Tài sản thế chấp, bảo lãnh là động sản như xe hơi... rất khó tìm được để kê biên. Tài sản thế chấp là bất động sản như đất đai, nhà xưởng… thì kê biên, định giá, giảm giá nhiều lần không bán được. Chưa kể giấy đỏ một đằng, thực tế một nẻo như khác diện tích, sai lệch mốc giới, người thế chấp, bảo lãnh đã bán cho người khác từ trước”.
Đó là một số nguyên nhân dẫn đến khó khăn, vướng mắc trong công tác thi hành án (THA) liên quan đến tín dụng ngân hàng được nêu lên tại buổi làm việc giữa Tổng cục THA dân sự với Cục THA dân sự tỉnh Đồng Nai mới đây.
Đất thế chấp bỗng dưng biến mất
Theo một bản án đã có hiệu lực pháp luật từ tháng 8-2012 của TAND tỉnh Đồng Nai, vợ chồng ông LTM (ngụ xã Tây Hòa, Trảng Bom) phải thanh toán hơn 960 triệu đồng cộng lãi suất chậm THA cho Ngân hàng TMCP Á Châu Chi nhánh Đồng Nai. Tài sản thế chấp gồm quyền sử dụng đất diện tích 1.230 m2 thuộc thửa 108 tờ bản đồ số 2 xã Tây Hòa của vợ chồng ông M. và quyền sử dụng đất diện tích 9.932 m2 thuộc thửa 110 tờ bản đồ số 2 xã Tây Hòa của ông LVN.
Tháng 6-2013, Chi cục THA dân sự huyện Trảng Bom đã ra quyết định THA theo yêu cầu của phía ngân hàng nhưng đến nay vụ việc này vẫn chưa thể THA được.
Theo Chi cục THA dân sự huyện Trảng Bom, đại diện phía ngân hàng yêu cầu kê biên toàn bộ diện tích đất trong các giấy đỏ thế chấp. Tuy nhiên, qua xác minh thực tế và theo thông tin cung cấp của Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất huyện Trảng Bom thì ông LTM - người đứng tên trên một giấy đỏ thế chấp lại... chưa có tên đăng ký trong dữ liệu địa chính. Cạnh đó, thửa 110 tờ bản đồ số 2 hoàn toàn không có diện tích 9.932 m2 đất như trong giấy đỏ thế chấp còn lại của ông LVN.
Ngoài ra, người phải THA và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đã bỏ địa phương đi đâu không rõ nên chấp hành viên chưa làm việc được với các đương sự này. Vì vậy, chấp hành viên không có cơ sở để tiến hành cưỡng chế kê biên đối với toàn bộ tài sản thế chấp theo yêu cầu của phía ngân hàng.
Ông Nguyễn Văn Sơn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục THA dân sự (đứng), làm việc với Cục THA dân sự tỉnh Đồng Nai về khó khăn trong THA tín dụng ngân hàng. Ảnh: T.DŨNG
Đất đã bán vẫn thế chấp được
Theo một bản án có hiệu lực pháp luật từ tháng 6-2013 của TAND quận Bình Tân (TP.HCM), Công ty TNHH Xây dựng TL phải thanh toán hơn 3,2 tỉ đồng cộng lãi suất chậm THA cho Ngân hàng TMCP phát triển TP.HCM. Tài sản thế chấp là quyền sử dụng đất diện tích 1.563 m2 thuộc thửa 156 tờ bản đồ số 17 xã Bắc Sơn (Trảng Bom) của hộ ông HVV.
Tháng 4-2014, Chi cục THA dân sự huyện Trảng Bom đã ra quyết định THA. Khi Chi cục tiến hành xác minh mới biết năm 2011, ông V. đem giấy đỏ đi thế chấp cho hợp đồng tín dụng trên nhưng từ năm 2008, gia đình ông đã phân lô bán tám lô đất cho người dân địa phương (các hợp đồng chuyển nhượng đều có xác nhận của UBND xã Bắc Sơn). Các hộ dân mua đất của gia đình ông V. đều đã cất nhà ở nhưng chưa lập thủ tục tách thửa. Hiện khu đất của gia đình ông V. chỉ còn lại khoảng 300 m2. Gia đình ông V. chỉ chấp nhận giao diện tích còn lại này để THA.
Đại diện ngân hàng không đồng ý, yêu cầu Chi cục THA dân sự huyện Trảng Bom cưỡng chế kê biên toàn bộ diện tích 1.563 m2 như trong giấy đỏ thế chấp. Tuy nhiên, cơ quan THA chưa thể đáp ứng yêu cầu này của phía ngân hàng vì ảnh hưởng đến quyền lợi của các hộ dân đã mua đất, cất nhà ở từ ba năm trước khi ngân hàng nhận thế chấp quyền sử dụng đất.
Hiện trạng đất không còn Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Nguyễn Văn Hơn (Chi cục trưởng Chi cục THA dân sự huyện Trảng Bom) cho biết: Việc cơ quan THA không thể tiến hành cưỡng chế kê biên đất theo yêu cầu của một số ngân hàng vì hiện trạng đất thực tế không còn, không giống như trong giấy đỏ thế chấp có phần lỗi từ chính các ngân hàng. Đó là khi thẩm định tài sản thế chấp để cho vay, bộ phận thẩm định của các ngân hàng đã không khảo sát thực tế mà chỉ căn cứ vào giấy tờ. Nếu khảo sát thực tế thì chắc chắn giấy tờ của những thửa đất không tồn tại trên thực tế hay đã phân lô bán cho người khác sẽ không đủ điều kiện để thế chấp. “Từ thực tế trên, chúng tôi đề nghị Cục THA dân sự tỉnh Đồng Nai kiến nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo các tổ chức tín dụng, ngân hàng cần chặt chẽ hơn trong việc thẩm định các tài sản thế chấp, bảo lãnh để không bị rơi vào tình huống không xử lý được hoặc khó xử lý khi THA” - ông Hơn nói. |