Tại cuộc họp báo Chính phủ chiều 29-4, báo chí đặt nhiều câu hỏi liên quan đến quá trình điều tra các vụ án nổi cộm, các sai phạm trên thị trường chứng khoán thời gian gần đây cũng như đã đến lúc coi COVID-19 như cúm mùa hay chưa.
Sẽ thanh tra, kiểm tra các công ty khi huy động vốn
Về những biện pháp làm lành mạnh hóa, minh bạch hóa thị trường chứng khoán và trái phiếu sau các vụ thao túng cổ phiếu và phát hành trái phiếu gần đây ở FLC, Tân Hoàng Minh và Louis Holding, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết: Cơ quan quản lý và cơ quan bảo vệ pháp luật đang xem xét, điều tra, xử lý và sẽ có kết luận.
Với trách nhiệm tổ chức việc giám sát thị trường chứng khoán (TTCK), ông Chi cho hay trước năm 2019, theo Luật Chứng khoán cũ, việc giám sát TTCK theo hai lớp là Sở Giao dịch chứng khoán và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.
Từ năm 2019, Luật Chứng khoán (sửa đổi) tăng cường thêm lớp rà soát trực tiếp của công ty chứng khoán ngay từ đầu tham gia thị trường.
Thứ trưởng Bộ Tài chính khẳng định thời gian qua, các sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM và Hà Nội đã giám sát và thực hiện cảnh báo, xử lý các vụ vi phạm theo phạm vi thẩm quyền.
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng thường xuyên, chủ động yêu cầu hai sở tăng cường giám sát chặt chẽ các mã giao dịch chứng khoán của các tổ chức niêm yết kinh doanh thua lỗ nhưng giá cổ phiếu lại tăng phiên liên tiếp. Với các giao dịch có khối lượng lớn, có dấu hiệu bất thường, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã tổ chức kiểm tra, chủ động và chuyển cơ quan công an xử lý theo thẩm quyền đối với các vụ việc vi phạm pháp luật như FLC, Tân Hoàng Minh…
|
Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi (trái) và Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên |
Nhằm bảo đảm TTCK được phát triển minh bạch, bền vững, ông Chi nêu sáu giải pháp của Bộ Tài chính, trong đó có việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý và tổ chức điều hành thị trường. Cùng với đó là tái cấu trúc TTCK, nâng cao đạo đức nghề nghiệp, chất lượng nghề nghiệp của các tổ chức cung cấp dịch vụ bao gồm công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ, công ty kiểm toán độc lập...
Giải pháp tiếp theo là phát triển các nhà đầu tư, thúc đẩy hình thành các quỹ đầu tư, định chế đầu tư chuyên nghiệp, nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, ưu tiên phát triển các nhà đầu tư dài hạn như các quỹ đầu tư, quỹ hưu trí tự nguyện, doanh nghiệp bảo hiểm…
Đồng thời nâng cao hiệu quả công tác giám sát; kiểm tra, kiểm toán báo cáo tài chính tại các đơn vị phát hành doanh nghiệp. Nếu phát hiện sai phạm sẽ xử lý nghiêm, kể cả các đơn vị kiểm toán độc lập...
Chưa quốc gia nào coi COVID-19 là bệnh lưu hành
Cũng tại cuộc họp báo, phóng viên đặt câu hỏi: Trong bối cảnh hiện tại, việc cách ly và thực hiện 5K có còn phù hợp nữa hay không? Bộ Y tế dự tính sẽ thay đổi như thế nào trong thời gian tới, đã đến lúc xem COVID-19 là bệnh lưu hành hoặc cúm mùa hay chưa?
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết 2K chúng ta thực hiện thường xuyên là đeo khẩu trang và rửa tay bằng nước sát khuẩn, xà phòng. 3K còn lại linh hoạt hơn, ví dụ như khai báo y tế, không tập trung đông người…
Cũng theo ông Tuyên, Việt Nam đã hoàn toàn mở cửa, ngoài những biện pháp 5K, chúng ta vẫn duy trì, đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine. Việt Nam là một trong sáu nước đứng ở tốp đầu về tốc độ phủ vaccine. Bộ Y tế đang giao cho Hội đồng vaccine họp và chuẩn bị hướng dẫn để tiêm mũi 4 cho các đối tượng từ 18 tuổi trở lên, đồng thời đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine cho trẻ em từ năm đến 11 tuổi.
Theo chỉ đạo của Thủ tướng, chúng ta hoàn thành tiêm cho các đối tượng trẻ em từ năm đến 11 tuổi chưa bị nhiễm SARS-CoV-2, cơ bản xong mũi 1, mũi 2 trong quý II.
Ông Tuyên đề nghị các cơ quan báo chí tuyên truyền, vận động các đối tượng đi tiêm vaccine mũi 3 và mũi 4 (sau khi có hướng dẫn tiêm mũi 4). Đặc biệt là tuyên truyền, vận động để các bậc phụ huynh đưa trẻ em đến các điểm tiêm nhằm đẩy nhanh tiến độ tiêm nhanh nhất và độ phủ rộng nhất.
Ông Tuyên cũng cho biết trên thế giới chưa có quốc gia nào coi COVID-19 là bệnh lưu hành. Tổ chức Y tế Thế giới cho rằng thế giới vẫn đang trong giai đoạn đại dịch và cảnh báo vẫn có thể xuất hiện các biến chủng mới.
“Chúng ta đang trong giai đoạn giữa đại dịch và bệnh lưu hành” - ông Tuyên nhấn mạnh và cho biết Bộ Y tế đang xây dựng phương án ứng phó để có biện pháp phòng chống dịch phù hợp, như điều chỉnh định nghĩa các ca bệnh, hướng dẫn biện pháp cách ly với người tiếp xúc gần.
Bộ cũng đã có hướng dẫn tạm dừng không áp dụng khai báo y tế tại các cửa khẩu, đặc biệt là cửa khẩu hàng không.
“Dịch của chúng ta đã được kiểm soát tốt. Nước ta có độ bao phủ vaccine lớn, tuy nhiên độ mở cửa của chúng ta cũng rất lớn. Trân trọng đề nghị các cơ quan báo chí tuyên truyền, vận động người dân không được lơ là, chủ quan trong công tác phòng chống dịch” - ông Tuyên nói.
Về các vụ án dư luận quan tâm như: Việt Á, FLC, Tân Hoàng Minh, Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao... Trung tướng Tô Ân Xô, người phát ngôn Bộ Công an, cho biết thời gian qua các cơ quan bảo vệ pháp luật đã tiến hành khởi tố và thông tin nhanh chóng, cởi mở trong khuôn khổ cho phép. Còn chi tiết về quá trình điều tra thì chưa thể thông tin.
Ông cũng cho biết bộ đã chỉ đạo các đơn vị như an ninh mạng, phòng chống tội phạm công nghệ cao, an ninh chính trị nội bộ, an ninh kinh tế… tập trung lực lượng áp dụng các biện pháp ngăn chặn, kiểm soát và răn đe, truy tố các cá nhân tung tin thất thiệt.