Quan hệ giữa phương Tây và Trung Quốc (TQ) tiếp tục có diễn biến căng thẳng khi ngày 23-3 Pháp, Đức và một số quốc gia thành viên khác của Liên minh châu Âu (EU) triệu tập đại sứ TQ tại những nước này để phản đối việc Bắc Kinh trừng phạt 10 cá nhân và bốn thực thể EU. Một ngày trước đó, EU, Pháp, Anh và Mỹ đã đồng loạt trừng phạt nhiều quan chức TQ với cáo buộc vi phạm quyền con người đối với người Duy Ngô Nhĩ ở khu tự trị Tân Cương.
Thủ tướng Đức Angela Merkel (phải) tiếp đón Tổng thống Mỹ Joe Biden (trái)(khi đó còn là phó tổng thống) thăm chính thức thủ đô Berlin (Đức) hồi tháng
4-2013. Ảnh: AP
Các đòn trừng phạt của EU và các nước phương Tây là “tiêu chuẩn kép, một biểu hiện của hành vi bắt nạt và đạo đức giả” - phát ngôn viên Bộ Ngoại giao TQ Hoa Xuân Ánh chỉ trích trong cuộc họp báo ngày 23-3, đồng thời cảnh báo sẽ khiến các nước này “trả giá”, theo hãng thông tấn Tân Hoa Xã. |
Thất bại ngoại giao to lớn của Bắc Kinh
AP nhận định TQ lâu nay luôn xem EU như một đối tác thân thiện, đặc biệt là khi các nhà lãnh đạo khu vực này né tránh tham gia vào cuộc chiến do Tổng thống Mỹ Donald Trump phát động đối với TQ trên lĩnh vực thương mại và công nghệ.
Tuy nhiên, với việc cả Mỹ và châu Âu đồng loạt trừng phạt TQ vào thời điểm này cho thấy sự nồng ấm trong quan hệ hợp tác xuyên Đại Tây Dương (ĐTD) ở giai đoạn đầu của chính quyền Mỹ hiện tại do Tổng thống Joe Biden - người luôn muốn thành lập một liên minh để đối đầu TQ - lãnh đạo. Mỹ và EU dường như đang xích lại gần nhau hơn sau bốn năm rạn nứt quan hệ với những mâu thuẫn và bất đồng dưới thời Tổng thống Trump.
Giới phân tích cho rằng tác động của các biện pháp trừng phạt không đáng kể nhưng thái độ cứng rắn của phương Tây là một bước lùi về mặt ngoại giao đối với Bắc Kinh. Nhìn rộng hơn, điều này phản ánh sự suy giảm trong quan hệ của TQ với phương Tây và các nước láng giềng châu Á, trong đó có cả Ấn Độ giữa lúc Bắc Kinh theo đuổi các chính sách về chiến lược và thương mại ngày càng quyết đoán hơn.
Đối phó TQ cần nỗ lực chặt chẽ từ EU và Mỹ
Trong khi đó, tờ South China Morning Post dẫn báo cáo mới đây của tổ chức nghiên cứu Hội đồng ĐTD (Atlantic Council - Mỹ) cho rằng các động thái phối hợp giữa Mỹ và các nước phương Tây nói trên còn thể hiện một chiến lược quy mô lớn hơn nhằm kìm hãm TQ thay đổi trật tự thế giới hiện tại mà phương Tây đang hưởng lợi.
Cụ thể, để đối phó với TQ hiệu quả thì Mỹ, EU và các nước châu Âu ngoài liên minh phải ra sức củng cố quan hệ xuyên ĐTD, tập trung chi tiết vào những mục tiêu chung về TQ mà quan điểm của Mỹ và châu Âu gặp nhau, chẳng hạn như các vấn đề quyền con người và việc đối phó với các hành vi ngoại giao cưỡng ép của Bắc Kinh.
Atlantic Council cũng cảnh báo hiện đang có ít nhất sáu kịch bản xung đột quân sự giữa Mỹ và TQ tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Các kịch bản này bao gồm xung đột trên Biển Đông, biển Hoa Đông, xung đột liên quan đến vấn đề Đài Loan, xung đột khi nảy sinh sự cố liên quan đến các chiến dịch tuần tra tự do hàng hải của Mỹ trong khu vực, xung đột liên quan đến vấn đề hạt nhân Triều Tiên và cuối cùng là xung đột liên quan đến những tranh chấp biên giới giữa TQ và Ấn Độ.
“Đối với một số viễn cảnh xung đột ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, bao gồm cả một số cuộc xung đột trực tiếp giữa Mỹ và TQ, các đồng minh xuyên ĐTD cần tiến hành nhiều cuộc trao đổi hơn về những ảnh hưởng của việc này với an ninh châu Âu” - Atlantic Council nhấn mạnh trong báo cáo.
Phương Tây cần hợp tác với khu vực
Báo cáo cũng cho rằng các nước châu Âu nên nhanh chóng đưa ra thêm tuyên bố công khai và rõ ràng rằng các nước sẽ có phản ứng kinh tế và chính trị đáng kể với TQ nếu xảy ra một cuộc xung đột quân sự giữa Bắc Kinh và Washington ở châu Á. Khối hiệp ước an ninh Bắc ĐTD (NATO) cũng nên hình thành các mối quan hệ đối tác mới với các nước ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Báo cáo này cũng kêu gọi các nước EU và NATO hợp tác trong các chính sách với TQ cũng như hoạt động thu thập thông tin tình báo.
Báo cáo thừa nhận sự hợp tác giữa châu Âu với các nước ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương sẽ chịu thách thức trước những khác biệt hai bên. Tuy nhiên, theo báo cáo, trên hết cả hai bên đều có chung mối lo ngại về sự gia tăng sức mạnh quân sự của TQ.
“Các nước ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương cũng như các nước phương Tây là mục tiêu của chính sách ngoại giao cưỡng ép và hung hăng của TQ. Việc cùng nhau hợp tác, phản đối các hành động này, đưa ra các biện pháp đối phó qua liên minh các quốc gia cùng chí hướng có thể ngăn cản TQ nhắm đến các quốc gia riêng lẻ bằng các biện pháp cưỡng ép” - Atlantic Council kết luận.
Hôm 23-3, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã có phiên hội đàm với Bộ trưởng Ngoại giao TQ Vương Nghị trong khuôn khổ chuyến thăm TQ hai ngày, theo hãng tin Reuters. Cổng thông tin chính thức của Bộ Ngoại giao Nga sau đó cho đăng tải tuyên bố chung sau cuộc họp khẳng định quan chức hai bên muốn tổ chức một hội nghị thượng đỉnh giữa các thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (LHQ). “Vào thời điểm bất ổn chính trị toàn cầu gia tăng, tổ chức hội nghị thượng đỉnh giữa các thành viên thường trực Hội đồng Bảo an LHQ là đặc biệt cần thiết để thiết lập các đối thoại trực tiếp tìm cách giải quyết các vấn đề chung của nhân loại nhằm duy trì ổn định quốc tế” - tuyên bố nêu rõ. Reuters cho biết dù nội dung tuyên bố không trực tiếp nhắc đến Mỹ, song Ngoại trưởng Lavrov trong cuộc họp báo cùng ngày khẳng định cả Moscow và Bắc Kinh đều không hài lòng với cách hành xử gần đây của Mỹ. Ông Lavrov còn lên tiếng chỉ trích Washington đang có ý định “vực dậy các liên minh quân sự - chính trị thời Chiến tranh lạnh, đồng thời tạo ra các liên minh khép kín mới nhằm phá hoại kiến trúc luật pháp quốc tế lấy LHQ làm trung tâm”. |