Thay vì giao bài tập Tết cho học sinh, hãy làm 6 điều này

(PLO)- Hãy tạo động lực cho học sinh thay vì áp lực với bài tập Tết. 

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày Tết cận kề, nhiều phụ huynh bận rộn trong guồng quay những ngày cuối năm. Ai cũng mong sao hoàn thành tốt các phần việc còn lại để đón một năm mới vui vẻ, ấm áp. Học sinh cũng mong sẽ được nghỉ thật dài và chơi Tết thật vui. Đặc biệt, không phải vất vả vì những bài tập được thầy cô giao với muôn vạn lý do “đều nghe có vẻ” rất hợp lý và cần thiết cho học sinh.

Hai chiều tranh luận

Trên nhiều diễn đàn, ý kiến của phụ huynh cũng trở nên sôi nổi, thậm chí có phần căng thẳng giữa hai nhóm ủng hộ và phản đối. Một bên cho rằng “hãy để trẻ được nghỉ Tết vui vẻ và trọn vẹn, nói không với bài vở”. Phía khác nhận định: “Phải có bài tập để trẻ không quên kiến thức, tránh ‘nhàn cư vi bất thiện’…”. Tranh luận gần như không có hồi kết, vì đứng trong hoàn cảnh của mình, ai cũng thấy ý kiến của bản thân rất hợp lý.

Xét về mặt lý thuyết, giao nhiệm vụ hay bài tập Tết không có gì là không tốt nếu phù hợp tâm sinh lý lứa tuổi và trình độ hiện tại của học sinh.

Tuy nhiên, trên thực tế, đa phần không ủng hộ việc giao bài tập mang tính kiểm tra kiến thức, khả năng ghi nhớ đơn thuần. Đặc biệt, khi giao bài tập nhiều giáo viên còn tạo áp lực cho học sinh bằng những bài tập khó, số lượng bài tập nhiều và “nắn tinh thần” học sinh bằng giọng điệu nghiêm trọng như “Về mà lo học bài, nếu không vào học lại, thầy/cô kiểm tra, khéo ăn trứng ngỗng đấy nhé!” hay “Vui chơi không quên nhiệm vụ, ai không làm bài hay làm sai bài tập về nhà khi trở lại lớp, thầy cô sẽ có hình thức xử lý tương ứng”.

bài tập tết
Học sinh Trường THPT Bùi Thị Xuân, quận 1 trong 1 tiết học. Ảnh: Nguyễn Quyên

Cách giao bài kèm kiểu giao tiếp như vậy vừa gây áp lực cho học sinh, vừa thể hiện kỹ năng giao tiếp sư phạm hạn chế, vừa không mấy hiệu quả trong việc giáo dục nhân cách cho học sinh.

Không ít người đã bộc bạch rằng bản thân đã từng có trải nghiệm ăn Tết chẳng mấy vui khi từng bị giao nhiều bài tập về nhà dịp Tết, kì nghỉ mất vui vì loay hoay làm bài tập đã chiếm phần lớn thời gian.

Trong bối cảnh đổi mới giáo dục, không khuyến khích trả bài miệng đầu giờ thì việc giảm thiểu bài tập về nhà hoặc chuyển hướng thành các nhiệm vụ “rèn luyện kỹ năng, phát triển nhân cách” cho trẻ dịp Lễ, Tết sẽ đúng xu hướng và gặt hái nhiều quả ngọt hơn.

Mới đây, học sinh Trường tiểu học Tân Trụ, Tân Bình, Tp.HCM bày tỏ niềm hứng khởi với bài tập “đặc biệt” mà cô Nguyễn Thị Thùy Trang giao cho học sinh vào dịp Tết: "Hôm nay cô sẽ giao rất nhiều bài tập. Các con nhớ hoàn thành bài tập đầy đủ để ăn Tết cho ngon nhé".

Cô vừa dứt lời, học sinh thể hiện rõ cảm xúc chán nản vì nghĩ đến cả núi bài tập chờ mình những ngày Tết. Thế nhưng, khi Cô gửi phiếu báo bài qua Zalo, cả lớp muốn nhảy cẫng lên bày tỏ sự vui mừng và đồng thuận: "Con thích bài tập này lắm!".

Nội dung bài tập mà Cô giao cho lớp không phải điểm kiểm tra kiến thức, không mang nặng tính học thuật, cũng không kèm bất kì lời “cảnh báo” nào. Cô đã yêu cầu học sinh: Các con hãy phụ giúp ba mẹ dọn dẹp, lau chùi nhà cửa để đón Tết. Con phụ ba mẹ chuẩn bị mâm cơm ngày Tết. Đọc một cuốn sách hoặc quyển truyện mà con yêu thích. Và nhớ ghi lại những việc mà mình đã làm được trong dịp Tết vào sổ tay của mình".

Tôi đã ước rằng, trường nào, giáo viên nào cũng tâm lý và giao được những bài tập “thấu tình đạt lý” như vậy.

Giáo dục học sinh là cả một quá trình, không vì làm bài tập ngày Tết hay học thêm ngày hè mà trở nên giỏi hơn, kỷ luật hoặc trách nhiệm hơn. Cũng không vì cho trẻ được thoải mái, giảm gánh nặng bài vở ngày Tết, ngày lễ mà trẻ trở nên tụt dốc, học kém được. Vì vậy, nhà trường, giáo viên và cả quý phụ huynh phải cởi mở, nhìn nhận vấn đề đa chiều với tầm nhìn xa, tích cực trong quá trình giáo dục con trẻ.

Vậy làm thế nào để bài tập về nhà trở thành động lực thay vì áp lực?

Những bài tập Tết thấu tình đạt lý

Thay vì giao bài tập, giáo viên và phụ huynh có thể:

- Hướng dẫn trẻ cách chia sẻ công việc nhà: Mỗi người một tay, người nhỏ làm việc nhỏ. Cha mẹ lau dọn bàn thờ, con giặt khăn lau, lấy nước, rửa trái cây, cắm hoa. Người lớn chuẩn bị món ăn, trẻ nhỏ dọn bát đũa.

- Hướng dẫn con trang trí ngày Tết: Kỹ năng cắt, dán, vẽ, cảm nhận nghệ thuật, khả năng mỹ thuật của trẻ sẽ được vận dụng một cách hợp lý vào những công việc mỗi năm một lần này. Ba Mẹ chỉ cần kiên nhẫn, phân công đâu vào đấy, chúng ta sẽ bất ngờ vì sự chú tâm và đáng yêu của “tư duy con trẻ”, sẽ gia tăng màu sắc cho không khí gia đình.

- Đưa con đi chợ/siêu thị cùng người lớn để học quản lý chi tiêu: Việc này không hề khó làm như chúng ta nghĩ, lập một danh sách những món đồ con có thể mua giúp mình, dạy con cách chọn món đồ phù hợp tầm giá, xem hạn sử dụng, xem bao bì, tình trạng món đồ còn nguyên vẹn hay không. Chỉ con cách tiết kiệm hay chi tiêu hợp lý với số tiền đang có. Kiến thức toán học, kỹ năng sống mà con được dạy ở trường sẽ được ứng dụng trong các tình huống xã hội diễn ra khi đi chợ/siêu thị.

- Dạy con làm món bánh, mứt, kẹo truyền thống,… nếu gia đình vẫn còn lưu giữ nét đẹp văn hóa này.

- Cùng con đọc những quyển sách hay về ứng xử, về hành vi tốt đẹp ngày đầu năm cần làm để bồi dưỡng nhân cách cho con.

- Dạy con cách chúc Tết, nói lời tinh tế, khéo léo khi trò chuyện, hỏi thăm, nhận, tặng lì xì sao cho văn minh…

Mỗi trải nghiệm mà con có được với sự góp tay, góp sức của chính mình sẽ khiến trẻ cảm thấy bản thân “có giá trị biết bao” trong gia đình dịp Lễ, Tết.

Tất cả những hoạt động này, cha mẹ có thể khuyến khích trẻ ghi vào nhật ký, Thầy Cô đề nghị trẻ viết bài cảm nhận/thu hoạch về kỳ nghỉ Tết. Ngày đi học trở lại sau Tết, cùng đọc và khen ngợi, động viên các con thay vì trả bài tập, kiểm tra bài đầu giờ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm