Thế nào là phạm tội có tính chất côn đồ?

(PLO)- VKSND Tối cao nhận định “phạm tội có tính chất côn đồ” là tình tiết “định tính”, cần phải dựa vào từng trường hợp cụ thể để xác định, đồng thời áp dụng Án lệ 17/2018.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VKSND Tối cao vừa ban hành Văn bản 4962 giải đáp khó khăn, vướng mắc, kiến nghị, đề xuất của các đơn vị, VKS các cấp qua sơ kết, giao ban công tác chín tháng đầu năm 2023.

Trong đó, VKSND Tối cao đã hướng dẫn một số khó khăn, vướng mắc liên quan đến hình sự, tố tụng hình sự.

Phạm tội có tính chất côn đồ là tình tiết “định tính”

Gặp vướng mắc trong thực tiễn công tác, một số VKS đề nghị được hướng dẫn áp dụng tình tiết “phạm tội có tính chất côn đồ” trong việc định tội giết người và tội cố ý gây thương tích.

Giải đáp điều này, VKSND Tối cao cho rằng tình tiết “phạm tội có tính chất côn đồ” là tình tiết “định tính”.

tính chất côn đồ
Ngày 11-1, TAND TP Hà Nội tuyên Nguyễn Hải Vân phạm tội giết người với tình tiết “có tính chất côn đồ” khi phóng hỏa vào khu nhà trọ, can ngăn người dập lửa. Ảnh: HOÀNG VIỆT

Trong thực tiễn áp dụng, để áp dụng tình tiết “phạm tội có tính chất côn đồ” cần căn cứ vào từng trường hợp cụ thể để xác định, đánh giá toàn diện về nguyên nhân, động cơ, mục đích, điều kiện, hoàn cảnh phạm tội; tính chất, mức độ, phương thức, hành động thực hiện hành vi phạm tội, thái độ, ý thức chủ quan của người phạm tội...

Theo VKSND Tối cao, liên ngành Trung ương không có thẩm quyền ban hành văn bản hướng dẫn các quy định của BLHS năm 2015. Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao đã ban hành Án lệ 17/2018/AL, trong đó giải thích về tình tiết “có tính chất côn đồ” nên VKS các địa phương cần nghiên cứu, áp dụng.

Cụ thể, Án lệ 17 nêu tình huống trong vụ án có đồng phạm, chỉ vì mâu thuẫn nhỏ trong sinh hoạt, các đồng phạm đã rủ nhau đánh dằn mặt bị hại.

Khi thực hiện tội phạm, người thực hành dùng mã tấu chém liên tiếp vào vùng đầu, mặt, chân, tay của bị hại; việc bị hại không chết là ngoài ý muốn chủ quan của người thực hành.

Người xúi giục không có mặt khi người thực hành thực hiện tội phạm, không biết việc người thực hành sử dụng mã tấu chém vào những vùng trọng yếu trên cơ thể bị hại nhưng đã để mặc cho hậu quả xảy ra.

Trường hợp này, người thực hành phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “giết người” với tình tiết định khung là “có tính chất côn đồ”. Người xúi giục bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “giết người” nhưng không bị áp dụng tình tiết định khung “có tính chất côn đồ”.

Để áp dụng tình tiết “phạm tội có tính chất côn đồ” cần căn cứ vào từng trường hợp cụ thể để xác định, đánh giá toàn diện về nguyên nhân, động cơ, mục đích, hoàn cảnh phạm tội...

Hướng dẫn về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản

Một vướng mắc khác được đặt ra liên quan đến trường hợp một người nhờ người khác bán hộ tài sản và xác định thời hạn phải trả lại tiền; tuy nhiên người bán hộ tài sản hưởng hoa hồng và không trả lại tiền mặc dù đã quá hạn thanh toán với lý do số tiền bán được tài sản đã ăn tiêu hết (đi chơi, ăn nhậu...). Khi đó có áp dụng điểm a khoản 1 Điều 175 BLHS năm 2015 về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản để xử lý hay không?

Theo VKSND Tối cao, để thỏa mãn hành vi khách quan của tội phạm nêu trên thì phải đáp ứng cả hai điều kiện: Đến thời hạn trả lại tiền và vào thời hạn trả lại tiền đó, người phạm tội có điều kiện, khả năng trả lại tài sản nhưng cố tình không trả.

Do đó, đối với trường hợp nêu trên, mặc dù đối tượng nêu lý do không có tiền để trả lại do số tiền bán được tài sản đã ăn tiêu hết (đi chơi, ăn nhậu, hát karaoke...) nhưng cơ quan có thẩm quyền vẫn phải điều tra làm rõ về việc đối tượng có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả thì mới có căn cứ áp dụng điểm a khoản 1 Điều 175 BLHS năm 2015.•

Thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải là hai hay một tình tiết?

Đối với vướng mắc trong việc áp dụng tình tiết giảm nhẹ “người phạm tội thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải“, theo VKSND Tối cao, về mặt kỹ thuật lập pháp, việc sử dụng dấu “,” giữa hai nội dung “thành khẩn khai báo” và “ăn năn hối cải” theo điểm s khoản 1 Điều 51 BLHS năm 2015 được hiểu là nếu người phạm tội có một trong hai điều kiện “thành khẩn khai báo” hoặc “ăn năn hối cải”; hoặc có cả hai điều kiện này thì cũng chỉ được coi là thỏa mãn một tình tiết giảm nhẹ theo khoản 1 Điều 51 BLHS năm 2015.

Từ đó, trường hợp người phạm tội thành khẩn khai báo và ăn năn hối cải mà không có thêm tình tiết giảm nhẹ nào khác thì cũng chỉ coi là thỏa mãn một tình tiết giảm nhẹ. Trong quá trình xây dựng và áp dụng BLHS năm 2015 thời gian qua, VKSND Tối cao đều nhất quán với quan điểm này.

Trước đó, TAND Tối cao cũng đã có Công văn 174/TANDTC-PC ngày 31-8-2023 về việc áp dụng tình tiết giảm nhẹ “người phạm tội thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải“.

Theo đó, tình tiết “người phạm tội thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải” được hiểu là trường hợp người phạm tội thành khẩn khai nhận về hành vi phạm tội, ăn năn hối lỗi về việc mình đã gây ra. Tình tiết “thành khẩn khai báo” và “ăn năn hối cải” không phải là hai tình tiết độc lập.

“Do đó, nếu người phạm tội “thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải” thì chỉ được coi là có một tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 51 BLHS” - công văn của TAND Tối cao nêu.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm