Thảm sát ở Bình Phước: Những tình tiết qua lời kể các nhân chứng

Đến nay, chiều tối ngày 8-7, các lực lượng chức năng vẫn đang khẩn trương triển khai các biện pháp nghiệp vụ điều tra nhằm nhanh chóng làm rõ vụ án.
Đã có rất nhiều thông tin và các lời khai khác nhau (đôi khi còn có mâu thuẫn) liên quan đến vụ trọng án này. Cũng dễ hiểu, vì thực sự đến thời điểm này, cơ quan điều tra vẫn chưa có bất kỳ thông tin chính thức nào về các lời khai và tình tiết của vụ án.
Tuy nhiên, xung quanh vụ thảm án, qua điều tra của báo chí, đã có nhiều thông tin quan trọng. PLO xin sơ lược lại một số thông tin đáng lưu ý để bạn đọc tiện theo dõi.
Lời khai người giúp việc
Người phát hiện sự việc đầu tiên chính là người giúp việc của gia đình nạn nhân. Đó là bà Đoàn Thị Cẩm Loan (42 tuổi). Bà cho biết bà thường ngủ lại nhà ông chủ nhưng do đêm qua có việc gia đình nên bà về nhà ngủ.
Lúc 7g sáng, khi đến nhà thấy cửa phía sau khóa, bà Loan đi lên cửa phía trước thì thấy cửa khép hờ. Đẩy cửa vào bên trong thì muốn đứng tim khi thấy xác ông Mỹ, bà Nga và đứa con trai Quốc Anh ông Mỹ bị trói tay ngược ra sau rồi tất cả bị cắt cổ gần lìa đầu nằm sóng soài tại các cột nhà.
Bà Loan lên lầu thì phát hiện thêm hai người là Lê Thị Ánh Linh và Dư Ngọc Tố Như.
Thấy cảnh tượng quá khủng khiếp bà liền lấy điện thoại gọi báo công an rồi tri hô cho hàng xóm qua giúp đỡ.
Liên quan đến thông tin bé gái 18 tháng tuổi sống sót, có thông tin bà Loan thường ngủ lại gia đình nạn nhân nhưng tối xảy ra sự việc bà Loan về nhà riêng của mình. Trong khi đó cũng có thông tin lại bà Loan đưa bé Na về nhà mình nên bé thoát chết.
Trả lời về việc này, Thiếu tá Đào Văn Thêm - Phó phòng tham mưu Công an tỉnh Bình Phước xác nhận bé Na lúc đó đang ở trong phòng nạn nhân.
Lời khai của người thân
Tiếp đến là lời khai của hai người có liên quan đến gia đình nạn nhân, đó là em trai bà Nga và người chở củi.. Theo Báo Tuổi trẻ đưa tin, em trai bà Nga kể: khoảng 3 giờ sáng ngày xảy ra vụ thảm sát, ông có nhận được một cuộc gọi của cháu Dư Ngọc Tố Như yêu cầu mình đến nhà ông Lê Văn Mỹ gấp, tuy nhiên chưa kịp hiểu chuyện gì thì điện thoại bị ngắt ngang, ông liên hệ lại nhưng không được. Do nghĩ cháu mình chọc phá, ông này đã đi ngủ tiếp tới sáng cho đến khi nhận được tin dữ.
Ngoài ra, cũng theo báo Tuổi Trẻ, người chở củi của nhà nạn nhân khai: theo thường lệ thì vào 3g30 đến 4g sáng mỗi ngày anh này đều đến nhà chủ lấy xe đi chở củi. Tuy nhiên, khoảng 3 giờ sáng ngày 7-7 anh bất ngờ nhận được điện thoại của chính bà Nga gọi yêu cầu: “Bữa nay đừng tới chở củi”. Sau đó thì tắt máy, cho đến khi anh này biết được tin dữ.


Công nhân xưởng gỗ thất thần khi nghe tin về vụ thảm sát. Ảnh: Nguyễn Tân

Lời kể của công nhân xưởng gỗ
Ông Phạm Văn Mãi (52 tuổi), công nhân làm việc xưởng gỗ Quốc Anh cho biết: “Sáng sớm, tôi vẫn vào làm việc bình thường cho tới lúc bà lao công dọn nhà phát hiện vụ việc rồi la hét lên thì mọi người mới hay biết sự việc. Công ty gỗ có hơn 100 công nhân. Thường ngày, ông bà chủ luôn quan tâm đến hoàn cảnh của từng công nhân, chăm lo tốt cho mọi người nên không có bất cứ điều tiếng nào. Mọi người ai cũng quý mến gia đình ông chủ. Thời gian gần đây, tôi chưa thấy gia đình ông chủ có chuyện gì bất thường hay xáo trộn”.
Chị Lê Thị Lệ (SN 1968, ở TT. Rạch Giá, Kiên Giang, công nhân tại xưởng gỗ của gia đình nạn nhân) cũng cho biết, trước đây khoảng 1 tuần, chủ xưởng gỗ Quốc Anh đã cho nghỉ việc khoảng 10 người thợ làm thuê tại xưởng gỗ. "Do những người này trước đây đã làm sai kỹ thuật và bị phạt cảnh cáo một lần nhưng vẫn tái phạm nên bà chủ đã cho những công nhân này nghỉ việc. Họ làm nhiều công việc khác nhau tại xưởng gỗ từ lên đà, cưa xẻ…”.
Một người dân ở xã Minh Hưng, huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Phước (giấu tên) cũng kể: "Bình thường đến ngày 8, 9 là ngày phát lương cho công nhân tại xưởng gỗ. Trước đó 2 ngày hai vợ chồng ông Lê Văn Mỹ có rút tiền để về trả lương cho công nhân. Số tiền rất lớn vì công nhân làm việc tại xưởng gỗ đông. Tui biết vì tui cũng là công nhân làm gỗ, có bạn làm bên này, có thể các đối tượng đã thấy số tiền lớn nên đã nảy sinh ý định cướp tài sản".
Anh Võ Hoàng Dân (40 tuổi, quê Tiền Giang, công nhân của xưởng gỗ lại cho rằng ông bà chủ là người tốt và thường xuyên trả lương đúng hẹn: “Đáng lẽ 5-7 hàng tháng là ông chủ mới trả lương, nhưng tháng vừa rồi ông chủ trả lương sớm một ngày vào ngày 4-7. Làm ở đây lương bổng trả đều đều đúng hạn, lễ tết cũng được thưởng, được tổ chức vui chơi” (theo TNO)

Em Lê Ngọc Qúy (17 tuổi, ngụ An Giang, phụ việc ở bộ phận cưa ) cũng cho biết, em vẫn sẽ bám trụ lại đây, nếu xưởng gỗ của ông chủ hoạt động lại thì em sẽ xin làm tiếp: “Ông bà chủ đối với công nhân rất tốt, không hề có mắng mỏ hay chửi bới ai cả. Nếu những người làm không được thì nhắc nhở, nhiều lần quá thì cho thôi việc” (cũng theo TNO)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới