Tăng tỉ lệ điều tiết: Tăng nguồn lực ​cho TP.HCM hồi phục, phát triển

Như Pháp Luật TP.HCM đã thông tin trên các số báo trước, nhiều ý kiến của đại biểu Quốc hội (ĐBQH) bày tỏ sự ủng hộ đối với việc tăng tỉ lệ điều tiết ngân sách cho TP.HCM. Liên quan đến vấn đề này, Pháp Luật TP.HCM có cuộc phỏng vấn với ĐBQH Đỗ Đức Hiển (Đoàn ĐBQH TP.HCM), Ủy viên thường trực Ủy ban Pháp luật của QH.

Tỉ lệ cần hài hòa trong tổng thể chung của ngân sách nhà nước

. Phóng viên: Liên quan đến vấn đề dự toán ngân sách nhà nước năm 2022, được biết thời gian qua TP.HCM đã nhiều lần đề xuất tăng tỉ lệ điều tiết ngân sách cho TP lên 23%. Đề xuất mới nhất từ Bộ Tài chính về con số này là 21%. Ý kiến của ông về điều này thế nào?

+ ĐBQH Đỗ Đức Hiển: Việc tăng tỉ lệ điều tiết ngân sách cho TP.HCM là chủ trương đã được đề ra cách đây gần 10 năm. Khi đó, tại Nghị quyết 16/2012 về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP.HCM đến năm 2020, Bộ Chính trị yêu cầu xem xét để tăng tỉ lệ điều tiết cho ngân sách TP đối với các nguồn thu có sự phân chia giữa trung ương và TP, thực hiện từ năm 2015. Sơ kết năm năm thực hiện nghị quyết này, tại Kết luận 21/2017, Bộ Chính trị cũng thẳng thắn nhận định một trong những hạn chế, khuyết điểm đó là tỉ lệ điều tiết ngân sách cho TP giai đoạn 2017-2020 không tăng mà còn bị giảm.

 Để tiếp tục thực hiện nghị quyết của Bộ Chính trị, tôi được biết trong thời gian qua TP đã xây dựng đề án Điều chỉnh tăng tỉ lệ điều tiết ngân sách cho TP.HCM giai đoạn 2022-2025. Thời gian gần đây, tại các buổi làm việc với TP.HCM, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng cơ bản đồng ý với đề xuất của TP về chủ trương báo cáo các cấp có thẩm quyền tăng tỉ lệ điều tiết ngân sách cho TP giai đoạn này. Qua đó sẽ tạo điều kiện cho TP phát triển nhanh, bền vững theo định hướng của Đảng, Nhà nước.

Do đó, tôi cho rằng việc Bộ Tài chính đề xuất Chính phủ trình QH tăng tỉ lệ điều tiết ngân sách cho TP so với hiện nay (18%) là hoàn toàn phù hợp, nhất là trong bối cảnh năm 2021, TP phải chịu tổn thất nặng nề bởi dịch COVID-19. Còn về con số cụ thể, Bộ Tài chính cần phối hợp với TP và các cơ quan liên quan đề xuất cụ thể nhằm bảo đảm khoa học, hợp lý, hài hòa và công bằng trong tổng thể chung của ngân sách nhà nước.

Tạo thêm nguồn lực để TP sớm vượt qua khó khăn

. Nhiều ý kiến cho rằng tăng tỉ lệ điều tiết ngân sách cho TP.HCM không chỉ tạo nguồn lực cho TP phát triển mà đó chính là gia tăng hiệu quả mang lại cho quốc gia, bởi TP.HCM là đầu tàu kinh tế của cả nước. Điều này cần được nhìn nhận như thế nào, thưa ông?

+ TP.HCM là đô thị đặc biệt, là đầu tàu kinh tế của cả nước. Những năm qua, với tinh thần “vì cả nước, cùng cả nước”, TP đã vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, đạt được những thành tựu to lớn, góp phần rất quan trọng vào thành công chung của cả nước. Và vì thế, mọi cơ chế, chính sách, trong đó có những chính sách đặc biệt, đặc thù mà trung ương cho phép áp dụng hoặc phân cấp cho TP cũng là nhằm tạo thêm sức mạnh, thêm điều kiện thuận lợi để TP phát triển, qua đó ngày càng thực hiện tốt hơn vai trò trung tâm của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và với cả nước.

Xét dưới góc độ ngân sách, theo phân tích của các chuyên gia trong lĩnh vực này, TP.HCM nhiều năm qua là địa phương có đóng góp lớn nhất cho ngân sách nhà nước nhưng cũng là địa phương có tỉ lệ chi ngân sách trên thu ngân sách thấp nhất.

Vì vậy, tôi nhận thấy việc tăng tỉ lệ điều tiết cho TP vào thời điểm này, khi mà TP vừa trải qua một thời gian dài gồng mình phòng chống dịch COVID-19, là hết sức có ý nghĩa, tạo thêm nguồn lực để TP sớm vượt qua khó khăn, khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội. Đây sẽ là một quyết sách đúng đắn, kịp thời trong tổng thể các chính sách mà Đảng, Nhà nước đã xác định để xây dựng, phát triển TP.

TP.HCM là đô thị đặc biệt, là đầu tàu kinh tế của cả nước. Trong ảnh: Hoạt động sản xuất ở một công ty may tại quận Tân Bình, TP.HCM.
Ảnh: NGUYỆT NHI

. Liệu QH có nên dành một nghị quyết đặc biệt cho TP.HCM để bảo đảm tỉ lệ điều tiết 23% không, thưa ông? Nếu có thì có thể hình dung về nghị quyết đặc biệt này thế nào?

+ Thời gian qua, QH, Ủy ban Thường vụ QH, Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản nhằm tạo điều kiện để phát triển TP. Riêng trong nhiệm kỳ QH khóa XIV, QH đã ban hành hai nghị quyết là Nghị quyết 54/2017 về thí điểm cơ chế đặc thù phát triển TP.HCM và Nghị quyết 131/2020 về tổ chức chính quyền đô thị tại TP.HCM. Các nghị quyết này đề ra nhiều chính sách, tạo cơ sở pháp lý và dư địa để TP vượt lên, trở thành đầu tàu, là hình mẫu của cải cách, đổi mới và phát triển của cả nước.

Còn về tỉ lệ điều tiết ngân sách, hiện nay theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, tỉ lệ này được xác định cho một thời kỳ ổn định ngân sách nhà nước là năm năm hoặc do QH xem xét, quyết định. Năm 2022 là năm đầu thời kỳ ổn định ngân sách mới. Tuy nhiên, dự toán ngân sách nhà nước năm 2022 được lập trong hoàn cảnh hết sức đặc biệt; ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19 có tác động lớn đến tình hình ngân sách.

Tôi cho rằng nếu lấy dự toán ngân sách năm 2022 để làm căn cứ xác định tỉ lệ điều tiết áp dụng cho cả thời kỳ ổn định ngân sách thì sẽ không hoàn toàn phù hợp. Sẽ là phù hợp hơn nếu Chính phủ trình QH cho phép xác định tỉ lệ điều tiết áp dụng riêng cho năm 2022, khi tình hình đi vào ổn định sẽ xác định lại nội dung này cho giai đoạn 2023-2025.

Tuy nhiên, trong cả hai trường hợp thì việc QH quyết định tỉ lệ điều tiết ngân sách của TP và cả các địa phương khác cũng sẽ được thực hiện trong cùng một văn bản mà không có nghị quyết riêng. Còn về con số cụ thể, như tôi đã nêu thì sẽ được QH xem xét, cân nhắc một cách phù hợp.

. Xin cám ơn ông.

Giúp TP.HCM làm tốt vai trò đầu tàu

Trước đó, trong dự thảo Báo cáo công khai dự toán ngân sách nhà nước năm 2022 và giai đoạn 2022-2024 để Chính phủ trình QH, Bộ Tài chính đã có đề xuất trình Chính phủ báo cáo QH xem xét nâng tỉ lệ điều tiết để lại cho ngân sách TP.HCM trong năm sau tăng lên 21% thay vì 18% như giai đoạn 2016-2021, tương ứng gần 6.000 tỉ đồng.

ĐBQH Trương Trọng Nghĩa khẳng định nếu được tăng tỉ lệ điều tiết ngân sách thì TP sẽ làm được vai trò là đầu tàu, động lực tăng trưởng, tạo được sự tác động lan tỏa, lôi kéo mạnh mẽ trong cả nước và khu vực. Ông cũng đồng thời đề xuất QH có thể có nghị quyết đặc biệt cho phép điều tiết ngân sách để lại cho TP tăng lên 23% kể từ năm 2022.

Trong khi đó, ĐBQH Trần Hoàng Ngân cũng cho rằng đề xuất tỉ lệ điều tiết để lại cho ngân sách TP.HCM tăng lên 21% là sự san sẻ của trung ương, của QH dành cho TP. Từ đó, giúp TP có nguồn lực để đầu tư vào hạ tầng, nhất là giao thông, xã hội, vấn đề nhà ở, chỉnh trang đô thị… 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới