Tháng 10, sử dụng lại Quinvaxem

Sau năm tháng dừng tiêm vaccine Quinvaxem 5 trong 1, ngày 24-9, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) Nguyễn Văn Bình, cho biết bắt đầu từ tháng 10, Quinvaxem sẽ được đưa vào tiêm trở lại tại tất cả các điểm tiêm chủng trên toàn quốc.

Theo ông Bình, Bộ Y tế đã cân nhắc rất kỹ sau khi có kết quả điều tra của các tổ chức trong và ngoài nước khẳng định Quinvaxem đạt chất lượng, kể cả những lô vaccine nghi ngờ có liên quan đến các ca phản ứng sau tiêm. Các chuyên gia hàng đầu về tiêm chủng trên thế giới cũng khẳng định không có bằng chứng về các trường hợp phản ứng sau tiêm chủng nặng, tử vong liên quan đến sử dụng vaccine Quinvaxem.

“Bộ Y tế đã chuẩn bị sẵn 1,5 triệu liều vaccine Quinvaxem để tiêm cho trẻ trong đợt này. Bộ sẽ đẩy mạnh kiểm tra công tác chuẩn bị cho đợt tiêm này như việc bảo quản dây chuyền lạnh để bảo quản vaccine, đảm bảo duy trì tối đa 50 trẻ/bàn tiêm chủng trong một buổi tiêm” - ông Bình, cho biết.

Tháng 10, sử dụng lại Quinvaxem ảnh 1

Tiêm vaccine cho trẻ em phòng chống các bệnh truyền nhiễm. Ảnh: Trần Minh

Theo ông Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Chủ nhiệm Dự án tiêm chủng mở rộng quốc gia, không có vaccine nào là an toàn tuyệt đối, kể cả vaccine có thành phần ho gà vô bào hay toàn tế bào. Khi sử dụng vẫn có thể xảy ra các phản ứng sau tiêm. Nguyên nhân có thể do trùng hợp ngẫu nhiên với các bệnh lý khác hoặc do cơ địa của trẻ. Mặc dù có thể có những tai biến không mong muốn nhưng WHO khuyến nghị tiêm chủng vì việc tiêm chủng mang lại rất nhiều lợi ích, giúp phòng chống bệnh truyền nhiễm. Việc tạm dừng tiêm chủng càng lâu thì nguy cơ mắc bệnh càng lớn và nguy hiểm đến tính mạng của trẻ em.

Ông Hiển lưu ý, các bậc cha mẹ cần hiểu biết về tình trạng sức khỏe của con em mình, theo dõi sát sao và thông báo ngay với nhân viên y tế nếu thấy có triệu chứng bất thường sau khi tiêm chủng.

Được biết, Bộ Y tế đang triển khai xây dựng quy trình chi tiết về tư vấn, sàng lọc, chỉ định tiêm chủng, đồng thời quán triệt chặt chẽ các quy trình về thực hành tiêm chủng cho các cán bộ tiêm chủng.

Một bàn tiêm chủng sẽ không quá 50 trẻ/buổi

Theo bác sĩ Nguyễn Đắc Thọ, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng TP.HCM: Thay vì tiêm 100, thậm chí 200 trẻ/bàn tiêm/buổi (thường mỗi trạm y tế phường/xã có một bàn tiêm gồm một bác sĩ khám, chỉ định và hai người tiêm), thời gian tiêm từ 2-4 ngày như trước đây, từ tháng 10 sẽ thực hiện tiêm 50 trẻ/bàn tiêm/buổi và thời gian tiêm sẽ kéo dài hơn, tùy điều diện dân số và nhân lực mỗi nơi.

Đồng thời, để tránh tình trạng quá tải khi Bộ Y tế cho tiêm Quinvaxem trở lại, ngành y tế TP.HCM sẽ thông báo và phân luồng để tránh cảnh tụ tập đông, chen lấn…

DUY TÍNH

Mỗi tháng trên toàn quốc có 380.000 trẻ thuộc diện tiêm phòng. Sau hơn 25 năm triển khai chương trình tiêm chủng mở rộng, hơn 65 triệu trẻ em đã được tiêm chủng 11 loại vaccine phòng một số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Việt Nam đã thanh toán bại liệt, loại trừ uốn ván sơ sinh, giảm số mắc, tử vong các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, góp phần nâng cao sức khỏe, bảo đảm an sinh và phát triển kinh tế xã hội.

(Theo Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế)

HUY HÀ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm