Ngày 10-8, tại TP Đà Nẵng, Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Thành ủy Đà Nẵng tổ chức hội thảo Xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa cho biết Nghị quyết 33 của Bộ Chính trị đã tạo ra cú hích mạnh để TP Đà Nẵng bứt phá phát triển trong thời gian qua, giữ vững vai trò là đô thị trung tâm của khu vực miền Trung-Tây Nguyên.
Bí thư Thành Ủy phát biểu khai mạc hội thảo
“Sau 15 năm triển khai Nghị quyết 33, TP Đà Nẵng đã không ngừng nỗ lực bứt phá để đi lên, đạt được những thành tựu to lớn trên tất cả các lĩnh vực. Diện mạo đô thị đã có những thay đổi ấn tượng qua từng ngày. Đà Nẵng đang là một trong những thành phố trẻ trung, năng động, sáng tạo bậc nhất của cả nước, luôn đi đầu trong đổi mới và phát triển” – ông Nghĩa cho hay.
Tuy nhiên, theo ông Nghĩa, bên cạnh những thuận lợi cơ bản và kết quả đã đạt được, TP cũng đang bộc lộ một số bất cập, đối mặt với những khó khăn, thách thức do xuất phát điểm thấp, quy mô nền kinh tế còn nhỏ, tình hình thiên tai phức tạp.
Theo Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình, nếu nói vì Nghị quyết 33 mà TP Đà Nẵng có những thành tựu như ngày hôm nay thì không hẳn.
“Nghị quyết mà không tổ chức, triển khai thực hiện thì nghị quyết vẫn chỉ là nghị quyết, thậm chí đến ngày hôm nay chúng ta tổng kết lại mà khẳng định nghị quyết vẫn còn nguyên giá trị thì nguy hiểm lắm. Vì còn nguyên giá trị có nghĩa là không có giá trị gì vì nghị quyết không đi vào cuộc sống” – ông Bình cho hay.
Ông Bình cho rằng Đà Nẵng được bạn bè trong nước và quốc tế biết đến là thành phố đáng sống là kết quả cụ thể nhất thể hiện cho khái niệm phát triển bao trùm hay phát triển bền vững của TP.
“Đất nước ta thời gian qua có bao nhiêu thành phố đáng sống? Vấn đề những thành phố khác tốc độ tăng trưởng có thể rất tốt nhưng thực sự đã đáng sống chưa? Những thành phố lớn còn rất nhiều vấn đề không phù hợp với chủ trương phát triển bền vững của Đảng ta. Tôi khẳng định ngoài nội dung được thể hiện qua chỉ tiêu con số thì cái đặc trưng nhất của Đà Nẵng là thành phố đáng sống” – ông nói.
Cũng theo ông Bình, hội thảo lần này có ý nghĩa hết sức quan trọng. Do đó, ông đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận những vấn đề có tác động, ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển kinh tế - xã hội của TP Đà Nẵng trong thời gian tới.
Trưởng ban Kinh tế Trung ương khi xác định mong muốn của mình trong thời gian tới, Đà Nẵng không được nóng vội.
Trên cơ sở đó, Trưởng ban Kinh tế Trung ương gợi ý một số nội dung thảo luận như sau:
Thứ nhất, TP Đà Nẵng phải xác định được đâu là nguồn lực chính của mình. “Để TP Đà Nẵng được như ngày hôm nay thì nguồn lực chính nằm ở đâu? Phải chăng từ Trung ương hay từ ngân sách? Nếu cứ theo ngân sách của địa phương và Trung ương thì có Đà Nẵng ngày hôm nay không? Chắc chắn là không có”- ông cho hay.
Theo ông Bình, tiềm năng của một quốc gia, một địa phương nằm ở cơ chế chính sách, do đó phải xây dựng được một cơ chế thực sự đột phá. Trong đó, nguồn lực xã hội hay nguồn lực tư nhân là chủ yếu. Còn nguồn lực ngân sách Nhà nước chỉ mang tính dẫn dắt chứ không nên kỳ vọng vào nó.
“Chúng ta bây giờ cứ xúc tiến đầu tư, mời gọi lẻ tẻ. Giờ phải đổi tư duy, thậm chí không cần xúc tiến mà nhà đầu tư phải tìm đến ta. Trong thời kỳ thế giới phẳng, kinh tế số thì cần gì phải đến Đà Nẵng mới biết TP có cơ chế gì. Chúng ta hoàn toàn có thể cho cả thế giới biết những cơ chế đột phá của Đà Nẵng. Với tư cách là một nhà đầu tư thì họ luôn săn lùng các cơ chế, chỗ nào tốt nhất là họ đến. Người ta nói đất lành chim đậu là ở chỗ đó”- ông Bình nói.
Thứ hai, Đà Nẵng phải xác định rõ tiềm năng, lợi thế và bất lợi của mình trong bối cảnh so sánh với cả nước, khu vực và thế giới.
Thứ ba, TP Đà Nẵng cần xác định rõ mong muốn của mình sau 20-30 năm sau sẽ thế nào.
“Như tôi đã từng trao đổi với anh Nghĩa (Bí thư Thành ủy Đà Nẵng-PV), nước ta cứ thấy GDP giảm là lo. Nhưng tôi thấy đôi khi cái đó lại hay. Chúng ta chứ mãi chạy theo cái GDP tăng trưởng thì có lúc cũng phải trả giá cho việc này. Nếu phát triển không đúng thì sau 5-10 năm sau, chúng ta lại đi khắc phục những hậu quả do tăng trưởng GDP để lại, vừa tốn kém lại mất thời gian, cơ hội, dư địa. Thà rằng đi chậm một chút nhưng chắc” – ông cho hay.
Theo ông Bình, khi xác định mong muốn của mình, Đà Nẵng không được nóng vội, phải làm thật chắc và bài bản. Phải làm sao để mỗi thế hệ đi trước đặt được một viên gạch để thế hệ sau phát triển, chứ thế hệ đi trước cản bước thế hệ đi sau thì sẽ rất nguy hiểm.
“Bởi vì tư duy nhiệm kỳ của chúng ta còn hết sức nặng nề. Cứ thấy những con số đẹp chứng tỏ là thành tích, cho nên thế hệ đi sau không có dư địa để phát triển. Cái này chúng ta phải đặc biệt tránh. Phải làm sao mỗi một thế hệ đặt nền tảng, nền móng cho thế hệ sau này, vừa tránh lãng phí, vừa giữ được quy hoạch và giữ vững được định hướng ban đầu chúng ta đặt ra” – ông nói thêm.