện cho thương mại, đầu tư.

Ông Tập Cận Bình kêu gọi mở cửa, thúc đẩy đầu tư thương mại và tự do toàn cầu. Ảnh: LÊ PHI

“Chúng ta cần phải khiến cho quá trình toàn cầu hoá mở cửa hơn, bao trùm hơn và cân bằng hơn, để mang lại lợi ích cho các quốc gia và các tầng lớp người dân khác nhau” - ông Tập nói. 

Chúng ta cần phải ủng hộ hệ thống thương mại đa biên và tiến hành chủ nghĩa khu vực mở, để giúp cho các quốc gia đang phát triển hưởng lợi nhiều hơn từ thương mại và đầu tư toàn cầu.

“Việc xây dựng một khu vực thương mại tự do ở châu Á-Thái Bình Dương là giấc mơ mà chúng ta cùng nuôi dưỡng, của cộng đồng doanh nghiệp chúng ta. Chúng ta cần phải cùng nhau hành động thực hiện, tạo ra một thể chế và một nền kinh tế mở cho khu vực” - ông Tập nói.

Thứ hai là theo dõi phát triển sáng tạo và động lực mới cho phát triển. Sự phát triển của kinh tế thế giới được tạo ra mang tính chu kỳ. Việc thiếu những động lực là yếu tố làm gián đoạn phát triển kinh tế thế giới. Để tránh tình trạng này, chúng ta phải đổi mới mô hình tăng trưởng. Hãy nắm bắt cơ hội sáng tạo, đổi mới mô hình tăng trưởng, loại bỏ những hàng rào cản trở sự tạo ra động lực mới cho thị trường.

Thứ ba, là phát triển kết nối là nhằm mang lại lợi ích chung và các bên cùng thắng. Lợi ích của các quan hệ là không rời nhau.

Chúng ta cần tiếp tục phát triển kinh tế bao trùm hơn, mang lại lợi ích cho người dân. Sự cản trở toàn cầu hóa kinh tế ngày nay chủ yếu đến từ sự thiếu bao trùm trong quá trình phát triển. Nếu chúng ta muốn mang lại lợi ích phát triển cho các quốc gia trên khắp thế giới, khắp xã hội, muốn biến tầm nhìn thành hiện thực thì phải nỗ lực hết sức mình.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm