Ngày 1-4, UBND huyện Hàm Thuận Nam (Bình Thuận) đã có báo cáo tình hình hạn hán và lượng nước tại các hồ chứa trên địa bàn.
Hàng trăm hộ dân có nguy cơ thiếu nước sinh hoạt
Theo đó, hiện nay tổng lượng nước tại các hồ chứa nước trên địa bàn huyện chỉ còn dung tích hữu ích khoảng 17 triệu m3.
Cụ thể, hồ Sông Móng chỉ đạt 12,5 triệu m3/34,171 triệu m3; hồ Ba Bàu chỉ đạt 2,7 triệu m3/5,974 triệu m3; hồ Đu Đủ chỉ đạt 1,409 triệu m3/3,367 triệu m3; hồ Tân Lập chỉ đạt 0,447 triệu m3/1 triệu m3 và hồ Tà Mon chỉ đạt 0,03 triệu m3/0,607 triệu m3.
Dự tính đến ngày 15-4, sau khi điều tiết nước giữa các hồ đập để phục vụ sản xuất, lượng nước hồ Sông Móng, hồ lớn nhất huyện chỉ còn lại khoảng 3 triệu m3 hữu ích cộng thêm 3 triệu m3 lượng nước chết sẽ điều tiết về hồ Ba Bàu để phục vụ nước sản xuất và cấp nước sinh hoạt.
Đối với hồ Ba Bàu hiện kênh chính Bắc đang mở nước tưới và đến ngày 4-4 sẽ kết thúc và kênh chính Đông đã kết thúc vào ngày 30-3.
Riêng hồ Đu Đủ và hồ Tân Lập sẽ tưới phiên cuối vào ngày 4 và 5-5. Đối với hồ Sông Phan đã hết nước từ ngày 25-3 và hồ Tà Mon đã hết nước tưới từ ngày 2-3.
Từ cuối tháng 2-2024 đến nay đã thiếu nước sản xuất tại các xã Hàm Cần; Mỹ Thạnh; thị trấn Thuận Nam và xã Tân Lập do không có nguồn nước thủy lợi, nông dân không bố trí sản xuất.
Nếu sau ngày 30-5-2024 trời không mưa sẽ thiếu nước sinh hoạt đối với khoảng hơn 500 hộ dân ở xã Tân Lập và xã Mỹ Thạnh.
Riêng xã Hàm Cần, nếu sau ngày 30-4 trời không mưa sẽ thiếu nước sinh hoạt khoảng 209 hộ nằm rải rác tại ở thôn xa.
Kịp thời vận chuyển nước cấp cho người dân
Phương án trước mắt, UBND huyện đã giao Phòng NN&PTNT phối hợp với các xã có nguy cơ thiếu nước sinh hoạt, nếu xảy ra thiếu nước sinh hoạt, kịp hỗ trợ vận chuyển nước để cấp nước cho người dân không để thiếu nước sinh hoạt trong mùa khô năm 2024.
Được biết, sông Bà Bích nơi tỉnh Bình Thuận dự kiến sẽ chặn dòng để đưa nước về xây dựng hồ chứa nước Kapét đến nay cũng đã cạn trơ đáy.
Theo báo cáo của UBND tỉnh Bình Thuận, đến nay toàn tỉnh có 41 xã, phường, thị trấn bị thiếu nước sinh hoạt cục bộ, ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của 75.918 người.
Theo Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam Trung Bộ, tỉnh Bình Thuận nằm trong khu vực nhiệt đới gió mùa, tổng lượng mưa ở mức trung bình, phân hóa mạnh theo không gian, lượng bốc hơi lớn và số giờ nắng cao.
Do đó, tình hình hạn hán xảy ra thường xuyên trên địa bàn tỉnh, với tần suất xuất hiện hạn là khoảng 2 - 3 năm, còn hạn vừa, hạn nặng là khoảng là 4 - 5 năm. Thời gian hạn hán ở Bình Thuận chủ yếu xảy ra trong vụ Đông Xuân (thời gian từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau).
Phân cấp độ rủi ro do hạn hán theo hệ số tính dễ bị tổn thương hạn hán và Quyết định 18/2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định về dự báo, cảnh báo, truyền tin thiên tai và cấp độ rủi ro thiên tai thì hạn hán được chia làm 4 cấp từ cấp 1 đến cấp 4.
Cụ thể, tùy theo mức độ thiếu hụt lượng mưa và nguồn nước theo thời gian từ 2 - 3 tháng; từ 3 - 6 tháng và trên 6 tháng.
Phần lớn cấp độ rủi ro thiên tai các khu vực của tỉnh Bình Thuận ở cấp 3, cấp 4, trong đó có 24 xã đạt cấp độ rủi ro cấp 4 chiếm 19,4%; 11 xã đạt cấp 3 chiếm 8,9%; 25 xã đạt cấp 2 chiếm 20,2% và 64 xã đạt cấp 1 chiếm 51,6%.
Theo UBND huyện Hàm Thuận Nam, hiện nay Chi nhánh Hàm Thuận Nam (thuộc Công ty TNHH khai thác công trình thủy lợi Bình Thuận) đã có các văn bản gởi các địa phương liên quan tuyên truyền vận động người dân không chong đèn thanh long trái vụ vì các hồ thủy lợi đã hết nước.