Chiều 27-5, Quốc hội tiếp tục phiên làm việc thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).
Có chính sách cho lao động nữ khi điều trị hiếm muộn
Quan tâm đến chế độ bảo hiểm xã hội cho lao động nữ, đại biểu Đỗ Đức Hiển (đoàn TP.HCM), cho biết kế thừa Luật bảo hiểm xã hội 2014, Điều 52 dự thảo Luật quy định lao động nữ khi sinh con phải đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 3-6 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh mới đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản.
Tuy nhiên, thực tế hiện nay có tình trạng người lao động bị hiếm muộn và nhiều trường hợp phải áp dụng các biện pháp y khoa để điều trị cho cả hai vợ chồng. Việc điều trị hiếm muộn thường tốn kém về chi phí và thời gian.
Trong khi đó, theo quy định Luật bảo hiểm xã hội hiện hành (khoản 3 Điều 85), người lao động không làm việc và không hưởng tiền lương từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng thì không đóng bảo hiểm xã hội tháng đó. Thời gian này không được tính để hưởng bảo hiểm xã hội.
Đại biểu Đỗ Đức Hiển cho rằng quy định nêu trên đã dẫn đến thực trạng là để đáp ứng yêu cầu điều trị hiếm muộn, lao động nữ sẽ bị gián đoạn thời gian đóng bảo hiểm xã hội. Lý do là họ phải nghỉ việc không lương trên 14 ngày trong tháng, kéo dài trong nhiều tháng; và do đó không đáp ứng được điều kiện đóng từ đủ 3-6 tháng trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con.
“Hệ quả là họ không được hưởng chế độ thai sản khi sinh con mặc dù trước đó đã có thời gian đóng bảo hiểm xã hội nhiều năm liên tục” – ông nói.
Để bảo đảm quyền lợi cho lao động nữ khi sinh con, ông Hiển đề nghị nghiên cứu, chỉnh lý Điều 52 của dự thảo Luật theo hướng không quy định điều kiện về thời gian đóng bảo hiểm xã hội trong 12 tháng trước khi sinh đối với lao động nữ thuộc trường hợp hiếm muộn khi sinh con.
Thay vào đó, chỉ cần quy định “có thời gian đóng bảo hiểm xã hội năm năm liên tục trở lên và có xác nhận của cơ sở khám chữa bệnh có thẩm quyền về việc điều trị hiếm muộn”.
Tăng ngày nghỉ chế độ thai sản cho nam giới
Đại biểu Lê Thị Thanh Lam (đoàn Hậu Giang) đề nghị trong thời gian mang thai, lao động nữ được nghỉ việc để đi khám thai “tối thiểu 5 lần”, thay vì “tối đa 5 lần” như dự thảo quy định.
Theo bà, đề nghị này xuất phát từ thực tế chỉ định của bác sĩ, cứ một tháng người lao động phải đi khám thai sản một lần để theo dõi sự phát triển của thai nhi.
“Nếu quy định chỉ được khám thai sản 5 lần trong thai kỳ thì lao động nữ sẽ phải nhiều lần phải xin nghỉ việc, nghỉ phép hoặc nghỉ khám bệnh không lương” - theo bà Lam.
Với lao động nam đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, dự thảo quy định khi vợ sinh con, họ cũng được nghỉ, hưởng theo chế độ thai sản. Cụ thể, lao động nam được nghỉ năm ngày làm việc khi vợ sinh con thông thường; bảy ngày làm việc khi vợ sinh con phải phẫu thuật, hoặc sinh con dưới 32 tuần tuổi. Trường hợp vợ sinh đôi, lao động nam được nghỉ 10 ngày làm việc, từ sinh 3 trở lên, cứ thêm mỗi con được nghỉ thêm ba ngày làm việc.
Nếu vợ sinh đôi mà phải phẫu thuật, lao động nam được nghỉ 14 ngày làm việc, từ sinh ba trở lên phải phẫu thuật, cứ thêm mỗi con được nghỉ thêm ba ngày làm việc.
Đại biểu Lam đề nghị nghiên cứu tăng số ngày nghỉ của lao động nam lên tối thiểu 10 ngày làm việc với trường hợp vợ sinh con thông thường và cao hơn đối với những trường hợp sinh đôi trở lên hoặc sinh phải phẫu thuật.
Điều này, theo bà Lam là để đảm bảo tính trách nhiệm và tạo điều kiện cho người cha hỗ trợ người mẹ trong quá trình chăm sóc con nhỏ.
Góp ý thêm về số lần khám thai trong thời gian mang thai, đại biểu Nguyễn Tri Thức (đoàn TP.HCM) cho biết theo quy định của Tổ chức Y tế thế giới, một chu kỳ khám thai là 5 lần nhưng nên chia ra thai bình thường và thai bệnh lý.
Thai bình thường là 5 lần, trung bình một lần khám chỉ một ngày, có những trường hợp đặc biệt là hai ngày, nhưng hai ngày đó phải chờ kết quả xét nghiệm và quay lại lấy kết quả.
Do đó, mình quy định hai ngày cũng nên quy định liên tiếp hoặc có khoảng cách để người ta chờ kết quả xét nghiệm. Thai bệnh lý nên để bác sĩ quyết định nghỉ bao nhiêu.
Trước đó, trong phiên thảo luận buổi sáng, đại biểu Trần Kim Yến (đoàn TP.HCM) đã dẫn báo cáo của Tổng cục Thống kê cho thấy tổng tỉ suất sinh của Việt Nam có xu hướng giảm trong những năm gần đây và được dự báo sẽ tiếp tục giảm trong những năm tiếp theo.
“Nếu mức sinh bình quân của phụ nữ 20 năm trước khoảng 3,4 thì đến năm 2020 là 2,05 và đến năm 2023 là 1,96; tại TP.HCM, mức sinh là 1,39” - bà Yến nói đồng thời nhắc tới xu hướng người trẻ không muốn kết hôn hiện nay.
Theo số liệu gần nhất của Tổng cục Thống kê, tỉ lệ người độc thân tại Việt Nam đang có xu hướng tăng nhanh từ 6,23% năm 2004 lên 10,1% năm 2019. Như vậy, trong vòng 15 năm, tỉ lệ người chọn không kết hôn đã tăng gần gấp đôi. Trong khi đó, tình trạng già hóa dân số kéo dài đã dẫn đến những hậu quả nặng nề ở nhiều nước phát triển, như thiếu hụt nguồn lao động, các vấn đề về chăm sóc người cao tuổi…
“Đây là một bài học lớn để Việt Nam quan tâm, xây dựng các chính sách, điều chỉnh mức sinh hợp lý nhằm duy trì lực lượng lao động bền vững trong tương lai” - bà Yến nói và thông tin kinh nghiệm của các nước trên thế giới cho thấy khi tổng tỉ suất sinh dưới 2 thì việc nâng lên ngưỡng an toàn rất khó.
Đại biểu Yến cũng cho biết đã đọc một bài báo nêu tại Việt Nam có khoảng 7,7% cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ, tương đương khoảng 1 triệu cặp vợ chồng bị vô sinh, hiếm muộn.
Lưu ý tỉ lệ vô sinh đang gia tăng, trong đó có khoảng 50% là cặp vợ chồng vô sinh có độ tuổi dưới 30, bà Yến đề xuất bổ sung chính sách nghỉ hưởng chế độ bảo hiểm xã hội khi đi khám và điều trị hiếm muộn.