Hải quân Trung Quốc (TQ) được xem là lực lượng hải quân lớn nhất thế giới và số lượng tàu chiến của nước này đang tiếp tục được tăng cường, theo đài CNN.
Người đứng đầu lực lượng Hải quân Mỹ gần đây cảnh báo các nhà máy đóng tàu của Mỹ không thể theo kịp công suất đóng tàu của các nhà máy TQ. Một số chuyên gia ước tính TQ có thể đóng 3 chiếc tàu chiến trong thời gian Mỹ đóng 1 chiếc.
Tuy nhiên, các chuyên gia chỉ ra rằng Mỹ có thể vượt qua TQ bằng một loại “vũ khí” mà Bắc Kinh không có: hiệp ước phòng thủ chung với Hàn Quốc và Nhật.
|
Tàu khu trục Sejong Đại đế của Hàn Quốc đi cùng các tàu Mỹ và Nhật trong một cuộc tập trận chung, ngoài khơi bờ biển phía đông bán đảo Triều Tiên vào ngày 22-2. Ảnh: AP |
Hàn Quốc và Nhật đang chế tạo một số loại tàu chiến có kỹ thuật cao, với giá cả phải chăng. Việc mua tàu từ các quốc gia này, hoặc đóng tàu do Mỹ thiết kế tại nhà máy đóng tàu của họ, có thể là một cách hiệu quả để thu hẹp khoảng cách với TQ.
Tuy nhiên, luật pháp Mỹ hiện cấm hải quân mua tàu do nước ngoài đóng, thậm chí là tàu từ các đồng minh. Luật cũng quy định cấm đóng tàu do Mỹ thiết kế ở nước ngoài nhằm tránh những rủi ro về an ninh và bảo vệ ngành đóng tàu của Mỹ.
Những tàu chiến hàng đầu
Lầu Năm Góc ước tính hải quân TQ hiện có khoảng 340 tàu chiến, trong khi Mỹ có chưa đến 300. Họ cho rằng hạm đội TQ sẽ tăng lên 400 tàu chiến trong 2 năm tới, trong khi đó, để đạt con số 350 tàu chiến, hạm đội Mỹ phải cần đến năm 2045.
Nhưng sự gia tăng về số lượng tàu chiến không phải là mối lo ngại duy nhất của Mỹ. Một số tàu đang sản xuất của TQ được cho là có hỏa lực mạnh hơn một số tàu tương tự của Mỹ. Trong đó, tàu khu trục Type 055 của TQ được nhiều chuyên gia đánh giá là tàu khu trục hàng đầu thế giới.
Có lượng giãn nước từ 12.000 đến 13.000 tấn, tàu Type 055 lớn hơn các tàu khu trục thông thường và có sức công phá rất lớn. Nó có 112 ô phóng thuộc hệ thống phóng thẳng đứng (VLS), bắn tên lửa đất đối không và tên lửa chống hạm. Con số này nhiều hơn so với 96 ô phóng trên tàu khu trục lớp Arleigh Burke mới nhất của Hải quân Mỹ.
|
Một tàu khu trục Type 055 của Trung Quốc. Ảnh: WEIBO |
Tuy nhiên, một số nhà phân tích phương Tây cho rằng tàu khu trục lớp Sejong Đại đế của Hàn Quốc có thể sánh ngang hàng với tàu Type 055.
Với lượng giãn nước từ 10.000 đến 12.000 tấn, tàu Sejong Đại đế nhỏ hơn một chút so với tàu Type 055 của TQ, nhưng chúng có hỏa lực mạnh hơn với 128 ô phóng VLS. Ngoài ra, tàu Sejong Đại đế còn được trang bị các vũ khí bao gồm tên lửa đất đối không, tên lửa chống ngầm và tên lửa hành trình.
Theo CNN, Hải quân Hàn Quốc hiện có 3 chiếc tàu thuộc lớp Sejong Đại đế. Mỗi chiếc trị giá khoảng 925 triệu USD.
“Với một con tàu này, Hải quân Hàn Quốc có thể đối phó với nhiều tình huống đồng thời như chống máy bay, chống hạm, chống tàu ngầm, chống tàu nổi và phòng thủ trước tên lửa đạn đạo” - Cơ quan Truyền thông Quốc phòng Hàn Quốc cho biết.
Kỹ thuật cao, giá cả phải chăng
Ông Alessio Patalano - giáo sư về chiến tranh và chiến lược tại King’s College London (Anh) - cho rằng Nhật cũng có các tàu khu trục “đẳng cấp thế giới”.
Theo ông Patalano, các tàu khu trục lớp Maya mới nhất của Nhật được trang bị 96 ô phóng VLS, có thể bắn cả tên lửa chống đạn đạo và chống tàu ngầm. Ngoài ra, “chất lượng của các cảm biến và hệ thống của nó đứng ở mức cao nhất”.
96 ô phóng VLS của tàu khu trục lớp Maya giúp loại tàu này sánh ngang hàng với tàu khu trục lớp Arleigh Burkes mới nhất của Mỹ. Nhưng có một sự khác biệt quan trọng giữa chúng. Tàu lớp Arleigh Burkes có giá 2,2 tỉ USD, trong khi tàu lớp Maya có giá thấp hơn 1 tỉ USD.
|
Một tàu khu trục lớp Maya của Nhật. Ảnh: NAVAL NEWS |
Nói cách khác, theo CNN, tàu lớp Maya đại diện cho cả “số lượng và chất lượng”. Chúng có thông số kỹ thuật cao, chi phí tương đối thấp và có thể xuất xưởng nhanh.
“Nếu ngành đóng tàu của TQ đang thể hiện năng lực sản xuất hàng loạt vượt trội, thì ngành đóng tàu của Nhật đang dẫn đầu về chất lượng với giá cả phải chăng” - ông Patalano nhận định.
Các tàu chiến khác của Nhật cũng gây ấn tượng mạnh. Tàu chiến lớp Mogami của Nhật có 16 ô phóng VLS, có khả năng bắn tên lửa đất đối không và tên lửa chống hạm. Tàu chiến này có mức giá khoảng 372 triệu USD mỗi chiếc.
Thế khó của Mỹ
Điều khiến các nhà máy đóng tàu của Hàn Quốc và Nhật tạo ra được nhiều tàu chiến chất lượng với giá cả cạnh tranh như vậy là nhờ vào cách họ tính toán trước khi cho đóng tàu.
“Nếu các công ty đóng tàu Nhật hoàn thành việc đóng tàu dưới mức chi phí dự kiến, họ sẽ kiếm được lợi nhuận lớn hơn. Nếu họ có chậm trễ và sai sót, bên đóng tàu phải bù tiền” - ông Carl Schuster, một cựu quan chức của Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương Mỹ, nói.
Ngoài ra, tất cả tàu của Nhật và Hàn Quốc này đều có thể tích hợp công nghệ, vũ khí, radar do thám, hệ thống chỉ huy và kiểm soát của Mỹ.
Ông Blake Herzinger - nhà nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu Mỹ tại Úc - cho rằng đã đến lúc Mỹ nên suy nghĩ lại về quy định đóng tàu chiến của mình.
"Nhật và Hàn Quốc đều có thể đóng tàu chất lượng cao, đúng thời hạn với giá cả phải chăng. Giá cả và thời gian là những điều mà Mỹ đang gặp khó khăn" - ông Herzinger nhận định.
|
Một tàu khu trục lớp Arleigh Burke của Mỹ. Ảnh: NAVAL TECHNOLOGY |
Phát biểu bên lề Đối thoại Shangri-La 2023, ông Nick Childs - thành viên cao cấp về nghiên cứu hải quân tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) - cho biết sự hợp tác giữa Mỹ với các đồng minh đang chuyển quỹ đạo sức mạnh hải quân ở châu Á ra khỏi TQ.
Tuy nhiên, ông Childs không đồng tình với việc Mỹ nên đóng tàu ở nước ngoài.
“Tôi nghĩ câu trả lời là hãy học hỏi cách làm việc của họ, hơn là bắt họ làm việc đó cho bạn” - ông nói.