Thấy gì từ vụ việc CSGT Cà Mau truy đuổi gây chết người?

(PLO)- Nhiều người dân thắc mắc khi CSGT truy đuổi người vi phạm gây chết người thì trách nhiệm thuộc về ai?
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Mới đây, đoạn clip về hiện trường vụ tai nạn giao thông chết người ở khu vực miền Tây được cư dân mạng truyền tay nhau một cách chóng mặt. Nhiều lời bình luận được cho là do CSGT Cà Mau truy đuổi gây tai nạn chết người ở Bạc Liêu. Theo đó, Công an tỉnh Cà Mau đã có báo cáo về sự vụ liên quan clip này.

Phòng CSGT Công an tỉnh Cà Mau cũng cho biết, hiện 4 cảnh sát liên quan vụ việc đang làm giải trình chi tiết sự việc.

Clip lan truyền trên các trang mạng xã hội. Ảnh: PLO

Clip lan truyền trên các trang mạng xã hội. Ảnh: PLO

Liên quan đến vụ việc này, nhiều người cũng đặt ra câu hỏi: Trách nhiệm thuộc về ai trong trường hợp CSGT truy đuổi người vi phạm dẫn đến chết người?

Trao đổi với PLO, luật sư Bùi Quốc Tuấn, Đoàn luật sư TP.HCM cho biết: “Trên thực tế, những năm trước đây có một số vụ cảnh sát truy đuổi dẫn tới người vi phạm xảy ra tai nạn giao thông. Chính vì vậy, một số địa phương có những quy định trong ngành, nội bộ CSGT không nên truy đuổi người vi phạm giao thông. Thực tế theo quy định không buộc CSGT phải truy đuổi người vi phạm giao thông”.

Theo đó, luật sư Tuấn đã dẫn chứng một số quy định như sau: Bộ Công an có ban hành Thông tư số 65/2020 quy định nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, quy trình TTKS, xử lý vi phạm hành chính về giao thông đường bộ của CSGT. Theo đó quy định về quyền hạn của CSGT trong tuần tra, kiểm soát quy định tại Điều 8; Hình thức tuần tra, kiểm soát tại Điều 9; Nội dung tuần tra, kiểm soát quy định tại Điều 10.

Theo đó CSGT có quyền giám sát, nắm tình hình trật tự ATGT trên các tuyến giao thông đường bộ. Kiểm soát việc chấp hành pháp luật về giao thông đường bộ và các quy định khác của pháp luật có liên quan của người và phương tiện tham gia giao thông.

“CSGT kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ và hành vi vi phạm khác theo quy định của pháp luật. Kiểm soát các giấy tờ, điều kiện tham gia giao thông có liên quan đến người và phương tiện giao thông. CSGT tuần tra, kiểm soát di chuyển trên tuyến, địa bàn được phân công bằng phương tiện giao thông thực hiện theo kế hoạch mà luật đã có quy định”- luật sư Tuấn cho hay.

Cũng theo luật sư, bên cạnh đó CSGT được dừng các phương tiện tham gia giao thông đường bộ. Được áp dụng các biện pháp ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm về giao thông đường bộ, trật tự xã hội và các hành vi vi phạm khác theo quy định của pháp luật.

Đồng thời theo quy định tại Điều 3 Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012: Mọi hành vi vi phạm hành chính phải được phát hiện, ngăn chặn kịp thời và phải bị xử lý nghiêm minh.

“Tại Thông tư 65/2020 cũng khẳng định CSGT được áp dụng các biện pháp ngăn chặn và bảo đảm cho việc xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật”- vị luật sư này cho hay.

Cũng theo luật sư Tuấn, nếu CSGT vượt quá quy định về quyền hạn, nhiệm vụ thì có dấu hiệu vi phạm vào các tội được quy định tại Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) như sau: làm chết người trong khi thi hành công vụ (Điều 127); tội gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác trong khi thi hành công vụ (Điều 137) .

"Ví dụ cố tình truy đuổi trong điều kiện không an toàn, từ đó có thể xảy ra thương tích đối với người vi phạm thì sẽ bị xử lý. Tùy theo kết quả điều tra việc để xảy ra hậu quả là vô ý hay cố ý thì sẽ có biện pháp xử lý thích hợp theo quy định của pháp luật"- luật sư Tuấn nói.

Luật sư nói thêm, nếu vô ý thì có trách nhiệm bồi thường dân sự, nếu cố ý và thương tích của người vi phạm lỗi nhẹ đó bị nặng từ 11% trở lên thì có thể khởi tố theo tội cố ý gây thương tích theo Điều 134 BLHS.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm