Tàu Trung Quốc muốn bít đường của ngư dân Việt

Với các hành động tấn công vào ngư dân ta hiện nay, “các tàu Trung Quốc (TQ) muốn làm triệt tiêu động cơ đánh bắt của bà con trên ngư trường truyền thống của Việt Nam (VN)” - ông Lưu Văn Huy, Cục trưởng Cục Kiểm ngư (Bộ NN&PTNT), đã nhìn nhận như thế khi trao đổi với Pháp Luật TP.HCM về tình hình tàu cá của ngư dân ta đang liên tục bị các lực lượng khác nhau trên biển của TQ ngăn chặn, dọa dẫm, tấn công trong thời gian qua.

Hải giám TQ tấn công ngư dân

. Phóng viên: Việc tàu hải giám TQ gia tăng đe dọa uy hiếp đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động đánh bắt của ngư dân trên vùng biển của ta?

Tàu Trung Quốc muốn bít đường của ngư dân Việt ảnh 1

+ Ông Lưu Văn Huy: Đây là điều rất quan ngại, sắp tới bà con ngư dân đi biển cần phải thường xuyên cập nhật thông tin, thông báo cho lực lượng chức năng kịp thời giúp đỡ khi có sự cố xảy ra. Trong tình hình hiện nay nhiều nước tăng cường tuần tra trên biển, trong đó có TQ, tuy nhiên tàu hải giám TQ đã tấn công một số tàu cá ngư dân VN.

Họ tấn công bằng nhiều cách, cụ thể là lấy ngư cụ, các trang thiết bị, lấy hết cả dầu chỉ còn để lại một lượng dầu nhất định để ngư dân đủ chạy về mà không thể tiếp tục đánh bắt thủy hải sản. Tức là họ làm bằng mọi giá, mọi cách để triệt tiêu động cơ đánh bắt của bà con trên ngư trường truyền thống của VN.

Nước ta có hơn 1 triệu lao động cùng hơn 120.000 tàu thuyền đánh bắt một cách hợp pháp trên vùng biển chủ quyền của VN. Lực lượng kiểm ngư sẽ làm hết mình để đảm bảo an toàn cho người và tàu thuyền trên vùng biển của mình.

Sẽ đào tạo lực lượng kiểm ngư tinh nhuệ

. Trước tình hình bà con ngư dân trên biển liên tục bị tấn công, Cục Kiểm ngư đã có những biện pháp cụ thể gì để bảo vệ ngư dân vươn khơi?

+ Cục Kiểm ngư, bộ đội biên phòng, cảnh sát biển sẽ phối hợp, tăng cường chặt chẽ, dùng nhiều biện pháp để bảo vệ quyền lợi chính đáng của ngư dân trên vùng biển chủ quyền. Hiện Cục Kiểm ngư cũng đã tăng cường lực lượng thường xuyên tuần tra, kiểm soát trên biển, đồng thời theo dõi qua định vị nắm bắt các sự cố khi ngư dân bị tấn công, tai nạn trên biển. Ngoài ra, Cục Kiểm ngư đang tăng cường, đào tạo lực lượng kiểm ngư tinh nhuệ, đóng tàu mới…

. Trong trường hợp không may ngư dân bị tai nạn trên biển, Cục Kiểm ngư sẽ ứng xử như thế nào đối với các tình huống đó?

+ Đối với ngư dân phải thường xuyên bật các thiết bị định vị lên để nghe những thông tin truyền đến. Ngược lại khi xảy ra tai nạn, bị đe dọa, đâm va… thì phải thông báo ngay qua đường dây nóng của Cục Kiểm ngư, các lực lượng liên quan phối hợp bảo vệ ngư dân. Mới đây, một vụ tai nạn xảy ra trên biển của ngư dân tỉnh Thanh Hóa là bị hỏng máy, phát tín hiệu thì ngay sau đó Cục Kiểm ngư đã thông báo cho bộ đội biên phòng cử những ngư dân đang đánh bắt ở gần khu vực đó đến giúp đỡ. Hoặc như vụ tàu của ngư dân Bình Định đi gặp một số tàu lạ tấn công, hút hết xăng dầu, đập phá lấy thiết bị. Ngay sau đó chúng tôi phối hợp với lực lượng hải quân lai dắt tàu của ngư dân từ đảo Song Tử Tây đưa về bờ...

Ngư dân Việt Nam đang khai thác trên vùng biển chủ quyền của quốc gia. Ảnh: TẤN LỘC

Lập đường dây nóng với các nước Đông Nam Á

. Thưa ông, việc xử lý thông tin về các vụ việc phát sinh đột xuất của hoạt động nghề cá trên biển thông qua đường dây nóng giữa VN-TQ đến nay đã xử lý được bao nhiêu vụ?

+ Kiểm ngư đã ban hành quy trình tiếp nhận và xử lý thông tin về các vụ việc phát sinh đột xuất của hoạt động nghề cá trên biển thông qua đường dây nóng giữa VN-TQ. Đến nay Cục Kiểm ngư đã tiếp nhận và xử lý thông tin tám vụ việc đột xuất trên biển, trong đó có năm vụ về sự cố tàu cá và ngư dân, một vụ việc về tranh chấp nghề cá được tiếp nhận, một vụ xử lý tàu cá vi phạm thông qua đường dây nóng VN-TQ.

Phía chúng ta có thiện chí phối hợp với TQ để cho ngư dân hai nước khai thác an toàn. Sau khi TQ thông báo Cục Ngư chính đã điều chỉnh lại cơ quan thường trực đường dây nóng nhưng đến nay vẫn chưa có thông báo cụ thể về đường dây nóng này. Vì thế, Cục Kiểm ngư vẫn chủ động thông báo cho Cục Ngư chính phía TQ.

Có một số vụ việc trước đó khi chúng tôi thông tin qua đường dây nóng về việc ngư dân cần được hỗ trợ, tuy nhiên phía TQ nói rằng: “Đợi lệnh cấp trên”. Ngay sau đó ngư dân chúng ta đã gặp phải những tai nạn rất bất ngờ. Có trường hợp đã tử vong, điều này rất là không hay. Sắp tới, chúng tôi sẽ có báo cáo với Chính phủ, Bộ NN&PTNT có những tác động để phối hợp hiệu quả.

. Được biết Cục Kiểm ngư đang phối hợp với các nước Đông Nam Á mở đường dây nóng?

+ Đúng rồi, hiện tại Cục Kiểm ngư đang phối hợp với cơ quan chức năng sẽ ký, mở đường dây nóng đối với các lực lượng chấp pháp của các quốc gia trong việc tuần tra chung trên biển. Cụ thể là các nước Thái Lan, Singapore, Philippines, Malaysia, Indonesia...

. Thời điểm tháng 8 thường tàu cá của TQ sẽ tràn sang đánh bắt hải sản trên vùng biển chủ quyền của ta. Cục Kiểm ngư có biện pháp để ngăn chặn chưa?

+ Mọi năm chúng tôi vẫn tăng cường triển khai ngăn chặn nhưng năm nay tính chất, mức độ, quy mô có thể thay đổi. Tất nhiên không cần phải đợi đến tháng 8 mà bây giờ các lực lượng của VN trên biển đã phối hợp ngăn chặn tàu cá TQ tràn sang, đồng thời có biện pháp bảo vệ ngư dân, kiên quyết bảo vệ chủ quyền. Chúng tôi đề nghị ngư dân các nước phải tôn trọng, thừa nhận chủ quyền trên biển của VN. Chúng tôi luôn động viên bà con ngư dân yên tâm khai thác trên vùng biển chủ quyền của ta.

. Xin cám ơn ông.


Tàu hải giám Trung Quốc ngày càng trở nên nguy hiểm

Tàu hải giám TQ đang ngày càng trở nên nguy hiểm khi gia tăng mức độ uy hiếp đối với tàu cá ngư dân VN đang khai thác hải sản ở ngư trường truyền thống là Hoàng Sa, Trường Sa của VN. Trong đó, nhiều tàu cá của ngư dân Quảng Ngãi, Quảng Nam bị đâm, bị đe dọa. Trong khoảng sáu tháng qua, Cục Kiểm ngư cho hay đã xua đuổi hơn 100 tàu cá TQ xâm phạm chủ quyền và ngư trường truyền thống của VN.

(Trích báo cáo sáu tháng đầu năm 2015 của Cục Kiểm ngư)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm