Sáng 29-8, tại TP Đà Nẵng, Bộ NN&PTNT đã tổ chức hội thảo Sửa đổi nghị định 67 - những vấn đề cần đặt ra.
Sau hơn 3 năm triển khai, Nghị định 67 (NĐ67) của Chính phủ đã mang lại hiệu quả đáng kể. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện đã có hàng chục tàu phải nằm bờ.
1.510 con tàu được đóng mới
Ông Lại Xuân Môn (Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam) cho biết, sau hơn 3 năm thực hiện NĐ 67 đã đạt được nhiều kết quả tích cực, đã có 27/28 tỉnh, TP ven biển đã phê duyệt danh sách các chủ tàu đủ điều kiện vay vốn để đóng mới, nâng cấp cho 1.948/2.284 con tàu, trong đó đã đóng mới 1.510 con tàu.
“Tổng số tiền cam kết cho vay đóng mới tàu cá là 9.931 tỉ đồng và đã giải ngân cho vay được 9.012 tỉ đồng, dư nợ đạt 8.838 tỉ đồng”, ông Môn cho hay.
Tuy nhiên, theo ông Lại Xuân Môn, NĐ 67 đã bộc lộ những khó khăn, vướng mắc về chính sách về đầu tư cơ sở hạ tầng cho thủy sản, vốn vay, thiết kế, thi công, công tác giám sát đóng mới tàu cá...
Tàu cá của ngư dân Quảng Nam đóng theo NĐ 67 hư hỏng nằm bờ tại Âu thuyền Thọ Quang. Hiện chủ tàu này đang khởi kiện đơn vị cung cấp máy tàu tại TAND tỉnh Quảng Nam. Ảnh: Nguyễn Tri.
“Những vướng mắc này, cần phải được tháo gỡ kịp thời để xây dựng Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển”, ông Môn nói.
Còn theo ông Nguyễn Đỗ Tám (Phó giám đốc Sở NN&PTNT TP Đà Nẵng), các tàu cá đóng mới theo NĐ 67 mang lại hiệu quả kinh tế, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo. Hiện tại chất lượng tàu cá tốt, chưa có hiện tượng hư hỏng từ phản ánh của chủ tàu.
Nói về bất cập của NĐ 67, ông Tám cho biết: “Hiện nay Bộ NN&PTNT đã ban hành 21 mẫu thiết kế tàu vỏ thép. Tuy nhiên, hầu hết các tổ chức, cá nhân đóng mới tàu khai thác hải sản phải điều chỉnh thiết kế để phù hợp với kinh nghiệm và ngư trường hoạt động. Vì vậy sẽ mất thời gian điều chỉnh thiết kế, kinh phí điều chỉnh thiết kế cũng khá cao (khoảng 50 triệu đồng). Ngoài ra, thời gian thẩm định tại các ngân hàng kéo dài nên tiến độ thực hiện về xét duyệt tổ chức, cá nhân đóng mới, nâng cấp tàu còn chậm”.
Hơn 20 lần đi họp
Chia sẻ tại buổi hội thảo, ông Đinh Công Khánh (ngư dân Bình Định) bức xúc, ông đã cùng 6 ngư dân lặn lội ra Đà Nẵng dự hội thảo nhưng chẳng giải quyết được vấn đề. Ông Khánh cho hay, tàu ông được đóng mới và chỉ chạy ra được 10 hải lý thì bị hỏng phải chạy vào bờ.
“Đến nay, tàu của tôi vẫn chưa được sửa chữa và đang tiếp tục nằm bờ. Phía nhà máy đóng tàu thì im hơi lặng tiếng khiến ngư dân trở thành con nợ của ngân hàng. Chúng tôi là ngư dân muốn ra khơi chứ nằm bờ như thế này rất xót xa. Tôi cũng mong cơ quan chức năng vào cuộc điều tra xử lý các công ty làm ăn gian dối khiến tàu của chúng tôi phải nằm bờ”, ông Khánh nói.
Ông Lê Văn Hải đã dự trên 20 cuộc họp nhưng tàu ông nằm bờ vì hư hỏng mà vẫn không được giải quyết được vấn đề. Ảnh: Nguyễn Tri.
Cùng quan điểm, ông Lê Văn Hải (ngư dân Bình Định, có tàu hư hỏng nặng) cho biết, ngư dân rất mong muốn có một con tàu hiện đại, đầy đủ tiện nghi để yên tâm vươn khơi bám biển.
“Trước đây tôi có 1 còn tàu vỏ gỗ và tôi đã thanh lý với giá hơn 1 tỉ đồng để đầu tư vào tàu vỏ thép. Tôi chỉ ước, chúng tôi có thể vươn khơi bám biển, làm giàu trên biển và góp phần bảo về chủ quyền biển đảo của quê hương”, ông Hải nói.
Ông Hải kiến nghị, ngân hàng nhà nước nên có công văn giãn nợ trong thời gian tàu nằm bờ. Như tàu của ông Hải đã quá hạn hơn 1 tỉ đồng, điều đó khiến gia đình ông không còn tư tưởng để vươn khơi bám biển trong khi số nợ cứ ngày chồng lên.
Ngư dân Lê Văn Hải cũng cho rằng, về phần bảo hiểm tàu cá, thân vỏ tàu rất rõ ràng, nhưng bảo hiểm ngư lưới cụ lại yêu cầu chỉ khi mất hết mới mới đền bù. Thực tế việc hư hỏng 1 phần máy móc vẫn khiến ngư dân bị thiệt hại cả tỉ đồng mà đơn vị bảo hiểm không đền bù.
“Tôi tính không nhầm, từ lúc xảy ra sự cố đến bây giờ, tôi đã đi dự trên 20 cuộc họp. Nhưng họ cũng chỉ hứa sẽ trình bày với cấp trên cho đến giờ vẫn bặt vô âm tín. Tôi mong các bộ, ban ngành sớm có công văn giãn nợ vì hiện tàu của tôi đã nợ hơn 1 tỉ đồng, nợ chồng chất, khiến tôi không còn tư tưởng vươn khơi”, ông Hải than thở.