Tháng 4 giữa 'chảo lửa' Bình Thuận

Tháng 4 giữa 'chảo lửa' Bình Thuận

(PLO)- Bình Thuận có lượng mưa ở mức trung bình, phân hóa mạnh theo không gian, lượng bốc hơi lớn cùng với số giờ nắng cao nên hạn hán vô cùng khốc liệt.

Tháng 4 hàng năm, tỉnh Bình Thuận được phân chia thành hai vùng là vùng khô và vùng rất khô.

Bình Thuận
Bản đồ khô hạn tháng 4 nhiều năm tại Bình Thuận.

Theo Đề tài nghiên cứu phân vùng khô hạn và quản lý giám sát hạn hán trên địa bàn tỉnh Bình Thuận do Đài Khí tượng thủy văn Nam Trung Bộ thực hiện, do ảnh hưởng của địa hình dẫn đến chế độ nhiệt, ẩm và lượng mưa trên địa bàn của tỉnh có sự khác biệt rất lớn về không gian (giữa Bắc và Nam, Đông và Tây), về thời gian (giữa mùa khô và mùa mưa).

binh-thuan (6).JPG
Nhiều hồ chứa nước tại Bình Thuận đều cạn kiệt. Ảnh: P.NAM

Chính sự khác biệt đó đã làm khơi sâu thêm đặc điểm khí tượng thủy văn của các vùng trong tỉnh; mùa mưa độ ẩm không khí cao, lượng nước trên các sông, suối quá dư thừa, ngược lại mùa khô nhiệt độ không khí cao, độ ẩm không khí thấp, lượng dòng chảy trên các sông, suối lại xuống thấp và cạn kiệt nghiêm trọng.

binh-thuan (2).JPG
Hồ Tà Mon chỉ còn vũng nước nhỏ như vũng trâu nằm. Ảnh: P.NAM

Đến thời điểm hiện tại theo báo cáo của Sở NN&PTNT Bình Thuận, tại huyện Hàm Thuận Nam, có khoảng 400 ha cây thanh long và rau màu thiếu nước tưới. Trong đó, xã Tân Lập nơi có hồ Tà Mon có diện tích thiệt hại lớn nhất và từ ngày 2-3, hồ Tà Mon đã ngưng cung cấp nước tưới.

binh-thuan (3).JPG
Hồ nước hơn nửa triệu m3 giờ chỉ còn vài vũng nước. Ảnh: P.NAM

Ngày 16-4, chúng tôi đã có mặt trực tiếp tại hồ chứa nước này và chứng kiến hồ nước có dung tích 607 ngàn m3 chỉ còn vũng nước ít ỏi giữa hồ như vũng trâu nằm.

binh-thuan (12).jpg
Cá chết khô dưới lòng hồ. Ảnh: P.NAM

Lòng hồ nứt nẻ, cá, các loại nhuyễn thể hai mảnh vỏ như nghêu, trai nước ngọt chết khắp nơi.

binh-thuan (11).jpg
Nghêu, trai nước ngọt chết khắp nơi. Ảnh: P.NAM

Do hồ không còn nước tưới để canh tác, mẹ con chị Thúy sống ở gần hồ đành xuống vũng trâu giữa hồ tranh thủ giăng lưới bắt cá. Nói là giăng lưới nhưng hơn 1 giờ đồng hồ, mẹ con chị Thúy chỉ bắt được vỏn vẹn chục con cá, mà con lớn nhất chỉ bằng hai ngón tay.

binh-thuan (5).JPG
Mẹ con chị Thúy giăng lưới bắt cá. Ảnh: P.NAM

Thằng Tí, cỡ chín tuổi, đen nhẻm mặc khoác kín người, đội nón rộng vành dùng cái xô đỏ to múc lấy múc để vũng nước to bằng cái mâm ăn cơm, hy vọng bắt được vài con cá lòng tong nhưng xô lại đầy bùn.

binh-thuan (14).jpg
Thằng Tí dùng xô mót cá... Ảnh: P.NAM
binh-thuan (15).jpg
Và chỉ vớt được đầy bùn. Ảnh: P.NAM

Khó có thể tưởng tượng được chỉ cách nay vài tháng hồ này chứa đầy nước, giờ xe tải cũng có thể lưu thông dễ dàng dưới lòng hồ mà nhiều đoạn dấu hằn bánh xe vẫn in rõ.

binh-thuan (9).jpg
Xe cộ chạy thoải mái trong lòng hồ. Ảnh: P.NAM

Được biết, chỉ số khô hạn hàng năm ở Bình Thuận phổ biến là 0,8 - 3,2, tức lượng bốc hơi (phần chi) cao hơn gần gấp 3 lần lượng mưa (phần thu) và mức độ khô hạn xảy ra ở tỉnh Bình Thuận chủ yếu từ tháng 11 năm trước đến tháng 4 năm sau.

binh-thuan (10).jpg
Nhiều người ném cả can vì không tìm đâu ra nước. Ảnh: P.NAM

Bình Thuận nằm trong khu vực nhiệt đới gió mùa, tổng lượng mưa năm ở mức trung bình, phân hóa mạnh theo không gian, lượng bốc hơi lớn cùng với số giờ nắng cao, xấp xỉ 2.700 - 2.755 giờ, trung bình hàng tháng có 174 - 297 giờ nắng. Do đó, những ngày này khi đến các vùng khô hạn ở Bình Thuận không khác gì đi vào “chảo lửa”, vô cùng khốc liệt.

Đọc thêm