Tàu cá Trung Quốc vét cá Tây Phi

Sau khi chú ý đến hoạt động của các tàu cá Liên minh châu Âu và tàu cá của Nga trong năm 2010 và năm 2012, tổ chức Hòa bình xanh châu Phi ở Dakar (Senegal) đã khoanh vùng điều tra đối với các tàu cá Trung Quốc.

Ngày 6-5, tổ chức Hòa bình xanh châu Phi ở Senegal đã công bố báo cáo với tiêu đề “Cướp trên vùng biển châu Phi: Bộ mặt che giấu của các tàu cá Trung Quốc và các công ty hợp doanh ở Senegal, Guinea-Bissau và Guinea”.

Báo cáo nêu rõ: “Trong năm 2013, chúng tôi đã nhận diện 462tàu mang cờ Trung Quốc hoặc thuộc sở hữu của chủ người Trung Quốc hoạt động tại 13quốc gia ở châu Phi, trong đó có 407 tàu hoạt động ở các bờ biển Đại Tây Dương”.

Báo cáo ghi nhận rất nhiều tàu cá Trung Quốc đã ngang nhiên đánh bắt vượt sản lượng cho phép ở vùng biển Tây Phi mà không bị phạt.

Trước nay các tàu đánh bắt trộm thường hoạt động về đêm trong tình trạng tắt hết đèn. Trên thành tàu không có ký hiệu nhận biết lai lịch.

Hoạt động đánh bắt cá ở Senegal. Ảnh: GLOBAL INITIATIVE

Lần này các tàu đánh bắt trộm có chiêu mới là khai gian trọng tải tàu để có thể đánh bắt với số lượng nhiều hơn.

Báo cáo của tổ chức Hòa bình xanh châu Phi nhận xét trong hơn 30 năm qua, Tập đoàn Nghề cá quốc gia Trung Quốc (công ty đánh bắt xa bờ lớn nhất Trung Quốc) vẫn thường xuyên khai gian trọng tải tàu cá.

Theo báo cáo của tổ chức Hòa bình xanh châu Phi, Tập đoàn Nghề cá quốc gia Trung Quốc đã đưa 59 tàu đánh cá đến ba nước Senegal, Guinea-Bissau và Guinea trong năm 2014.

Chỉ trong năm nay, số tấn mà đơn vị này khai giảm của tối thiểu 44 tàu đã bằng 22 tàu kéo lưới rê lớn.

Ví dụ Tập đoàn Nghề cá quốc gia Trung Quốc có 12 tàu đánh bắt thoải mái trong vùng biển Senegal nhờ lập công ty liên doanh với người bản địa.

Báo cáo ghi nhận trường hợp đầu tiên bị phát hiện khai gian trọng tải tàu ở Senegal xảy ra vào năm 1988.

Giữa năm 2000 và năm 2014, đơn vị này đã khai gian với chính quyền Senegal trung bình mỗi năm 43% công suất dự trữ cá.

Riêng năm 2014, sản lượng khai gian tương đương sản lượng khai thác từ sáu tàu đánh bắt cá công nghiệp lớn thực hiện.

Tính ra số sản lượng khai gian tương đương 566.000 euro chi phí đánh bắt cá phải nộp cho Senegal.

Để dẫn đến kết luận như trong báo cáo, tổ chức Hòa bình xanh châu Phi đã đi điều tra tại các công ty đánh cá, lấy danh sách các tàu đánh cá do các cơ quan chức năng Trung Quốc lập.

Tổ chức này cũng thu thập các số liệu từ các cơ quan hàng hải có uy tín như Lloyd’s,MarineTraffic.com, GrossTonnage.com hay các báo cáo với nhiều số liệu mâu thuẫn ở nhiều nước.

Báo Le Monde (Pháp) ghi nhận báo cáo nêu trên của tổ chức Hòa bình xanh châu Phi đã đi sâu vào thế giới hỗn loạn của ngành đánh bắt cá công nghiệp tại châu Phi, nơi mà chuyện tàu thay đổi cờ và tên tàu xảy ra như cơm bữa.

Báo cáo của tổ chức Hòa bình xanh châu Phi nhận định thủ thuật khai gian trọng tải tàu đã vi phạm pháp luật của ba nước Senegal, Guinea-Bissau, Guinea, pháp luật của Trung Quốc và định nghĩa về đánh bắt trái phép nêu trong Chương trình hành động quốc tế của Tổ chức Lương-Nông LHQ.

Báo cáo kết luận do các nước Tây Phi thiếu hệ thống quản lý đánh bắt thủy sản hiệu quả nên dẫn đến tình trạng các doanh nghiệp như Tập đoàn Nghề cá quốc gia Trung Quốc có thể tước đoạt nguồn lợi biển của châu Phi với chi phí thấp và hầu như không bị trừng phạt.

_____________________________________

Thành lập các công ty liên doanh giữa các ông chủ châu Á với dân địa phương chuyên cho mượn tên đã trở thành phương thức đơn giản nhất để đánh bắt tràn lan mà không bị phạt. Các chính phủ (châu Phi) không có phương tiện đầy đủ để kiểm soát việc thực hiện pháp luật. Do đó, các nước ở Tây Phi cần phải hợp tác trên một cơ sở dữ liệu chung.

Chuyên gia AHMED DIAMÉ của tổ chức Hòa bình xanh

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm