Chiều 23-10, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 8, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc thừa ủy quyền của Thủ tướng trình bày Tờ trình về chủ trương đầu tư bổ sung vốn nhà nước tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Ngân hàng Vietcombank).
Đề xuất bổ sung 20.695 tỉ đồng vốn nhà nước cho Vietcombank
Theo tờ trình của Chính phủ, Ngân hàng Vietcombank luôn đóng vai trò tiên phong, đầu tàu trong thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, đồng thời là công cụ dẫn dắt thị trường, góp phần thực hiện chính sách tiền tệ, phục vụ mục tiêu ổn định vĩ mô.
Tuy nhiên, vốn điều lệ hiện nay của Ngân hàng Vietcombank là 55.891 tỉ đồng, thấp hơn nhiều so với nhiều ngân hàng TMCP tư nhân như VPBank, Techcombank... Vì vậy, nếu Ngân hàng Vietcombank không được tăng vốn điều lệ thì sẽ không thể đảm bảo vai trò chủ lực, định hướng thị trường ngân hàng.
Ngoài ra, việc tăng vốn cũng nhằm tạo điều kiện để Vietcombank đáp ứng các tỉ lệ an toàn vốn tối thiểu theo quy định hiện nay; giúp Vietcombank có tiềm lực để tiếp tục phát huy trong việc thực thi các chính sách của Nhà nước và hỗ trợ nền kinh tế; có nguồn lực để cấp tín dụng cho nhiều dự án quan trọng quốc gia với nhu cầu vốn đặc biệt lớn…
“Về phương án bổ sung vốn, Vietcombank đề xuất được đầu tư bổ sung vốn Nhà nước với số tiền 20.695 tỉ đồng. Với mức vốn Nhà nước đầu tư bổ sung này, Quốc hội sẽ có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư. Trên cơ sở đó, Thủ tướng sẽ ban hành quyết định đầu tư vốn” - Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nói.
Chính phủ cũng đề nghị đầu tư bổ sung vốn Nhà nước tại Ngân hàng Vietcombank thông qua hình thức chia cổ tức bằng cổ phiếu từ nguồn lợi nhuận còn lại (sau thuế, sau trích lập các quỹ và sau khi đã chi trả tiền mặt) lũy kế đến hết năm 2018 và lợi nhuận còn lại sau thuế, sau trích lập các quỹ năm 2021.
Theo Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc, việc đầu tư bổ sung vốn Nhà nước tại Ngân hàng Vietcombank là phù hợp với Chiến lược phát triển ngành ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025.
Đồng thời, giúp Vietcombank nâng cao năng lực tài chính để phấn đấu vươn ra khu vực nằm trong top 100 ngân hàng lớn nhất khu vực châu Á; khẳng định vai trò sếu đầu đàn trong ngành tài chính ngân hàng theo định hướng của Đảng, Chính phủ.
“Chính phủ kính đề nghị Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư bổ sung vốn nhà nước tại Vietcombank để duy trì tỷ lệ sở hữu của nhà nước tại Vietcombank và đưa vào Nghị quyết chung của Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV” - ông Phớc nói.
Đề nghị báo cáo rõ thêm ý kiến của cổ đông chiến lược nước ngoài
Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh, cho biết Ủy ban Kinh tế nhất trí về sự cần thiết của việc đầu tư bổ sung vốn nhà nước tại Vietcombank với lý do đã nêu trong tờ trình.
Theo ông Thanh, Ủy ban Kinh tế cũng đánh giá việc đầu tư bổ sung vốn nhà nước tại Vietcombank bằng nguồn cổ tức bằng cổ phiếu, lợi nhuận được chia là bảo đảm cơ sở pháp lý.
Đối với số vốn Nhà nước mà Chính phủ đề nghị bổ sung cho Vietcombank là 20.695 tỉ đồng, Ủy ban Kinh tế cơ bản nhất trí theo đề xuất này.
Tuy nhiên, để có căn cứ đánh giá một cách toàn diện, Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ báo cáo rõ thêm ý kiến của cổ đông chiến lược nước ngoài là Ngân hàng Mizuho Corporate Bank hiện đang nắm giữ 15% vốn điều lệ của Vietcombank, bảo đảm sự đồng thuận, khả thi trong quá trình thực hiện tăng vốn điều lệ; bổ sung thông tin về thực trạng tỉ lệ an toàn vốn của Vietcombank so với các ngân hàng thương mại có vốn nhà nước hiện nay.
“Ủy ban Kinh tế cũng đề nghị Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước phối hợp với các bộ, ngành liên quan để xử lý phần lợi nhuận còn lại năm 2022, 2023, lần lượt là 21.680 tỉ đồng và 25.009 tỉ đồng theo quy định nhằm tăng cường năng lực tài chính cho Vietcombank, bù đắp mức thiếu hụt vốn tự có, bảo đảm an toàn hoạt động” - ông Thanh nói thêm.
Cũng theo ông Vũ Hồng Thanh, đa số ý kiến trong Ủy ban Kinh tế nhất trí với đề nghị của Chính phủ về việc đưa nội dung đầu tư bổ sung vốn nhà nước tại Vietcombank vào Nghị quyết Kỳ họp thứ 8 này.
Trong đó, trọng tâm mở rộng hoạt động kinh doanh, cung ứng tín dụng đối với các ngành, lĩnh vực ưu tiên, các dự án quan trọng quốc gia có quy mô lớn, thực thi các chính sách của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước trong định hướng giảm mặt bằng lãi suất huy động, lãi suất cho vay, hỗ trợ doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân trong sản xuất, kinh doanh.
Ngoài những vấn đề nêu trên, trường hợp được Quốc hội chấp thuận chủ trương đầu tư bổ sung vốn nhà nước tại Vietcombank, Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phải bảo đảm việc đầu tư bổ sung vốn nhà nước tại Vietcombank đúng thẩm quyền quyết định, khẩn trương thực hiện các thủ tục theo quy định, sử dụng vốn một cách hiệu quả.