Tế bào gốc trị hơn 70 bệnh lý huyết học

Vừa qua, BV Truyền máu - Huyết học TP.HCM đã ghép thành công tế bào gốc (TBG) tạo máu nửa thuận kháng nguyên hòa hợp tổ chức - HLA (Human Leucocyte Antigen) cho bệnh nhân đầu tiên tại Việt Nam. Sử dụng TBG để chữa bệnh đang là kỹ thuật tiên tiến và hiệu quả nhất trên thế giới. Pháp Luật TP.HCM giới thiệu rõ hơn về những tác dụng mà TBG mang lại.

Sự “thần kỳ” của TBG

Theo TS Trần Ngọc Quế, Phó Giám đốc Trung tâm TBG, Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương, TBG được nghiên cứu ứng dụng điều trị nhiều bệnh lý nan y trong những chuyên khoa khác nhau: tim mạch, thần kinh, nội tiết, nhãn khoa, xương khớp, các bệnh tự miễn, các tổn thương da và niêm mạc... Ngoài ra, TBG còn được sử dụng trong các chuyên ngành khác như: thẩm mỹ làm đẹp, nghiên cứu dược lý.

ThS Võ Thị Thanh Bình, Trưởng khoa Ghép TBG, Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương, cho biết trong chuyên khoa huyết học, TBG có thể điều trị trên hàng chục loại bệnh lý huyết học khác nhau.

“Ghép TBG tạo máu (thường được gọi là ghép tủy) đã mang lại cơ hội sống cho những bệnh nhân mắc ung thư máu và một số bệnh của các cơ quan khác trong cơ thể. Hiện nay, ghép TBG tạo máu có thể chữa khỏi nhiều bệnh lành tính hoặc ác tính như đa u tủy xương, suy tủy xương, ung thư hạch, hội chứng rối loạn sinh tủy, thiếu máu bẩm sinh, bệnh hồng cầu hình liềm...” - bà Bình nói.

Các nhân viên kỹ thuật đang tách chiết TBG trong labô. Ảnh: CTV

Dây rốn, nguồn cung cấp lý tưởng

TS Quế cho biết dây rốn (đoạn kết nối giữa rốn của thai nhi và nhau thai bám ở thành tử cung của người mẹ) và bánh nhau là nguồn cung cấp TBG lý tưởng nhất. “Trong máu dây rốn có chủ yếu là các TBG tạo máu, là các tế bào sẽ sinh ra tất cả các loại tế bào máu tương tự như các TBG tạo máu có ở tủy xương. Đây là lý do tại sao có thể dùng TBG tạo máu trong máu dây rốn thay cho TBG tủy xương” - TS Quế lý giải.

Nhờ phát hiện những ưu điểm trên, hàng loạt quốc gia đã tiến hành xây dựng các ngân hàng máu dây rốn với mục đích lưu trữ các TBG tạo máu, dùng cho mục đích điều trị chính những người được lưu giữ máu dây rốn và thân nhân của họ. Cho đến nay trên thế giới đã có hàng ngàn người được cứu sống nhờ ghép TBG máu dây rốn.

TBG như “bảo hiểm sinh học”

Theo các bác sĩ, hiện nay bệnh nhân cần TBG để cấy ghép và thay thế rất nhiều nhưng không có nguồn TBG để sử dụng. Hơn nữa, việc tìm TBG có sự tương thích không phải là dễ. Những người trong cộng đồng nếu không là người ruột thịt thì phải 10.000 người mới có 3-4 người có mẫu TBG tương thích phù hợp với nhau. Thậm chí, anh em trong gia đình cũng chỉ có thể tìm thấy TBG phù hợp 25%-50%.

Theo bà Đặng Thị Kim Lan, Giám đốc điều hành Ngân hàng TBG Mekostem, cất giữ TBG dây rốn là một biện pháp bảo đảm tương lai sức khỏe cho con cái. Không ai biết trước một em bé sinh ra khi lớn lên có thể mắc bệnh gì. Nếu các TBG từ dây rốn của con trẻ được cất giữ thì đây sẽ là nguồn tế bào phù hợp nhất để chữa bệnh cho bé.

“Cất giữ TBG dây rốn như một hình thức “bảo hiểm sinh học”. Không ai mua bảo hiểm lại muốn phải sử dụng đến bảo hiểm nhưng không may cần dùng đến thì điều đó lại rất ý nghĩa, đặc biệt hình thức “bảo hiểm sinh học” này khác với bảo hiểm bằng tiền là mẫu tế bào được lưu giữ không thể mua được bằng tiền” - bà Lan nói.

Tế bào gốc là gì?

Tế bào gốc là tế bào còn non trẻ, có khả năng tự thay mới mình và biệt hóa thành các tế bào chuyên biệt khác để tạo nên các mô, cơ quan khác nhau của cơ thể và thay thế cho các tế bào ở các mô, cơ quan bị mất đi do già và chết tự nhiên hoặc bị tổn thương vì các nguyên nhân khác nhau.

Một số địa chỉ lưu giữ TBG cuống rốn

Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương, BV Truyền máu - Huyết học TP.HCM, Ngân hàng TBG Mekostem. Giá thành bảo quản TBG là 25 triệu đồng cho năm năm đầu, những năm tiếp theo mỗi năm hết 2,5 triệu đồng. TBG có thể bảo quản trong vòng 18 năm.

HUY HÀ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới