Nghỉ tết, thầy hiệu trưởng cho bài tập về nhà, học sinh "phát sốt"

(PLO)- Bài tập về nhà của thầy hiệu trưởng Hồ Tuấn Anh, trường THCS Quỳnh Phương, Nghệ An giao cho học sinh dịp Tết đang gây sốt. 
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

"Ngày tết em và các bạn đều muốn được người lớn lì xì. Theo em có nên bóc bao lì xì ngay trước mặt người tặng khi vừa được tặng không? Vì sao?" - đây là 1 trong 10 bài tập về nhà trong thời gian nghỉ tết Qúy Mão được thầy Hồ Tuấn Anh, Hiệu trưởng Trường THCS Quỳnh Phương, thị xã Hoàng Mai, Nghệ An ra cho học sinh.

Thầy Trần Tuấn Anh cùng với học trò của mình. Ảnh: NVCC

Thầy Trần Tuấn Anh cùng với học trò của mình. Ảnh: NVCC

Bài tập về nhà trong thời gian nghỉ tết cổ truyền của học sinh gồm 10 câu hỏi. Trong đó có những câu như:

Năm nay được nghỉ tết 12 ngày, em hãy xây dựng cho mình một kế hoạch hữu ích trong thời gian nghỉ tết.

Ở Quỳnh Phương có phong tục đi tảo mộ cho người thân đã mất vào sáng 30 tết. Em có tham gia buổi tảo mộ vào sáng 30 tết của dòng họ không? Nếu tham gia thì em có cảm nhận như thế nào?

Nếu có tiền lì xì thì em có dự định chi tiêu như thế nào?

Bài tập về nhà của thầy hiệu trưởng. Ảnh: NQ

Bài tập về nhà của thầy hiệu trưởng. Ảnh: NQ

Đánh giá về bài tập trên, thầy Trần Trung Hiếu, giáo viên Trường THPT chuyên Phan Bội Châu, tỉnh Nghệ An bày tỏ: "Đây mới là 10 bài tập nhân văn nhất, thiết thực nhất mà thầy Hiệu trưởng dành cho học sinh trường mình trong 12 ngày nghỉ Tết QUÝ MÃO 2023".

Cũng theo thầy Hiếu, nhiều năm qua, ở bậc học Mầm non, Tiểu học, THCS của nhiều địa phương, trước khi nghỉ tết, hiệu trưởng và các giáo viên chủ nhiệm thường ra rất nhiều bài tập cho học sinh về nhà làm. "Tôi cho rằng, việc làm đó là rất không nên. Học cả 1 năm học đầy kiến thức và áp lực. Hãy để cho các cháu nghỉ tết, giúp các cháu có cơ hội về với cội nguồn, tổ tiên trong những ngày đoàn viên, sum vầy, để các cháu tìm thấy những giá trị đích thực của Tết cổ truyền. Đó mới là những bài tập bổ ích nhất ! Rất mong các nhà quản lý giáo dục thấu hiểu và các bậc phụ huynh đồng thuận với cách hành xử này" - thầy Hiếu nói thêm.

Ngay khi bài tập được chia sẻ trên mạng xã hội, nhiều người tỏ ra thích thú, bình luận rôm rả: "Tuyệt vời quá thầy hiệu trưởng", "Thầy hiệu trưởng thật tuyệt vời" hay "bài tập thiết thực và nhân văn quá".

Chia sẻ về bài tập trên, thầy Tuấn Anh cho biết, trường luôn cố gắng làm mọi việc để học sinh cảm thấy hạnh phúc và không áp lực khi tới trường. Đặc biệt, làm sao để học sinh có cái tết vui vẻ, ấm áp yêu thương và không phải gánh nặng về bài tập. “Xuất phát từ điều đó, tôi đã thiết kế 10 câu hỏi và đề nghị giáo viên không được giao thêm bài tập gì khác” – thầy Tuấn Anh nói.

Theo thầy Tuấn Anh, chương trình Giáo dục phổ thông 2018 hiện nay chủ yếu là đánh giá phẩm chất và năng lực của các em. Học sinh học được gì từ sách vở, cuộc sống thông qua những việc làm cụ thể. Từ đó, hình thành các phẩm chất yêu quê hương, dòng họ, kính trọng bố mẹ, ông bà và hiểu biết các nét văn hóa truyền thống của dân tộc. Tết cổ truyền là cơ hội để các em rèn luyện phẩm chất trên vì năm nay học sinh được nghỉ khá dài.

10 câu hỏi không chỉ đơn thuần là bài tập cho học sinh mà còn là dịp để cha mẹ đọc và hướng dẫn con hòa mình vào cái tết của quê hương từ việc đi tảo mộ cho ông bà đã khuất, đi chợ tết, tham gia dọn dẹp nhà cửa. Qua đó, cha mẹ sẽ nắm bắt và uốn nắn học sinh những điều chưa hay.

"Là bài tập nhưng học sinh không gặp áp lực phải làm hay không làm, không áp lực về điểm số. Các em chủ động tham gia vào các phần việc, hoạt động của gia đình trong dịp tết, có thể ghi chép lại thành cuốn nhật ký và ra tết chia sẻ với các bạn" - thầy Tuấn Anh nói thêm.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm