Ngày 17-7, theo báo cáo từ cảnh sát biển Nhật, tàu nghiên cứu Đại Dương của Trung Quốc một lần nữa lại xuất hiện trong vùng biển xung quanh đảo Okinotori - một đảo san hô được Nhật tuyên bố là cột mốc ở cực nam lãnh thổ của nước này.
Theo báo Nikkei Asian Review, tàu Đại Dương đã hoạt động liên tục trong khu vực từ ngày 9-7 đến 14-7, bất chấp phản đối từ phía Nhật. Chuỗi sáu ngày hoạt động liên tiếp này được là khoảng thời gian dài nhất mà một tàu khảo sát Trung Quốc xuất hiện trong vùng biển xung quanh đảo Okinotori.
Trung Quốc cũng liên tục phớt lờ yêu cầu ngừng hoạt động từ chính phủ Nhật.
Tàu khảo sát Trung Quốc đang hoạt động ở vùng biển xung quanh đảo Okinotori của Nhật Bản. Ảnh: REUTERS
"Nếu tàu này đang triển khai các hoạt động nghiên cứu khoa học, thì họ phải ngừng lại ngay lập tức" - Chánh văn phòng Nội các Nhật Yoshi DA Suga nói với báo giới hôm 17-7.
Theo quy định của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển (UNCLOS), một tàu khảo sát cần phải được chính phủ của quốc gia ven biển cấp phép trước khi hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế của nước đó. Đại sứ quán Nhật tại Bắc Kinh đã đề nghị Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngừng cuộc khảo sát, chiếu theo các quy định của UNCLOS.
"Các hoạt động khảo sát mà không có sự đồng ý trước từ chính phủ nước sở tại là vi phạm luật pháp quốc tế" - đại sứ quán Nhật cảnh báo.
Đáp lại, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc - bà Hoa Xuân Doanh ngày 17-7 khẳng định "Okinotori chỉ là bãi đá, không phải một hòn đảo" - và do đó thực thể này không thể xác lập vùng đặc quyền kinh tế cho Nhật theo quy định của UNCLOS.
"Tàu nghiên cứu của Trung Quốc được quyền tự do nghiên cứu khoa học trên vùng biển quốc tế và đang hoạt động ở các vùng nước liên quan. Các tàu khảo sát Trung Quốc được tự do hoạt động ở đây và không cần bất kỳ giấy phép nào từ phía Nhật" - bà Hoa tuyên bố.
Vị trí của đảo Okinotori nằm ở cực nam lãnh thổ theo tuyên bố của Nhật Bản. Ảnh: ELETHOS.GR
Chính phủ Nhật liên tục khẳng định quan điểm rằng Okinotori là một hòn đảo.
Tranh cãi xung quanh vấn đề đảo Okinotori xảy ra trong bối cảnh các tàu Trung Quốc tăng cường sự hiện diện trên vùng biển gần quần đảo tranh chấp Senkaku (cách gọi của Nhật)/Điếu Ngư (cách gọi của Trung Quốc). Senkaku/Điều Như gồm một nhóm đảo nhỏ hiện đang nằm trong quyền quản lý của Nhật.
Lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật cho biết bốn tàu hải cảnh Trung Quốc đã di chuyển qua khu vực tiếp giáp xung quanh quần đảo Senkaku trong ngày 17-7. Động thái này đánh dấu chuỗi 95 ngày liên tiếp các tàu của chính phủ Trung Quốc xâm phạm vùng biển này – khoảng thời gian dài nhất được ghi nhận kể từ khi Nhật quốc hữu hóa nhóm đảo này vào năm 2012.