Thế giới đang ở thời điểm tốt nhất để tổng lực đẩy lùi đại dịch

(PLO)-  Số ca tử vong và số ca nhiễm đang giảm nhanh trên nhiều khu vực, đặt ra hy vọng đại dịch COVID-19 có thể được kiểm soát trong nay mai.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 14-9 (giờ địa phương), Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus bày tỏ sự lạc quan rằng ngày kết thúc đại dịch COVID-19 đã “ở trong tầm mắt” và thế giới cần tận dụng thời điểm thuận lợi và mọi cơ hội để chấm dứt đại dịch.

Theo ông Tedros, số ca nhiễm mới và số ca tử vong do dịch COVID-19 hằng tuần đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 3-2020 và chuyện chấm dứt đại dịch hoàn toàn là mục tiêu trong tầm tay.

Giờ là lúc tổng lực đẩy lùi đại dịch

Trong báo cáo hằng tuần mới nhất về dịch COVID-19 công bố ngày 14-9 trên trang web của WHO, tổ chức này cho biết trên toàn cầu số ca nhiễm mới hằng tuần giảm 28% trong tuần từ ngày 5 đến 11-9 so với tuần trước, với hơn 3,1 triệu ca nhiễm mới được báo cáo. Số ca tử vong hằng tuần giảm 22% so với tuần trước, với hơn 11.000 ca tử vong được báo cáo. Tính đến ngày 11-9, thế giới ghi nhận 605 triệu ca nhiễm và 6,4 triệu ca tử vong.

Trẻ em Manila (Philippines) đến trường khai giảng năm học mới vào ngày 22-8, sau hai năm việc học bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19. Ảnh: REUTERS

Trẻ em Manila (Philippines) đến trường khai giảng năm học mới vào ngày 22-8, sau hai năm việc học bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19. Ảnh: REUTERS

Nhìn từ góc độ khu vực, mức giảm trong số ca tử vong được thể hiện như sau: 31% ở châu Âu, 25% ở Đông Nam Á, 22% ở châu Mỹ, 11% ở Tây Thái Bình Dương và 10% ở Đông Địa Trung Hải. Riêng châu Phi tăng 10%. Nước có số ca tử vong mới được ghi nhận cao nhất tuần qua là Mỹ, theo sau là Nhật, Nga, Brazil và Philippines.

Theo thống kê của tổ chức Our World in Data, đến nay 67,9% dân số thế giới đã được tiêm ít nhất một liều vaccine phòng COVID-19. Khoảng 12,66 tỉ liều đã được tiêm trên toàn cầu và 3,64 triệu liều đang được tiêm mỗi ngày.

Về số ca nhiễm, WHO nói thêm rằng vì việc xét nghiệm và giám sát dịch COVID-19 được nới lỏng ở nhiều quốc gia nên không loại trừ khả năng nhiều trường hợp nhiễm bệnh đã bị bỏ sót. Do đó, WHO khuyến nghị các nước không nên lơ là trước dịch bệnh, nhất là khi mùa đông đang đến và các biến thể mới vẫn đang đột biến, lây lan rộng rãi.

“Nếu không tận dụng cơ hội ngay bây giờ để ngăn chặn triệt để dịch bệnh, chúng ta có nguy cơ đối mặt với nhiều biến thể hơn, nhiều ca tử vong hơn, nhiều gián đoạn và nhiều bất ổn hơn. Làn sóng hiện nay do các biến thể phụ của Omicron là BA.4 và BA.5 lưu hành cho thấy đại dịch vẫn chưa kết thúc vì virus tiếp tục lây lan ở châu Âu và hơn thế nữa” - ông Tedros cảnh báo.

Điều chỉnh chiến lược chống dịch trước tình hình mới

Theo lãnh đạo WHO, thế giới lúc này vẫn cần duy trì những nỗ lực phòng chống đại dịch. Các quốc gia cần xem xét thận trọng và thay đổi chiến lược chống dịch COVID-19 cũng như các loại dịch bệnh khác có thể xảy ra trong tương lai. Các nước cần đẩy mạnh tiêm phòng vaccine cho 100% nhóm đối tượng có nguy cơ cao và cung cấp đầy đủ thiết bị y tế, chăm sóc sức khỏe đầy đủ cho các nhân viên y tế.

“Chúng ta cần hỗ trợ các quốc gia duy trì hệ thống và dịch vụ y tế không bị quá tải. Chúng ta cần đấu tranh với các thông tin sai lệch về dịch bệnh. Mỗi ngày chúng ta cần tiếp tục chia sẻ những kiến thức về khoa học, xu hướng kiểm soát dịch bệnh, phân tích dữ liệu và đưa ra những lời khuyên có ích cho thế giới. Đó là những thứ chúng ta cần làm cho đến khi đại dịch hoàn toàn chấm dứt” - ông Tedros khuyến cáo.

Theo kế hoạch, vào tháng 10 tới, WHO sẽ họp với một số chuyên gia dịch tễ hàng đầu thế giới nhằm xác định liệu dịch COVID-19 có còn đặt ra tình trạng khẩn cấp về y tế toàn cầu hay không.

Trả lời phỏng vấn của hãng tin Reuters, TS Michael Head thuộc ĐH Southampton (Anh) cho rằng nhận định của WHO về tình hình dịch lúc này là chính xác và rằng thế giới đã thực sự vượt qua giai đoạn ứng phó khẩn cấp với dịch COVID-19. Lúc này chính quyền các nước cần xem xét cách tốt nhất để kiểm soát dịch COVID-19 một cách định kỳ, như một loại bệnh theo mùa.

Nhìn lại quá trình lây lan của dịch COVID-19

Xuất hiện ở Trung Quốc vào cuối năm 2019, virus SARS-CoV-2 gây dịch COVID-19 đã giết chết gần 6,5 triệu người và lây nhiễm cho 606 triệu người khác, gây tác động cực kỳ nghiêm trọng lên kinh tế toàn cầu, gây thiệt hại nặng cho hệ thống chăm sóc sức khỏe của các nước. Trước diễn biến nghiêm trọng của dịch, WHO đã phải tuyên bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu vào tháng 1-2020 và bắt đầu xem COVID-19 là đại dịch ba tháng sau đó.

Việc nhanh chóng phát triển thành công vaccine và các phương pháp điều trị hiệu quả đã ngăn chặn rất nhiều ca trở nặng phải nhập viện và tử vong. Nhiều biến thể mới xuất hiện (như Omicron) nhưng nhờ vaccine mà các triệu chứng của người nhiễm ít nghiêm trọng hơn.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm